Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Cách làm đẹp độc đáo của người Pa Kô xưa
Ngày cập nhật 08/08/2011

Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa độc đáo nhưng cách làm đẹp của người Pa Kô thì không tìm thấy trong sách vở hay tài liệu của nhà nghiên cứu nào. Tuy vậy, nó đã trở thành nét văn hóa độc đáo, dị biệt và có phần bí ẩn của đồng bào... 

Mỹ phẩm từ núi rừng

Người Pa Kô cũng như nhiều dân tộc anh em khác sống dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, sinh ra trên nương rẫy, sống giữa thiên nhiên khắc nghiệt và có cách làm đẹp rất riêng, thể hiện rõ sức mạnh của mình.

Xuyên màn mưa nặng hạt giữa đại ngàn, chúng tôi tìm đến nhà cụ Hồ Thị Tuyết, 80 tuổi ở cụm 2, thị trấn A Lưới (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế). Bên bát cơm nấu từ hạt "lúa thần" ƠRaZư dùng để đãi khách quý, chỉ tay về hướng con suối A Nôr, cụ Tuyết trầm ngâm: "Lâu rồi không có ai hỏi miềng (mình) về chuyện làm đẹp, miềng không ghi lại được mà chỉ kể theo trí nhớ thôi. Xưa con gái Pa Kô như miềng thường ra suối kiếm đá màu đỏ hoặc hồng (đá huyết) đem mài cho nhuyễn thành một thứ nước sền sệt để làm son môi; một số người khác thì dùng lá cây krier giã nhuyễn, trộn với một số lá cây rừng khác để bôi lên môi cho bóng và đẹp. Trước các dịp lễ hội, con gái thường cất công đến suối A Nôr hay đi xa hơn, tận nguồn Ra Hô để kiếm đá màu. Con gái dùng son môi thường quyến rũ hơn và được các chàng trai trong bản làng để mắt tới và cũng là cách để phân biệt con gái Pa Kô với con gái của các dân tộc khác, bởi trang phục của người Pa Kô thường không xúng xính, nhiều sắc màu... Không chỉ dùng đá làm son môi, người Pa Kô còn biết dùng những loại lá cây giã nhuyễn để có màu xanh hay lấy màu đen từ nhựa trong tẩu thuốc để làm cho lông mày đen bóng, đậm nét, khó phai".

Ngồi bên con suối A Nôr khi chiều đã muộn, cụ Tuyết say sưa kể về những cách làm đẹp "khác thường" của dân tộc mình, chợt nghe đâu đó trong câu chuyện âm hưởng thân quen của núi rừng. Trong các cách làm đẹp của người Pa Kô xưa, tục mài răng có lẽ là dị biệt nhất. Cụ Tuyết dẫn chúng tôi đến nhà cụ Cả Ngoan, 85 tuổi, ở làng Pe Dụt, xã Hồng Trung, người hiếm hoi còn nhớ rõ về tục mài răng, nhuộm răng. Cụ Ngoan kể: "Từ khi mới lớn, con gái, con trai Pa Kô đã được mẹ dạy cho cách làm đẹp rồi. Nói cưa răng thì nghe dữ dằn quá, đúng hơn là mài răng. Cũng lấy sản phẩm từ núi rừng, những viên đá nhám kiếm từ suối mang về bỏ sẵn trên mái nhà, mỗi ngày mang xuống mài răng một lần. Cứ tháng này qua tháng khác, lúc nào răng nhẵn, đều thì thôi. Ông bà bảo thế nào thì làm theo chứ miềng không biết cưa cho ngắn chừng nào thì mới đạt "chuẩn" và đẹp. Để răng đen bóng, không bị sâu, con trai, con gái Pa Kô còn lấy củ turda giã nhuyễn kết hợp với nhựa đen trong tẩu thuốc bôi lên răng. Bôi ngày này qua ngày khác, đến khi hợp chất này khô thì sẽ có hàm răng đẹp, suốt đời không phai".

Thể hiện sức mạnh

Trong truyền thuyết về sự hình thành của người Pa Kô có cuộc đấu tranh giành đất đai và nguồn nước với người Tà Ôi. Sau cuộc chiến tranh, người Pa Kô thất bại và buộc phải rời khỏi vùng đất của mình để đi về hướng núi (từ Pa Kô nghĩa là đi về hướng núi-NV). Chấp nhận lên non nghĩa là đối diện với thử thách và khắc nghiệt của thiên nhiên, và người Pa Kô đã chứng tỏ sức mạnh chinh phục tự nhiên, lòng quả cảm của mình bằng cách mài răng, xăm người. 

Ngày nay, tục xăm mình của con gái, con trai Pa Kô xưa vẫn còn dấu tích trên gương mặt hay cánh tay của những người già còn sống trong các bản làng. Cụ Cả Ngoan là một trong những người phụ nữ lớn tuổi hiếm hoi còn giữ được hình xăm trang điểm trên mặt. Cụ giải thích: "Với người miền xuôi, cách xăm mình như người miền thượng thì có vẻ khác thường. Nhưng với người Pa Kô như miềng thì đó là chuyện ai cũng phải làm khi đã biết lên nương. Ngày xưa, khi phấn son chưa có thì đây là cách trang điểm duy nhất. Ý nghĩa hình xăm miềng không rõ lắm nhưng con gái xăm như thế trong các lễ hội thì ai nhìn cũng thích, có rất nhiều chàng trai theo đuổi. Thuở trước, trai bản đến sim (một tập tục của đồng bào vùng cao- NV) đứng rặt dưới sàn nhà nhưng muốn cưới miềng thì phải có mã não, bạc trắng hay trâu, bò". 

Về tục xăm mình của con trai, cụ Ngoan chỉ cho chúng tôi đến nhà cụ Hồ A Tum ở cụm 3, thị trấn A Lưới. Cụ A Tum năm nay 90 tuổi nên những dấu vết về hình xăm trên trán, cánh tay, bắp chân đã phai mờ. Hỏi chuyện xưa, cụ bảo: "Hồi trẻ, mới 16-17 tuổi, tôi đã được bố mẹ chỉ cho cách xăm mình rồi. Cách làm đẹp kiểu này hồi đó rất thịnh hành, sau ngày giải phóng thì ít dần và đến nay thì mất hẳn nên lớp trẻ không mấy người biết. Tôi không biết tục xăm mình mang ý nghĩa gì, chỉ biết xưa ông bà dạy cho thế. Con trai muốn người khác để ý, tỏ rõ sức mạnh thì phải xăm mình. Muốn xăm mình cho đẹp, điều đầu tiên con trai Pa Kô phải biết đi rừng, lội suối, lấy lá cây rừng có tên là a luông mang về giã nhuyễn, trộn với than bếp, nước suối. Muốn vết xăm khó mờ hơn thì trộn với nhựa đen trong tẩu thuốc rồi dùng kim, gai bưởi thấm "mực" đó xăm lên người. Vết xăm thường rất đau, chảy máu nên phải xăm nhiều ngày. Nơi xăm thường là cánh tay, trán, cằm, ngực, hình xăm thường là hoa văn Pa tưng zăng (biểu tượng của ché rượu cần) hay con rắn, rết".

Với người Pa Kô, họ tin rằng thứ chất được lấy từ lá cây a luông xăm lên hình các con vật rắn, rết thường có tác dụng kháng độc khi bị các loài vật này tấn công; vết xăm lên ngực thì đề phòng gió độc, tà ma làm hại. "Hồi tui làm du kích, chiến đấu trong rừng thường bị rắn độc cắn nhưng nhờ chất từ lá cây a luông đã xăm vào mình nên bình an vô sự", cụ A Tum vén tay áo lộ hình vết xăm cho biết.

"Tuy nhiên, lớp trẻ bây giờ không mấy ai biết đến cách người Pa Kô xưa làm đẹp bởi những người biết rõ phần đã khuất, phần không biết chữ nên không thể ghi chép lại, đa phần là truyền miệng. Các hình xăm với những biểu tượng cho đất trời, loài vật, hoa cỏ… đều mang trong mình mối liên hệ và một ý nghĩa riêng, gắn với cuộc sống nơi núi rừng, mang màu sắc tâm linh, bí ẩn, đó cũng là nét văn hóa riêng có của người Pa Kô", ông Hồ Văn Ngoan, Trưởng phòng Văn hóa Thể thao huyện A Lưới cho biết.

Theo KTNT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.271.187
Truy câp hiện tại 21.454