Lúc đầu xã xác định mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp là hàng đầu, ưu tiên sản xuất lương thực bảo đảm được nhu cầu tại chỗ tạo cơ sở để xây dựng, phát triển một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá.
Trước hiện trạng địa hình hoang sơ, lau lách ngút ngàn chưa người khai phá, hố bom, hầm đạn dày đặt và thú rừng như sống cạnh bên những túp lều tranh mới dựng như thách thức ý chí mọi người. Công tác tổ chức và vận động sản xuất là khâu then chốt được đặt nặng 32 tổ đoàn kết sản xuất được hình thành vừa giúp nhau nhanh chóng ổn định chỗ ở, vừa tranh thủ phát nương làm rẫy để gieo trỉa lúa ngô kịp vụ hè thu 1976.
Trước thực tế, yêu cầu cần tiến hành cải tiến phương thức sản xuất phù hợp và quản lý tổ chức tốt hơn về lao động. Giữa năm 1977, thành lập 18 tập đoàn sản xuất, mỗi tập đoàn bình quân từ 30 - 40 hộ và từ 60 - 80 lao động. Phương thức canh tác được chuyển dần sang hướng chuyên canh và thâm canh. Diện tích đất trồng trọt được cuốc xới lên vồng và đánh luống. Các tập đoàn sản xuất mạnh dạn san lấp, ngăn khe chặn suối các lô thửa ruộng nước rải rác được xây dựng. Cho đến năm 1980 đã có được 40ha lúa nước, nguồn nước tưới tiêu chủ yếu lợi dụng vào các khe suối. Năng suất tăng dần, từ thực tiễn tác động tích cực của việc tổ chức lao động sản xuất đạt được kết quả bước đầu. Năm 1978, xã phát động cuộc vận động xây dựng phong trào Hợp tác hoá nông nghiệp.
Tháng 11.1978 nhân dân cụm dân cư Quảng Vinh, Quảng Lợi, Quảng Ngạn tự nguyện đi vào làm ăn tập thể. Hợp tác xã Nông nghiệp Điền Sơn được thành lập mở đầu cho phong trào hợp tác xã ở địa phương.
Năm 1982, Hợp tác xã nông nghiệp Sơn Phước được tổ chức thành lập. Năm 1984, Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Sơn ra đời, như vậy toàn xã cơ bản hoàn thành công tác cải tạo quan hệ sản xuất tạo được thế mạnh trong công cuộc phát triển các mặt sản xuất, xây dựng kinh tế.
Công tác xây dựng kiến thiết ruộng đồng được đẩy mạnh, các công trình hồ chứa nước, mương máng thuỷ lợi được xây dựng. Tạo được sự ổn định trong việc sản xuất lương thực, từ chỗ sản xuất chủ yếu là màu và lúa khô đến cuối năm 1987 toàn xã đã kiến thiết được 100ha ruộng nước.
Từ chỗ ngăn khe lấp suối để làm ruộng nước sau đã hình thành được 3 cánh đồng của 3 Hợp tác xã, bờ lô - bờ vùng được thẳng lối. Hệ thống mương máng tưới tiêu và 17 hồ chưa nước lớn nhỏ với diện tích 10ha cơ bản đã giải quyết được việc cung cấp nước trong điều kiện thời tiết bình thường.
Song song với việc kiến thiết đồng ruộng đồng màu cũng đã đi dần vào chuyên canh. Trước năm 1986, màu lương thực của xã chiếm giữ một vị trí chủ yếu trong sản xuất và đời sống của mọi người, mọi nhà, khẩu hiệu “Người người trồng màu, nhà nhà trồng màu” được nhân dân tích cực thực hiện.
Từ sau năm 1986, xu thế phát triển ruộng nước, tăng dần cả diện tích và năng suất. Vùng đất đồi bị thoái hoá bạc màu, diện tích trồng màu đã giảm dần. Về lương thực, từ chỗ dựa vào chế độ trợ cấp kinh tế mới được 6 tháng đầu, năm 1977 chỉ đạt bình quân 50kg/khẩu/năm, trong đó tỷ lệ màu chiếm 70%.
Qua hằng năm, bình quân lương thực đầu người được tăng dần, tỷ lệ màu được giảm xuống, từ 50kg năm 1977 đến nay đạt trên 300kg trong đó thóc chiếm tỷ lệ 60%.
Trong công cuộc khai hoang kiến thiết ruộng đồng, xã đã huy động toàn lao động trong địa bàn của xã tổ chức thực hiện các đợt chiến dịch ruộng Điện Biên khai hoang xây dựng được 6,5ha ruộng nước cho các Hợp tác xã đưa vào sử dụng kịp thời vụ, và xây dựng các hô chứa nước phục vụ sản xuất.
Xã đã thành lập Đội Thanh niên xung kích ăn ở tập trung gồm 50 người trong thời gian 1 tháng, kiến thiết được 8ha ruộng nước. Đẩy nhanh tốc độ xây dựng kiến thiết đồng ruộng là ưu điểm của công tác tổ chức lao động tập thể. Một trong những yếu tố quan trọng đem lại kết quả cao, đồng thời là sự biểu hiện của sức mạnh, ý chí, sự quyết tâm và lòng dũng cảm của nhân dân lao động đã khắc phục mọi khó khăn trong đời sống hằng ngày, không quản ngại khó khăn, gian nan nguy hiểm của bom đạn còn lại sau chiến tranh. Biến một vùng hoang vu, san lấp hàng trăm hàng ngàn hố bom đạn trở thành đồng ruộng nương khoai tạo dựng màu xanh của cuộc sống mới. Đó là kết quả của sự chỉ đạo năng động, sâu sát, giải quyết kịp thời các chế độ chính sách kinh tế mới của Ban kinh tế mới huyện Quảng Điền trước đây cũng như của huyện A Lưới và của xã tiếp tục về sau này.
Về ngành nghề ở xã, lao động ngành nghề có tỷ lệ 20 - 25% trong tổng số lao động toàn xã, bao gồm các ngành nghề phục vụ dân dụng là củ yếu như: cưa xẻ, mộc, nề, rèn, may mặc và ngành nghề dịch vụ khác như sửa chữa xe máy, xay xát, mua bán tạp hoá, các ngành nghề sản xuất như: bánh kẹo, nước giải khát, nước đá, có rất ít hộ tham gia và ở trong phạm vi quy mô gia đình.
Đầu năm 1995 đội xây dựng của Hợp tác xã Sơn Phước được thành lập có đầy đủ năng lực và tư cách pháp nhân để nhận thầu xây dựng các công trình cấp 3 - 4 của địa phương trong huyện. Qua hoạt động đội đã từng bước nâng cao được uy tín đối với chủ đầu tư, thường xuyên giải quyết được công ăn việc làm cho 20 lao động trong đội.
Trồng rừng diện tích đất trống đồi trọc của toàn xã có đến 450ha, rừng đầu nguồn cũng bị chiến tranh tàn phá nghiêm trọng nhưng do điều kiện đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu vốn để tự đầu tư vào công tác trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, xã chưa được nằm trong diện của chương trình của dự án 327 của Nhà nước cho nên trong thời gian qua cỉ mới trồng được 22,6ha tràm và bạch đàn do Hạt kiểm lâm hỗ trợ về cây giống.
Do việc quy hoạch đất ở thiếu sự ổn định nhiều cụm dân cư phải chuyển dời chỗ ở nên việc lập vườn nhà đến nay tuy chưa cao nhưng bước đầu đã hình thành được mô hình VAC trên địa bàn của xã.
Trong quá trình xây dựng kinh tế mới với nhiều mặt khó khăn nhân dân xã Sơn Thuỷ đã gặp phải: Từ cơ sở ban đầu không có gì, việc quy hoạch, cơ cấu cây con chưa được xác định cụ thể, phương thức canh tác với công cụ sản xuất thô sơ kém hiệu quả, tai nạn lao động do bom mìn đã ám ảnh nhiều người. Từ tâm lý cuộc sống chưa ổn định, sản xuất năng suất hiệu quả bấp bênh, trông trời, cậy đất nạn thiếu cơm, mất bữa xảy ra hằng ngày dai dẳng trong cuộc sống.
Đến nay cơ bản đã giải quyết được khâu lương thực tại chỗ, hàng trăm ha ruộng nước đã được xây dựng, các công trình thủy lợi đã được hình thành, mô hình kinh tế VAC đang trên đà phát triển, màu xanh của đồng lúa, nương khoai rẫy sắn đã mọc lên xanh tươi trên quê hương mới.
Từ những công cụ sản xuất giản đơn nay đã được tăng cường cơ giới hoá nông nghiệp đem lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian sản xuất. Từ một nền sản xuất nông nghiệp độc canh cây lương thực mang tính tự cung tự cấp đã từng bước đi lên theo hướng toàn diện sản xuất hàng hoá.
Về mặt xã hội, trước những năm 1980 tình hình xã hội nhiều mặt thiếu ổn định do tác động của sản xuất kém hiệu quả, lương thực thiếu thốn, thực phẩm còn khan hiếm. Đại bộ phận nhân dân không làm ra được của cải và không thu nhập được đồng tiền, phần lớn ở trong tình trạng đói cơm, rách áo và suy dinh dưỡng trầm trọng. Cường độ lao động lại phải đổ ra quá sức. Màu thay cơm hằng ngày, nhà ở tạm bợ, che đỡ nắng mưa, bom mìn, bệnh tật thường xuyên đe doạ cuộc sống.
Từ năm 1980 đến nay, sự ra đời của Nghị quyết 6 về phát triển kinh tế phụ gia đình và chủ trương khoán 10 cũng như khoán sản phẩm theo chỉ thị 100 của Đảng đồng thời sự phát triển của phong trào Hợp tác hoá sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Cải tiến phương thức quản lý phù hợp với các chủ trương của Đảng, các cơ sở phúc lợi công cộng từng bước được xây dựng đời sống xã hội đã được nâng lên.
Công tác xoá nạn mù chữ cũng đã được triển khai từ các năm đầu xây dựng quê hương mới. Có trên 162 người tham gia các lớp xoá nạn mù chữ, bổ túc văn hoá. Đến năm 1979 xã đã được công nhận cơ bản hoàn thành công tác xoá nạn mù chữ. Và hiện nay phong trào học tập của con em trong toàn xã có những thành tựu đáng ghi nhận. Có nhiều con em trong xã hiện đang là giáo viên, cán bộ trên địa bàn huyện và còn nhiều em là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Công tác y tế vệ sinh phòng dịch đã được Ban kinh tế mới huyện Quảng Điền quan tâm tổ chức - phát động nhân dân thực hiện từ những năm đầu. Nhà trạm xá xã đã được hai lần xây dựng bán kiên cố thường xuyên có 3 nhân viên phục vụ việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Hiện nay tủ thuốc và các phương tiện khám chữa bệnh ở Trạm Y tế xã từng bước đã được nhà nước quan tâm trang cấp đáp ứng được nhu cầu.
Phong trào văn hóa văn nghệ thể thao hằng năm đã có những hoạt động. Đặc biệt là trong các dịp lễ hội của đất nước, dân tộc. Đã tạo được không khí tươi vui lành mạnh trong cuộc sống lao động. Đội bong của xã là một trong những đội mạnh của huyện. Đã nhiều năm dành được các giải bóng đá của huyện. Hoạt động thể dục thể thao trong giới thanh thiếu niên và nhà trường được thường xuyên 2 cơ sở nhà trường thường được giải thưởng cao trong các kỳ hội khoẻ phù đổng hằng năm.
Bên cạnh sự phát triển, ổn định kinh tế và đời sống nhiều hộ gia đình đã quan tâm đến việc đầu tư mua sắm các phương tiện nghe nhìn, phương tiện đi lại cũng như các vật dụng trang thiết bị bên trong, nhà cửa của từng hộ gia đình cũng được tăng lên đáng kể cả về số lượng và chất lượng.
Là một xã được thành lập sau ngày thống nhất đất nước, dân cư từ nhiều nơi khác nhau mới đến cùng nhau xây dựng quê hương mới trong vùng căn cứ địa cách mạng sát với biên giới Việt - Lào. Nhiệm vụ công tác an ninh quốc phòng luôn được quan tâm đặc biệt. Công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tiến hành thường xuyên nhận thức về cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân ngày càng được phát huy.
Các tổ chức quần chúng được thành lập thường xuyên vận động và phát động phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc được mọi tầng lớp nhân dân nhận rõ thực hiện ngày càng đạt được kết quả cao. Trong suốt những năm qua không có vụ việc gì vi phạm nghiêm trọng đến nền an ninh quốc phòng xảy ra trên địa bàn của xã.
Công tác chính sách đối với gia đình thương binh liệt sĩ gia đình có công với cách mạng và gia đình bộ đội luôn được thực thi đầy đủ, xã đã thường xuyên tổ chức thăm hỏi tặng quà trong các dịp lễ tế, tạo điều kiện giúp đỡ lúc gặp khó khăn.
Xuyên suốt chặng đường 35 năm xây dựng quê hương mới nhân dân trong xã đã đoàn kết tin tưởng một lòng một dạ đi theo Đảng và chấp hành thực hiện đúng tinh thần “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” của Nhà nước, luôn luôn đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu thù địch của các thế lực phản cách mạng.
Tình hình an ninh quốc phòng trật tự xã hội được giữ vững, tạo điều kiện cho nhân dân ổn định cuộc sống yên tâm lao động sản xuất xây dựng quê hương mới.
Công tác xây dựng Đảng chính quyền Mặt trận và các đoàn thể là một công tác then chốt, là yếu tố quyết định đến mọi hoạt động đời sống của nhân dân. Do vậy nên đã được nhân dân phát huy tinh thần dân chủ chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên trong địa phương xã nhà đủ sức gánh vác việc chung. Trên bước đường xây dựng quê hương mới đội ngũ tiên phong của xã ra đời trong điều kiện thiếu thốn cả về con người và vật lực. Trong nhân dân chưa có lấy một Đảng viên, Ban Kinh tế mới huyện Quảng Điền lên cùng nhân dân cũng chỉ có được 3 Đảng viên. Tháng 5.1976 được thành lập một Chi bộ trực thuộc Huyện uỷ Quảng Điền tiền thân của tổ chức Đảng xã Sơn Thủy được hình thành từ đó.
Trong Chi bộ có 3 Đảng viên vừa làm công tác chuyên môn vừa đảm nhận công tác lãnh đạo và điều hành, tổ chức nhân dân thực hiện mọi mặt kinh tế - xã hội an ninh trật tự ở địa phương. Tuy trong buổi ban đầu với nhiều công việc nhưng chi bộ đã vững vàng trong lãnh đạo tạo được sự ổn định bước đầu trong nhân dân.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Ban Kinh tế mới huyện Quảng Điền được rút về, Chi bộ trong Ban kinh tế mới chỉ còn lại 2 Đảng viên ở lại công tác.
Huyện uỷ A Lưới tiếp tục chỉ đạo thành lập Chi bộ tổng hợp được 4 Đảng viên trong đó 2 Đảng viên của Ban Kinh tế mới cũ là đồng chí Hoàng Văn Ngật và Trần Đình Đôn và 2 Đảng viên bộ đội đóng quân trên địa bàn được tăng phái.
Tháng 2.1978, Huyện uỷ A Lưới quyết định thành lập Chi bộ Đảng Sơn Thuỷ, có 6 Đảng viên chủ yếu là Đảng viên của Huyện uỷ tăng phái về công tác sinh hoạt trong xã và Chi bộ trực thuộc của huyện Đảng bộ A Lưới. Chi bộ Sơn Thuỷ là hạt nhân lãnh đạo của xã được chính thức thành lập từ đó.
Trong quá trình lãnh đạo công tác Chi bộ không ngừng được phát triển cả về số lượng Đảng viên tiên phong mẫu mực trong mọi mặt sinh hoạt nâng cao được uy tín lãnh đạo của một tổ chức cơ sở Đảng trong quần chúng nhân dân. Đến nay, Đảng bộ đã có được cuối năm 2009 là 55 Đảng viên sinh hoạt. Trong sinh hoạt công tác Đảng viên trong Đảng bộ luôn luôn phấn đấu tự rèn luyện nâng cao sức mạnh chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Đổi mới công tác lãnh đạo đề ra các nghị quyết phù hợp với chủ trương của Đảng, sát hợp lòng dân và lãnh đạo toàn dân vững bước trên con đường xây dựng quê hương mới.
Tiếp tục chỉnh đốn và phát triển Đảng bộ ngang tầm với nhiệm vụ chính trị đủ sức lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước của Đảng đề ra xây dựng xã Sơn Thủy ngày càng phát triển về kinh tế đẹp về văn hoá xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Năm 2010, toàn xã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế xã hội mà Hội đồng nhân dân xã đã đề ra, đồng thời nhìn nhận lại những việc chưa làm được để trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và các cấp đoàn thể cùng nhân dân tiếp tục sửa đổi và phát triển. So với xã Hương Phong, xã Phú Vinh trong những năm đầu xây dựng kinh tế mới thì xã Sơn Thuỷ trở thành một điểm sáng trong hành trình xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi A Lưới này.
35 năm xây dựng quê hương mới một thế hệ mới sinh ra trên quê hương mới đã trưởng thành có thể khẳng định nền kinh tế xã nhà có bước tăng trưởng khá. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước ổn định và cải thiện đáng kể văn hoá xã hội quốc phòng an ninh phát triển. Đã xây dựng được 1 tổ chức hệ thống chính trị vững mạnh bảo đảm đưa xã nhà đi lên trong những năm tới. Thành quả đạt được trong quá trình 35 năm xây dựng quê hương mới của nhân dân xã Sơn Thủy là sự biểu hiện sinh động của ý chí và sự quyết tâm của cán bộ Đảng viên và nhân dân trong xã.
Biểu hiện sự thắng lợi của tinh thần đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trực tiếp là sự lãnh đạo của huyện uỷ Quảng Điền qua chi bộ Ban Kinh tế mới trước đây và Đảng bộ xã Sơn Thủy của huyện uỷ A Lưới ngày nay, khẳng định chủ trương của Đảng khi xây dựng quê hương mới là hoàn toàn đúng đắn. Đồng thời cũng là sự biểu hiện kết quả của sự đầu tư hỗ trợ nhiều mặt của Nhà nước, và sự giúp đỡ tác động của các xã bạn, nhân dân các dân tộc anh em trên địa bàn huyện A Lưới cũng như sự giúp đỡ chí tình của bà con thân thuộc ở đồng bằng quê cũ. Những kết quả đã đạt được cũng là sự thắng lợi của công tác tổ chức Đảng bộ, vận động của chính quyền, Mặt trận các tổ chức đoàn thể trong xã.