Cải cách hành chính là nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh; đồng thời, xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, UBND huyện đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 được ban hành tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực trên một số lĩnh vực như: Đã củng cố và kiện toàn mô hình một cửa tại Văn phòng HĐND và UBND huyện, cơ sở vật chất bước đầu được trang bị theo hướng hiện đại, đồng bộ, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và đã từng bước giải quyết kịp thời, nhanh chóng nhu cầu của tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ công tác; áp dụng chặt chẽ, cụ thể quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật gắn với đề cao vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan trong việc tham mưu, soạn thảo đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ và mang tính khả thi cao; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cấp xã nói riêng không ngừng được cải thiện và nâng cao, đến nay tỷ lệ công chức cấp xã đạt chuẩn đã chiếm 98,8%; chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban chuyên môn cấp huyện đã được điều chỉnh, bổ sung kịp thời đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ thực tiễn hiện nay đặt ra và theo các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh,...
Trong đó, hiện đại hóa hành chính là một trong 6 nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 đã được UBND huyện quan tâm triển khai thực hiện trong thời gian qua, với một số nhiệm vụ chủ yếu: Hoàn thiện và đẩy mạnh hoạt động của Mạng thông tin điện tử hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính nhà nước, giữa các cơ quan hành chính nhà nước và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong hoạt động dịch vụ hành chính công,... Trên cơ sở chỉ tiêu, kế hoạch của Trung ương, tỉnh đề ra, UBND huyện A Lưới đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 18/5/2012 về Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2015, theo đó, đến năm 2015 trên 60% các văn bản, tài liệu trao đổi giữa các cơ quan hành chính thực hiện dưới dạng điện tử; hầu hết cán bộ, công chức sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc; đảm bảo dữ liệu điện tử phục vụ hầu hết các hoạt động trong cơ quan; có 70% UBND xã, thị trấn có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định.
Tuy nhiên, qua gần 03 năm (2012 – 2014) triển khai tổ chức thực hiện Kế hoạch 26/KH-UBND, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi thông tin, chia sẻ văn bản, tài liệu chính thức qua môi trường mạng đã được nhiều cơ quan đơn vị quan tâm triển khai tổ chức thực hiện, nhưng cũng đã bộc lộ một số bất cập, tồn tại cần khắc phục và khó đạt được các mục tiêu đã đề ra mặc dù hầu hết công chức các phòng, ban chuyên môn cấp huyện đều đã có tài khoản thư điện tử cá nhân và thư điện tử công vụ; có tài khoản và có thể truy cập các phần mềm dùng chung,.., bởi một số lý do chủ yếu sau:
Thứ nhất, một số chỉ tiêu trong kế hoạch quá cao và không phù hợp với tình hình thực tế tại các xã, thị trấn, như: Đến năm 2015, có 70% UBND xã, thị trấn có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định là không thực tế, không khả thi và cần phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại của các địa phương. Trong những năm qua, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức các xã, thị trấn đã được cải thiện, nâng cao: Theo số liệu báo cáo CCHC năm 2013: Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ cấp xã: Đại học, cao đẳng chiếm 19%, trung cấp 30,2%, chưa qua đào tạo chiếm 50,8%; Trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức cấp xã: Đại học, cao đẳng chiếm 53,3%, trung cấp chiếm 45,5%, chưa qua đào tạo chiếm 1,3%; tỷ lệ đạt chuẩn 98,8%, tuy nhiên, việc xây dựng, duy trì và phát triển trang thông tin điện tử đối với cấp xã là rất khó khăn trong thời điểm hiện nay, bởi đòi hỏi nguồn nhân lực và tài chính nhất định để duy trì và phát triển, trong khi nguồn lực, trình độ nhân lực của các địa phương còn nhiều hạn chế.
Thứ hai, chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin (mạng WAN) của UBND huyện chưa cao, nên việc trao thông thông tin giữa các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện và thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo huyện qua môi trường mạng (thông qua các phần mềm dung chung) gặp nhiều khó khăn, thường xuyên bị dán đoạn. Do vậy, với mục tiêu đến năm 2014 đảm bảo trên 40% và đến năm 2015 trên 60% các văn bản, tài liệu chính thức được trao đổi trên môi trường mạng là khó khả thi (Đến nay việc triển khai phần mềm Đăng ký lịch họp và phát hành giấy mời qua mạng vẫn chưa triển khai thực hiện được đối với các phòng, ban chuyên môn cấp huyện).
Thứ ba, lợi ích của việc dứng dụng CNTT là hết sức thiết thực trong việc trao đổi thông tin và chia sẻ tài liệu (thông qua việc sử dụng thư điện thử công vụ và các phần mềm dùng chung đang triển khai ứng dụng trên địa bàn huyện): Vừa đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành được kịp thời, tiết kiệm, vừa mang tính chuyên nghiệp,… nhưng một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm, coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin, tài liệu. Nên tiến độ triển khai trong thời gian qua là khá chậm so với mục tiêu cần đạt được đã đề ra. Bên cạnh đó, cũng còn một số nguyên nhân khách quan là hiện nay một số phần mềm dùng chung cũng đang từng bước được hoàn thiện, cập nhật, bổ sung (Phần mềm; Quản lý văn bản và điều hành phiên bản mới, Tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, …); việc tập huấn sử dụng phiên bản mới chưa được kịp thời nên các phòng, ban chuyên môn cấp huyện gặp nhiều khó khăn trong quá trình ứng dụng, triển khai thực hiện.
Do vậy, để đảm bảo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính nói chung và hiện đại hóa hành chính nói riêng, thì việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết công việc chuyên môn, trao đổi và chia sẻ tài liệu trên môi trường mạng là khâu đột phá, hết sức quan trọng. Nó không chỉ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính mà còn góp phần giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính và một số dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác.
Để triển khai thác hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn huyện trong thời gian tới, góp phần thực hiện tốt kế hoạch cải cách hành chính của huyện giai đoạn 2011 – 2015 và giai đoạn tiếp theo 2016 – 2020, thiết nghĩ rất cần sự vào cuộc, nỗ lực, quyết tâm của tất cả cán bộ, công chức, viên chức của các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin của huyện cũng cần được đầu tư, nâng cấp mở rộng, tiến tới không chỉ các phòng, ban chuyên môn cấp huyện có thể kết nối, truy cập mạng nội bộ của huyện (mạng WAN) mà UBND các xã, thị trấn cũng phải được kết nối để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo huyện được thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm và kip thời./.