Hiện, họ đã từ bỏ cuộc sống du mục và đặt ra quy ước: Ai vào rừng bẫy thú, đốt nương, đánh bắt cá bằng thuốc nổ sẽ bị phạt vạ.
Người Cơ Tu sống ở bản Arooc, Ka Lô (Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) và những người cùng dân tộc mình đang định cư ở các thôn giáp biên giới A Tin, La Tưng, Chi Hòa (xã A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh TT-Huế) tự giao kèo với nhau như vậy. Và họ đã làm được.
Những “Việt kiều” che thân bằng lá cây
Kê Un, 35 tuổi, cùng hai người anh em là Kê Ooc, Kê Ai vừa được nhập quốc tịch Việt Nam hồi đầu năm ngoái. Cách đây gần 20 năm, gia đình Kê Un ở thôn Pa E (xã Nhâm, huyện A Lưới). Cuộc sống khốn khó, cả nhà dắt díu nhau lội sông A Sáp qua đất Lào phát nương, làm rẫy. Họ dựng chòi từ những cây tranh, lồ ô, tre nứa… để rồi qua mùa rẫy lại tiếp tục đi tìm vùng đất mới.
Già làng Đặng Sơn Thi (trái) gửi thóc giống cho già Ploong Hiar mang qua giúp dân Ka Lô
Dùng vỏ cây a mâng làm áo quần, hái lá cây lớn làm chén bát, lấy rễ cây làm thuốc, họ sống qua từng con rẫy cho đến khi anh trai của Kê Un mất vì sốt rét và bố Kê Un nằm lại chốn núi rừng. Những thành viên còn lại trong gia đình thất thểu bỏ rừng trở về quê hương. Những Việt kiều sống trong sự đùm bọc của bà con đồng bào Cơ Tu, Tà Ôi ở thôn A Tin, xã A Đớt. “Dân làng cho mình gạo, muối, khoai sắn. Sau đó cho thêm cây giống để làm rẫy, làm ruộng” - Kê Un nói.
Không riêng Kê Un, hơn 200 Việt kiều ở bản Ka Lô (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) đều được người dân Việt Nam cưu mang, giúp đỡ. Gần 30 năm trước, những người Cơ Tu, Tà Ôi ở A Lưới (TT-Huế) và Tây Giang (Quảng Nam) cắt rừng tiến qua đất Lào tìm cuộc sống mới. Họ tụ tập lại, dựng nên bản Ka Lô. “Chỉ biết phát nương làm rẫy, săn thú, bắt cá kiếm ăn” - Ploong Hiar, một trong những người già nhất bản, kể.
Năm 2007, bản Ka Lô vốn nằm sâu trong cánh rừng của dãy Trường Sơn, được di dời ra gần tuyến đường. Vùng định cư mới “chỉ” còn cách trung tâm huyện Kà Lừm 130km. Từ rừng sâu, người dân Ka Lô bồng bế nhau ra vùng đất mới. Cách khu định cư mới của bản Ka Lô chừng 2 giờ băng rừng, thôn A Tin (xã A Đớt) trở thành nơi nghỉ chân của những Việt kiều mới ra từ rừng thẳm. Đối với những Việt kiều che thân bằng lá cây thì hình ảnh những người dân Việt cùng dòng máu Cơ Tu, Tà Ôi mang quần jeans ống loe, đi xe máy như ở một thế giới khác.
Sống hàng chục năm trên đất Lào, ngôn ngữ của họ dần bị mai một. Trong khi trẻ em Cơ Tu ở A Đớt đã có thể nói lau láu tiếng Kinh. Bằng những nét tương đồng còn sót lại trong ngôn ngữ, văn hóa, họ nhanh chóng thấu hiểu hoàn cảnh, cuộc sống của đôi bên. Dân làng A Tin bàn nhau chia một phần lương thực của mình để nuôi những người đồng bào đã nhiều ngày liền băng rừng chỉ ăn lá cây cầm hơi. Hơn một tháng, những người Cơ Tu đất Việt mở rộng tấm lòng, bao dung đón những đứa con lưu lạc.
Khi bản Ka Lô được xây dựng xong, bà con A Tin gom góp các loại cây giống, con giống cho họ mang theo. Người Cơ Tu ở A Tin còn đi theo họ qua đất Lào để hướng dẫn họ gieo hạt, xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới. “Chúng tôi còn bày họ cách nấu mì tôm” - già làng Đặng Sơn Thi (thôn A Tin), nói.
Già làng “lưỡng quốc”
Già làng Đặng Sơn Thi – đã sống gần 70 mùa rẫy – không thể nhớ hết những lần ông qua đất Lào, khi mang mì tôm, thóc lúa, lúc mang mắm muối, đồ khô cho bà con Việt kiều ở Ka Lô. Bây giờ, cuộc sống của người Ka Lô đã ổn định, không còn du canh du cư, tuy nhiên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Trẻ em không được đến trường, lúc đau ốm bệnh tật không có bác sĩ, phải băng rừng qua biên giới mới có một trạm xá Quân Dân y do đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt dựng lên.
Thanh niên Ka Lô qua biên giới giao lưu với những người bạn Việt
“Thỉnh thoảng, người dân Ka Lô lại qua A Tin xin thóc lúa, cây giống” - già làng Đặng Sơn Thi cho hay - “Họ đến nhà người nào ở A Tin, nhà đó sẽ cho. Nếu nhà đó không có, nhà bên cạnh phải có trách nhiệm giúp đỡ. Người Cơ Tu ở Ka Lô chỉ xin đủ, không lấy thừa, bà con mình ai có lòng thì cho thêm. Nhưng đưa nhiều quá họ cũng không lấy”. “Bà con bên Lào thấy người Việt dùng chất nổ giết hết cá nhỏ cá to. Họ nói nên đặt ra quy ước: dùng chất nổ sẽ bị phạt vạ bò, heo. Dân trong thôn, ai cũng đồng ý. Cá sông Trôn, sông A Sáp lại đầy”.
Đối với bà con bản Ka Lô bên đất Lào, già Thi và những người dân ở thôn A Tin là chỗ dựa cho họ. Mỗi lời già Thi nói ra đều được người dân hai bên nghe theo răm rắp. Già Thi tham gia cách mạng từ năm 1967, đã có gần 15 năm làm cán bộ xã, Chủ tịch Hội Nông dân xã.
Từ già Thi, những hương ước được cả hai bên đưa ra và thực hiện với sự chứng giám của núi rừng. Không săn bắt thú rừng, không khai thác lâm sản, không chia rẽ Việt – Lào, thậm chí những ứng xử giản đơn như uống rượu không được nói nặng lời, không phá phách cũng được bà con hai bên quy ước với nhau.
Cả làng nghe lời già Thi, bà con Việt kiều ở Ka Lô ai cũng yêu mến gọi già Thi bằng Pả (bố).
Rừng thẳm tình thâm
Có lần chập choạng tối, hai anh em A De, A Zoan ở bản Ka Lô đi đánh cá ở khe Tam Ra trong rừng sâu. A Zoan bị trượt ngã, gãy chân. A De đang luống cuống thì gặp Đặng Sơn Tinh ở thôn A Tin cũng vừa đi đánh cá về. Người thanh niên thôn A Tin liền sơ cứu, chặt cây làm nẹp rồi khiêng chàng Việt kiều A Zoan về trạm xá bên đất Việt. Nằm nghỉ ngơi mấy ngày liền, lúc ra đi, hai anh em A Zoan, A De chỉ biết ôm chặt lấy những người đồng bào thay cho lời cảm ơn.
Kê Un giờ đã có ba đứa con, đứa lớn 15 tuổi. Với Kê Un, năm sào ruộng và những rẫy bắp, rẫy chuối cùng gà, heo đầy chuồng là những thứ mà cách đây mấy chục năm, cả gia đình Kê Un rời bỏ quê hương dấn thân vào rừng để tìm kiếm. "Nay Nhà nước cho nhập quốc tịch, được cấp đất xây nhà, con đi học, ốm đau không phải lo, hai vợ chồng bớt cực khổ” - Kê Un nói.
Theo ông Hồ Minh Đường, chủ tịch UBND xã A Đớt: “Ba thôn giáp biên giới Việt – Lào gồm A Tin, La Tưng và Chi Hòa gồm hơn 230 hộ, trong đó có 7 hộ dân được nhập quốc tịch Việt Nam”.
Kê Un và hai người anh em Kê Ooc, Kê Ai đều lấy vợ Việt. Ở thôn Chi Hòa và thôn A Ngo cũng đã có những người phụ nữ Lào theo chồng về đất Việt sinh sống. Thỉnh thoảng, thanh niên Ka Lô lại băng rừng qua biên giới gặp gỡ đồng bào đất Việt. Những cuộc tình xuyên biên giới nảy nở. Những đứa con mang hơi thở núi rừng được sinh ra như bằng chứng sắt son về tình dân tộc giữa đại ngàn.
“Để hỗ trợ người dân Ka Lô xây dựng cuộc sống mới, cán bộ chiến sỹ ĐBP cửa khẩu A Đớt đã tham gia xây dựng 42 căn nhà, thực hiện nhiều đợt khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, chăn màn…, định kỳ hàng tháng cùng đoàn y tế huyện, Sở NN&PTNT cung cấp giống và hướng dẫn bà con các kỹ thuật canh tác hiện đại…” - Thượng tá Trần Danh Tuệ, chính trị viên đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt, cho biết.