Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

"Cái Festival" về A Lưới
Ngày cập nhật 29/04/2014
Điệu nhảy truyền thống Gajaga

Trong không khí mát dịu của tiết trời cuối xuân, trong 2 đêm 14 và 15-4, khuôn viên Nhà văn hóa trung tâm huyện A Lưới chật kín khán giả đến xem các chương trình nghệ thuật nằm trong khuôn khổ Festival Huế. Hàng ngàn người dân các dân tộc Pa Kô, Tà Ôi, Pa Hi... không thể ngờ rằng, "cái Festival" mà họ vốn chỉ được biết qua truyền hình, sách báo nay lại diễn ra giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Dấu ấn đặc sắc

Ngay màn mở đầu của vũ điệu Ves bắt nguồn từ lễ tế kohomba kankariya của các nghệ sĩ dân gian thuộc Đoàn nghệ thuật Ranranga đến từ đất nước Xri Lan-ca, khán giả đã choáng ngợp, bởi sân khấu ngập tràn những sắc màu váy áo, những âm thanh, điệu múa khá giống với lễ hội A Riêu Ping mà người vùng cao A Lưới thường tổ chức nhằm tri ân người đã khuất. Đặc biệt, phần âm nhạc đậm chất huyền bí, linh thiêng trong tiết mục nghệ thuật của các nghệ sĩ Xri Lan-ca rất ăn nhập với không gian văn hóa của vùng núi A Lưới, bởi những tiết tấu và âm hưởng dân ca, đưa tới khán giả cảm xúc hào hứng qua từng trường đoạn. Trong không gian sân khấu khá hoành tráng, những vũ điệu Ves đã thể hiện một khát khao rộng lớn, là sự hòa hợp sắc tộc, là những ước nguyện nhân văn được thắp lên, cháy sáng trong cuộc chinh phục thiên nhiên của con người.

 

Vũ điệu Ves của các nghệ sĩ Xri Lan-ca

Đồng bào Pa Kô, Tà Ôi, Pa Hi cũng rất hứng khởi với điệu nhảy truyền thống Gajaga được bắt nguồn cảm hứng từ những tập tính, những hành động đặc trưng của loài voi. Âm hưởng của điệu nhảy hòa theo từng nhịp chân tạo nên những sự khác lạ. Tuy nhiên, những điệu nhảy này không chỉ toát lên vẻ uy vũ, hồn hậu của loài voi, mà còn thể hiện sức mạnh của con người, tính cộng đồng, tinh thần gắn kết, nhiệt tình trong lao động. Có thể nói, những chương trình nghệ thuật mà các nghệ sĩ dân gian Xri Lan-ca đã hướng đến một "cây cầu" nối liền thế giới loài người với thế giới của thiên nhiên. Khi thế giới hiện thực và tâm linh được hòa hợp, đấng thần linh giúp cho con người có những vụ mùa bội thu, có cuộc sống đủ đầy, sức khỏe, tinh thần thoải mái. Đó chính là thông điệp mà các nghệ sĩ muốn gửi gắm.

Điệu nhảy truyền thống Gajaga 

Song hành cùng với các tiết mục đặc sắc của Đoàn nghệ thuật Ranranga là các màn hát múa được kết hợp với dàn cồng chiêng hết sức sôi động, mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao của Đoàn nghệ thuật Ca múa kịch Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thông qua hình tượng nghệ thuật, cùng với giai điệu và lời ca, các chương trình biểu diễn của đoàn đã tạo nên một dấu ấn về tình cảm và sức hấp dẫn đối với đồng bào các dân tộc vùng cao A Lưới. Đan xen trong chương trình là các tiết mục mang hơi thở của thời đại nhưng vẫn gắn liền với bản sắc dân tộc. Những màn hát múa sôi nổi như "Vũ điệu Khơ Mú", "Tự hào Việt Nam" cùng với âm hưởng của nhịp cồng chiêng đã tạo ra những bức tranh nghệ thuật hứng khởi, niềm tự hào về quê hương, đất nước, để rồi lắng đọng trong "Huế và em" với bao gợi nhớ, gợi thương về kinh đô xứ sở năm xưa.

Tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Ca múa kịch Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Món quà lớn

Với đồng bào các dân tộc A Lưới, được thưởng ngoạn các tiết mục nghệ thuật đặc sắc cả trong nước lẫn nước ngoài nằm trong Chương trình Festival Huế 2014 là một món quà lớn. Trên thực tế, sự đồng điệu trong nghệ thuật giữa con người với con người, của nghệ sĩ và người thưởng thức tạo nên cảm giác thăng hoa trong không gian rộng mở bằng những tràng pháo tay giòn giã của đồng bào. Tâm sự với phóng viên, ông Hồ Phấn, 60 tuổi, ở xã Hồng Vân bày tỏ sự phấn khởi: "Nhà báo thấy A Lưới mình vui không? Chiều hôm nay, nhà mình ai cũng đi làm rẫy về sớm, cơm nước xong là trèo lên xe máy vượt hơn chục cây số ra thị trấn để xem "cái festival”...". Còn chị Căn Lên, nhà ở xã Hồng Kim chia sẻ: "Lần đầu tiên  đồng bào Pa Kô, Vân Kiều, Pa Hi được tận mắt xem các nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn. Đồng bào mình ai cũng vui. Ở bản mình, người dân kéo nhau lên thị trấn như trẩy hội. Riêng vợ chồng mình bỏ cả cơm trưa, lội bộ qua nhiều ngọn đồi, khe suối để về thị trấn cho kịp...".

Đi trong không khí mát lạnh của núi rừng Trường Sơn và những dư âm vui vẻ của đồng bào sau khi chương trình nghệ thuật Festival đêm đầu tiên kết thúc, mới thấy rằng, các tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Ranranga đến từ đất nước Xri Lan-ca và Đoàn nghệ thuật Ca múa kịch Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa tuy ngắn ngủi nhưng đã trở thành "ngày hội văn hóa" đầy ý nghĩa. Điều này được thể hiện ở chỗ gần 11 giờ khuya, đến giờ đi nghỉ, Ban tổ chức thông báo tạm dừng, nhưng nhiều người cứ ở lại năn nỉ đòi xem tiếp. Đáp lại "thịnh tình" của khán giả, các nghệ sĩ dù đã lên ô tô, vẫn xuống xe nán lại thêm hơn một giờ tiếp tục biểu diễn. "Thấy người dân địa phương hào hứng với các tiết mục biểu diễn của đoàn, nên chúng tôi dường như quên đi nỗi mệt nhọc", anh Buhary Abu Tahir - một nghệ sĩ trong Đoàn nghệ thuật Ranranga chia sẻ.

Festival Huế lần thứ 8 diễn ra từ ngày 12 đến 20-4-2014 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển" là nơi tụ hội của các thành phố cố đô của Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới. Festival Huế 2014 tiếp tục là hoạt động văn hóa đặc biệt trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á - Mỹ La-tinh do Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xướng, quy tụ các chương trình nghệ thuật tiêu biểu, đặc trưng cho những vùng văn hóa và thành phố cố đô của Việt Nam, giới thiệu nghệ thuật ca múa nhạc cung đình và làn điệu dân ca độc đáo của Huế. Các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao của trên 30 quốc gia đến từ 5 châu lục đã diễn ra hàng đêm tại các sân khấu ở Đại Nội, cung An Định và các sân khấu cộng đồng khắp các thị trấn, vùng xa của tỉnh Thừa Thiên Huế...

Bienphong.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.357.593
Truy câp hiện tại 66.132