Năm giờ sáng, khi màn đêm và sương mù dày đặc mang theo cái lạnh như cắt vào da thịt vẫn bao phủ các bản làng xa xôi của xã A Roàng (A Lưới, Thừa Thiên- Huế), người ta thường nghe thấy tiếng gà rừng vang lên lanh lảnh báo hiệu cho người dân một ngày mới lên nương rẫy.
Âm thanh đó thực ra không phải của gà rừng, mà từ chàng kiểm lâm mới 24 tuổi. Ở A Lưới, bà con người Pa Cô, Cơ Tu trìu mến gọi Nguyễn Xuân Trường là Sứ giả của núi rừng, Người rừng...
Trạm kiểm lâm Trà Lệnh nằm lúp xúp dưới những tán cây cổ thụ. Anh Trường đang ngồi trầm ngâm trước thềm, tay vấn mấy chiếc lá chuối xanh làm kèn. Thấy người đến thăm trạm, anh nói: “Mừng quá! Lâu rồi mới có người ghé qua”. Anh Trường sống và làm nhiệm vụ một mình tại trạm.
“Điều kỳ diệu và thú vị nhất là khi mình cất tiếng, lại được nghe tiếng các loài vật đáp vọng lại. Có lẽ mình là người may mắn và giàu có nhất của núi rừng”, Trường chia sẻ. Trong một giờ, Trường có thể giả giọng của hơn 30 loài chim, thú rừng như khướu, họa mi, yểng, sơn ca, quạ, heo rừng, bò tót, voi, mèo, sóc, mang, sơn dương…
Nguyễn Xuân Trường SN 1986 tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Mới 2 tuổi, anh được bố mẹ mang vào A Lưới để xây dựng kinh tế mới. Từ bé sống cùng núi rừng nên Trường yêu thiên nhiên, muông thú. Thấy những con chim rừng như khướu, chèo bẻo, sơn ca hót vang vào sáng sớm, anh cũng làm theo như bản năng.
“Ban đầu, tiếng mình rất phô, nghe như tiếng nồi chảo khua vào nhau, nhưng sau trong trẻo và có âm điệu, thanh âm y hệt các loài chim, thú”, Trường nói.
Thời điểm đó kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở nơi xa xôi cách trở như A Lưới. Bà con bận gánh mưu sinh nên không mấy ai ngạc nhiên với biệt tài của Người rừng. Nhưng một số gia đình khá giả trong thị trấn có thú chơi chim, muốn rèn cho chim hót hay. Vậy là Trường có đất dụng võ. Nhà nào có nhu cầu, anh đến tận nơi, luyện cho chim hót theo.
Cứ mỗi lần như thế, người ta trả công Trường khoản tiền nhỏ và mấy kilôgam gạo. Có những con vẹt đã già, gia chủ từng dùng đủ mọi cách kể cả cắt lưỡi cho mỏng mà vẫn không nói được. Tuy nhiên, khi Trường đến, chúng lại hoạt bát hẳn lên, giả được tiếng con nít khóc, người già hom hem nói…
Giả giọng để bớt cô đơn
Vì yêu núi rừng nên học xong phổ thông trung học, Trường theo học Trường Trung học Lâm nghiệp I (Quảng Ninh). Ra trường, anh về làm cán bộ kiểm lâm tại trạm Trà Lệnh, một trong những trạm xa nhất trên địa bàn A Lưới. Đây cũng là thời điểm biệt tài của chàng trai này thăng hoa.
Trường kể: Những lúc đi tuần tra bảo vệ rừng, giữa Trường Sơn hùng vĩ, Trường thấy mình thật nhỏ bé và cô đơn nên muốn kết bạn với muôn loài cho bớt hiu quạnh. Vậy là nghe tiếng bất cứ loài vật gì trong rừng, Trường đều miệt mài tập theo bằng được. Nào là tiếng kêu gọi bầy đàn của vượn, tiếng gà rừng gáy, tiếng thằn lằn lắc tắc trong đêm vắng…
Khó nhất là giả tiếng voi, vì phải có vòi. Vì vậy khi bắt chước âm thanh của voi, Trường phải sử dụng dụng cụ hỗ trợ. Đang trò chuyện, chợt Trường bảo tôi kiếm cho anh một ống nước dài khoảng 1,5m để làm vòi.
Cầm ống trong tay, Trường hít một hơi dài và liên tục phả ra những tiếng rống vang dội khắp núi rừng. Anh bạn đồng hành với tôi dù đứng cách xa trạm gần hai cây số vẫn nghe rõ. Ngày nay, voi hiếm khi xuất hiện trong vùng nên nhiều già làng cho biết, họ thích nhất là được nghe cán bộ Trường giả tiếng voi rống cho đỡ nhớ đàn voi xưa.
Lý thú nhất là khi Trường hót theo tiếng chim chèo bẻo, có cả một đàn chèo bẻo bay đến đậu phủ kín cả trạm kiểm lâm. Chúng hót ca rộn ràng, như mời gọi cả ba người đến với Trường Sơn hùng vĩ....
Buồn vui với biệt tài
Trường từng gặp rắc rối với chính biệt tài của mình. Một lần đến thăm các hộ dân ở bìa rừng, Trường bị gia đình nọ bao vây. Người phụ nữ lớn tuổi nhất chạy đến mắng xối xả khiến anh không hiểu chuyện gì. Định thần một lúc, Trường mới biết nhà chị có nuôi mấy con gà rừng vừa bị mất hôm qua. Chị cho rằng, chính tiếng gáy của anh đã dụ dỗ mấy con gà trong chuồng bỏ đi. Với những tình huống này, Trường đành im lặng ra về…
Người dân A Lưới thi nhau kể chuyện về biệt tài của Trường, như việc anh dỗ con nít khóc. Nhà nào có con khóc chướng, dỗ mãi không chịu ngưng, chỉ cần nhờ cán bộ Trường đến là ngoan ngay. Trường đến và nhại y hệt tiếng trẻ con khóc. “Chỉ mới nghe tiếng oe oe của anh phát ra là mấy đứa con nít im ngay. Tui nghĩ mãi mà phục anh thiệt”, chị A Viết Thị Lan, xã Đông Sơn, huyện A Lưới nói.
Trạm nằm xa xôi cách trở, chưa có điện, đêm ngủ phải thắp đèn dầu, muốn uống nước cứ xuống suối mà ngập đầu trong đó. Sóng điện thoại cũng không có nên lúc nào buồn, Trường cứ lấy kèn lá thổi vi vu cho qua ngày. Trường chỉ mong ước Nhà nước sớm quan tâm đầu tư cho Trạm kiểm lâm Trà Lệnh.
Hỏi nếu được lựa chọn lại, anh sẽ làm gì, Trường cười hà hà và vớ ngay ống nước giả tiếng voi rống một hồi rồi bảo: “Mình vẫn thích làm bạn của núi rừng thôi”…