Tiềm năng và cơ sở tiền đề...
Những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của huyện miền núi A Lưới khá cao và ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét theo hướng công nghiệp hóa. Lĩnh vực nông - lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo mức tăng trưởng bình quân 11,2%/năm. Lĩnh vực công nghiệp, TTCN và các ngành nghề đang phát triển khá mạnh trên địa bàn. Năng lực sản xuất công nghiệp được mở rộng, một số ngành công nghiệp mới phát triển, như: Nhà máy thủy điện A Lưới, A Lin, A Roàng với tổng công suất 249 MW; nhà máy tinh lọc cao lanh công suất 33.000 tấn/năm; 3 mỏ khai thác đá xây dựng sản lượng 750.000m3/năm; nhà máy sơ chế cà phê công suất 4.000 tấn khô/năm...
Ông Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Địa phương đang xúc tiến xây dựng nhà máy sản xuất gạch Tuynen công suất 10 triệu viên/năm, nhà máy chế biến quặng vàng đa kim; đồng thời, xúc tiến xây dựng nhà máy thu mua, chế biến nông lâm sản, xưởng may công nghiệp huyện A Lưới để tăng thêm năng lực sản xuất, tăng nguồn thu ngân sách và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa...”. Với những chuyển động của mình, A Lưới đang mở ra triển vọng phân bổ lại lao động, góp phần đa dạng hóa các hoạt động công nghiệp trên địa bàn.
Dịch vụ, thương mại ở huyện A Lưới cũng đang phát triển rất khả quan, nhất là dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, vận tải, xăng dầu... đang tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đánh giá về lĩnh vực này, ông Hồ Xuân Trăng nói rằng: “Hệ thống các dịch vụ phân phối hàng hóa bán lẻ được phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của nhân dân. Đáng chú ý là các thành phần kinh tế phát triển mạnh, nhất là kinh tế tư nhân, chiếm trên 60% tổng giá trị sản xuất của huyện, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm”.
Kinh tế tăng trưởng khá và ổn định dẫn đến tốc độ đầu tư tăng nhanh, huyện đã tập trung vào các chương trình, dự án trọng điểm, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, chỉnh trang thị trấn và các vùng phụ cận, mở rộng đô thị đạt tiêu chí đô thị loại IV của tỉnh. Ông Hồ Xuân Trăng cho biết thêm: “UBND huyện phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Môi trường đô thị nông thôn, thuộc Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng thực hiện Đề án quy hoạch đô thị A Lưới mở rộng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đề án, đô thị A Lưới được mở rộng chạy dọc theo trục đường Hồ Chí Minh, phía bắc giáp xã Hồng Kim, phía nam giáp xã Phú Vinh, phía đông giáp dãy Trường Sơn và quốc lộ 49, phía tây giáp các xã Hồng Quảng, Hồng Thái, Hồng Bắc. Tổng diện tích tự nhiên gần 3.650 ha, với cơ cấu dân số hiện tại vào khoảng gần 15 nghìn người; trong đó, khu vực thị trấn A Lưới 1.099 ha, xã A Ngo là 853 ha, xã Sơn Thủy là 1.322 ha, xã Hồng Thượng 960 ha và xã Phú Vinh 40 ha.
Về định hướng phát triển không gian đô thị đến năm 2020, huyện đã xây dựng các phương án phát triển nhằm tạo sự kết nối hài hòa giữa A Co – Bốt Đỏ và thị trấn A Lưới hiện tại. Đồng thời, quy hoạch phân vùng chức năng, như xây dựng cụm CN-TTCN, khu dân cư, hành chính, khu di tích, văn hóa và các khu dịch vụ thương mại. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể đô thị A Lưới mở rộng, trong giai đoạn 2001-2015, các dự án được ưu tiên đầu tư là xây dựng nhà ở, xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, các khu thương mại dịch vụ, các cụm CN-TTCN gắn với các dự án khai thác du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái của huyện A Lưới...”.
Một cơ sở tiền đề quan trọng cho A Lưới trên tiến trình xây dựng trở thành đô thị loại IV trong tương lai là UBND tỉnh đã có quyết định công bố đặt tên 29 tuyến đường ở thị trấn A Lưới trong đợt I.
Chiến lược để “chạm đích” đô thị loại 4
Tiềm năng và cơ sở tiền đề là vậy, song cần phải nhìn nhận rằng, kết cấu hạ tầng của A Lưới vẫn chưa đáp ứng khai thác hết tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Việc đầu tư nâng cấp hai cửa khẩu Hồng Vân – Cu Tai và A Đớt –Tà Vàng còn nhỏ giọt, đường 74 nối A Lưới – Nam Đông triển khai chậm, tuyến đường 71 nối A Lưới – Phong Điền chưa được khởi công. Hệ thống thoát nước, vỉa hè, và các tuyến đường nội thị chưa được đầu tư đúng mức do thiếu nguồn lực. Hệ thống chiếu sáng công cộng, cây xanh, vỉa hè, giao thông… các trung tâm cụm xã, trung tâm các xã chưa được đầu tư... Ông Hồ Xuân Trăng bộc bạch: “Khó khăn của địa phương là nguồn vốn quy hoạch và vốn đầu tư theo quy hoạch, đặc biệt là vốn đầu tư kết cấu hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm y tế; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh... ở các điểm vệ tinh chiến lược”.
Vì vậy, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu ban hành nhiều chính sách kích cầu thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn A Lưới, hỗ trợ cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại... Gắn với công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển các lĩnh vực này là cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp – TTCN, khôi phục những ngành nghề truyền thống, du nhập những ngành nghề mới ngoài địa phương và phát triển nghề chế biến nông sản theo hướng sản xuất hàng hoá. Ưu tiên đầu tư hạ tầng để hình thành và phát triển các khu du lịch sinh thái, gắn với phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ... Bên cạnh đó, A Lưới cần tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, xây dựng các điểm vệ tinh theo hướng hình thành một số vùng kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ.
Đối với các dự án chỉnh trang đô thị, huyện tiến hành triển khai gắn với việc giải toả, quy hoạch định canh định cư cho các hộ dân chịu ảnh hưởng bởi các công trình thuỷ điện. Hạ tầng các khu tái định cư đòi hỏi phải được đầu tư đảm bảo đáp ứng nhu cầu dân sinh và phù hợp với quá trình phát triển. Việc phân bổ dân cư cũng phải tính đến hiệu quả khai khác các tiềm năng, thế mạnh của mỗi vệ tinh trong định hướng quy hoạch. Và, sẽ thiếu sót nếu như không nói đến định hướng chuyển dịch theo hướng tăng dần lao động phi nông nghiệp. Đây là vấn đề không thể thiếu đi trong quá trình đô thị hoá, khi mà A Lưới đang từng bước xây dựng trở thành đô thị loại IV của tỉnh…