Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Lễ công bố quyết định và trao bằng di tích lịch sử quốc gia: Địa điểm chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ tại sân bay A So
Ngày cập nhật 13/03/2013

Nhân dịp kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng ASo (11/3/1966-11/3/2013), sáng 11/3 tại xã Đông Sơn, UBND huyện A Lưới đã long trọng tổ chức lễ công bố quyết định và trao bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia: Địa điểm chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ tại sân bay A So, xã Đông sơn. Tham dự buổi lễ có ông Ngô Hòa, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban ngành cấp tỉnh, các đồng chí trong Thường vụ huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện cùng đông đảo bà con nhân dân xã Đông Sơn.

Di tích Sân bay A So trước năm 1989 thuộc địa giới của xã Hương Lâm, huyện A Lưới. Năm 1989 sau khi chia lại địa giới các xã, di tích Sân bay A So thuộc địa phận xã Đông Sơn cho đến ngày nay. Sân bay A So có diện tích là 45.000m2. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt nam, đế quốc Mỹ đã sử dụng thung lũng A So làm sân bay dã chiến và nơi chứa dựng thuốc diệt cỏ (dioxin) để đem rải, hủy diệt môi trường tại các chiến trường Nam Việt nam. Trong vòng 10 năm  (1961-1971) quân đội Mỹ đã rải 72 triệu lít thuốc diệt cỏ (chứa khoảng 170 kg dioxin) xuống Miền nam, trong đó vùng đất A Lưới đã phải hứng chịu 432,812 lít (tương đương 11 kg dioxin). Chất độc da cam (dioxin) đã làm cho 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là những thế hệ sau là nạn nhân của di chứng chất độc da cam truyền lại.

 
 Đồng chí Ngô Hòa - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh trao bằng công nhận cho lãnh đạo huyện
 
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, số thùng đựng chất độc hóa học còn lại ở khu vực sân bay A So nhiều, nhưng với nhiều lý do khác nhau nên hiện nay đã không còn nữa. Ngày nay, nơi đây còn được mệnh danh là “thung lũng da cam” với hiện tượng hoang hóa, cây cối không mọc được do nhiễm nặng chất độc dioxin. Kết quả nghiên cứu từ năm 1994 đến năm 2000 của UB 10-80 và Hatfield Consultants Co L.T.D (Canada) đã chỉ ra khu vực sân bay A So là “điểm nóng dioxin”. Đề phòng tái diễn chất độc dioxin, các nhà khoa học khuyến cáo không nên ăn các loại thực phẩm có nhiễm chất độc mạnh như gà, vịt, cá, hoa quả… trong khu vực xã Đông Sơn.Nói về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích thì Sân bay A So là nơi ghi dấu sức mạnh, ý chí quyết tâm, tinh thần quả cảm của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.Di tích là một chứng tích tội ác chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra và để lại. Mặc dù chiến tranh đã đi qua, song những gì còn lại nơi đây (không một mảnh rừng già; không còn một loài thú; nồng độ nhiễm chất độc dioxin trong đất còn cao và các nạn nhân qua nhiều thế hệ vẫn còn nhiều…) sẽ là những bằng chứng đầy sức thuyết phục để tố cáo tội ác của chúng đã gây ra cho nhân dân huyện A Lưới nói chung và đồng bào ở xã Đông Sơn nói riêng. Cùng với hệ thống các di tích lịch sử trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện A Lưới và các di tích liên quan như: Đồi A Bia, Cụm Địa đạo động So - A Túc, Địa đạo A Đon - Trụ sở Đài phát thanh giải phóng Huế Xuân 1968, động Tiên Công và các địa danh lịch sử: Côcava, Cu Tai, Tà Lương… Địa điểm chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ tại Sân bay A So đã được nhiều người khắp nơi trên thế giới biết đến, bởi đây không chỉ là một điểm nóng về chất độc hóa học của đế quốc Mỹ mà còn là nơi diễn ra nhiều cuộc chiến đấu anh dũng, ngoan cường của đồng bào miền núi Thừa Thiên Huế. Địa điểm sân bay A So còn là địa chỉ mang ý nghĩa giáo dục cao cho các thế hệ mai sau và nhắc nhở lương tri loài người về tội ác của chiến tranh, hãy giữ gìn hòa bình cho mỗi dân tộc và mọi người trên trái đất.
 
 Đồng chí Hồ Xuân Trăng - Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi lễ
 
Như vậy, cùng với dự án xây dựng khu chứng tích chiến tranh tại sân bay A So và việc Bộ VHTT và DL xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 678/QĐ-BVHTTDL ngày 07 tháng 02 năm 2013. Đây không chỉ là một địa điểm để minh chứng về tội ác trong chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra tại Việt nam mà còn nhằm tuyên truyền giới thiệu với khách tham quan du lịch trong và ngoài nước về mức độ tàn khốc, sự hủy diệt của chiến tranh hóa học, là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về lịch sử chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho địa phương sưu tầm, lưu giữ các mẫu vật, bệnh phẩm, cung cấp thông tin phục vụ nghiên cứu khoa học, chăm sóc điều trị người phơi nhiễm, góp phần khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin và phòng chống nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Lê Loan
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.513.681
Truy câp hiện tại 125.352