Đến dự Hội thảo, về phía Văn phòng BCĐ 33 – Bộ Tài nguyên và Môi trường có TS. Nguyễn Thị Luyến – Phó Chánh văn phòng BCĐ 33, phía lãnh đạo các Sở, ngành: ông Nguyễn Hữu Quyết – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Dương Quang Minh – Phó Giám đốc Sở Y tế, cùng đại diện lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh và Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh. Về phía huyện A Lưới, có ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, lãnh đạo một số phòng, ban, ngành cấp huyện; chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện A Lưới.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thung lũng A So được đế quốc Mỹ sử dụng làm sân bay dã chiến và nơi chứa chất độc dioxin để đem rải hủy diệt môi trường tại các chiến trường miền nam Việt Nam. Trong vòng 10 năm (1961 – 1971), huyện A Lưới đã phải hứng chịu 432,812 lít hóa chất diệt cỏ, tương đương 11kg dioxin, trong đó A So – vùng đất được mệnh danh là “rốn” dioxin ở huyện A Lưới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới đánh giá khái quát về tình hình phơi nhiễm dioxin tại địa phương và ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đối với đời sống, sức khỏe của nhân dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới phát biểu khai mạc Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu cùng hơn 75 cán bộ y tế thôn bản đã được nghe đại diện Văn phòng BCĐ 33 trình bày tổng quan về dioxin và dioxin trong chiến tranh hóa học ở miền nam Việt Nam, những nghiên cứu về dioxin đối với sức khỏe của con người, con đường phơi nhiễm dioxin và danh mục các bệnh do nghi nhiễm dioxin...
TS. Nguyễn Thị Luyến - Văn phòng BCĐ 33 trình bày báo cáo tại Hội thảo
Tại phần thảo luận, các vị đại biểu cũng đã tham gia thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến công tác tuyên truyền cho người dân về tác hại của độc da cam/dioxin đối với đời sống, sức khỏe của bà con. Các đại biểu cũng mong muốn các cấp, các ngành cùng vào cuộc nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đối với nhân dân, đặc biệt là các thế hệ con cháu của chúng ta.