Thực trạng báo động
A Lưới là một huyện miền núi, có dân số hơn 46 ngàn người/11.178 hộ, 05 dân tộc anh em cùng sinh sống (Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy, Ca Tu, Vân Kiều). Các dân tộc có phong tục tập quán khác nhau, hiện nay các tập quán cổ hũ, lạc hậu vẫn còn ảnh hưởng lớn trong đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng kết hôn trước tuổi quy định (tảo hôn) và cận huyết thống có chiều hướng gia tăng đã tác động không tốt trong xã hội, ảnh hưởng đến giống nòi và tình hình phát triển KT-XH ở địa phương.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện A Lưới, trong 5 năm trở lại đây (2008-2012) toàn huyện có 2.130 cặp kết hôn thì có 211 cặp tảo hôn và 10 cặp hôn nhân cận huyết thống, tỷ lệ tảo hôn dao động tưng năm từ 7,2-12,8%, hôn nhân cận huyết thống từ 0,22-1,0%. Đặc biệt, năm 2011 có 4 trường hợp kết hôn cận huyết thống chiếm 1% (trên tổng số cặp kết hôn trong năm) và năm 2012 có 51/503 cặp hôn nhân trước tuổi, chiếm tỷ lệ 10,1%.
Bà Phạm Thị Tâm, Giám đốc trung tâm DS-KHHGĐ huyện A Lưới, cho biết do tập tục xưa và quan niệm lạc hậu còn ăn sâu trong đồng bào các dân tộc, rất nhiều trẻ vị thành niên ở độ tuổi 15 -16 tuổi, thậm chí 11-13 tuổi đã lập gia đình. Thực trạng nạn tảo hôn vừa là nguyên nhân của sự nghèo đói, gia tăng trẻ em bị suy dinh dưỡng và đặc biệt hơn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi, thế hệ tương lai sau này. Một thực tế là các cặp vợ chồng nhí lấy nhau về (được cưới theo thủ tục truyền thống của đồng bào dân tộc) nhưng lại không nghề nghiệp, không nương rẫy, không kiến thức, vì vậy mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống gia đình là khó tránh khỏi. Có con, các cặp vợ chồng này không có kiến thức để chăm sóc, nuôi dạy con cái, cách quán xuyến gia đình, con bị suy dinh dưỡng và rồi tương lai những đứa trẻ này có thể không được đến trường học. Những cuộc hôn nhân chưa đủ tuổi này còn làm cho khả năng sinh con sớm, sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ em không an toàn và nghiêm trọng hơn chính nạn tảo hôn đã đẩy nhiều cặp vợ chồng trẻ tan đàn xẻ nghé do mâu thuẫn hằng ngày.
Đâu là nguyên nhân?
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là quan niệm hôn nhân “tự nhiên” - tự nhiên thích, tự nhiên yêu, tự nhiên lấy mà không kể cái tuổi, cái sức người gì cả; cộng thêm cái tập tục lạc hậu chọn vợ cho con khi cái tuổi còn non đã ăn sâu vào nếp nghĩ; quan niệm việc kết hôn sớm là để có thêm nhân lực lao động trong gia đình đã trở thành một lề thói xấu chưa thể ngăn chặn được khiến tảo hôn tiếp tục tồn tại. Bên cạnh đó, phương tiện thông tin đại chúng phát triển nhanh (internet, phim ảnh, băng đĩa…) có nội dung không lành mạnh, đồi trụy được giới trẻ cập nhật dễ dàng, đó là con đường dẫn đến quan hệ tình dục trong độ tuổi vị thành niên - thanh niên; quan hệ tình dục không lành mạnh và không an toàn trước hôn nhân dẫn đến có thai ngoài ý muốn buộc hai bên gia đình phải tổ chức lễ cưới; điều kiện kinh tế khó khăn làm cho một số gia đình không đủ sức chi phí cho con cái học hành, việc quản lý con em trong gia đình chưa chặt chẽ nên tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng dẫn đến kết hôn sớm.
Ông Hùng cho biết, cũng do tập quán cổ hũ, lạc hậu và quan niệm của một số gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số là những người có quan hệ cận huyết kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, thân thiết hơn, đặc biệt là không phải phân chia tài sản cho người ngoài, không sợ mất con, mất của; người dân còn chưa am hiểu về pháp luật và chưa nhận thức được hậu quả nặng nề từ hôn nhân cận huyết thống. Trong những năm qua, huyện đã có nhiều biện pháp để hạn chế, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống như vừa tuyên truyền, vận động, khuyên nhủ và áp dụng biện pháp hành chính, song chưa giảm đáng kể. Cái khó ở đây là bên cạnh các hủ tục lạc hậu ăn sâu trong đời sống đồng bào các dân tộc thì cái nghèo, cái khó khăn luôn đeo bám trong cuộc sống và sự nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế.
Đến năm 2020 cơ bản ngăn chặn tảo hôn
Xuất phát từ thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đề án “Ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2013 - 2017, định hướng đến năm 2020” vừa được UBND huyện A Lưới phê duyệt với mục tiêu là đến năm 2020 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và không còn hôn nhân cận huyết thống.
Theo đó, phấn đấu 85% (năm 2017) và 100% (năm 2020) các bậc cha mẹ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin về DS-KHHGĐ và các văn bản pháp luật liên quan; 80% (năm 2017) và 100% (năm 2020) vị thành niên, thanh niên, các em học sinh tại các trường THCS và THPT hiểu biết về Luật Hôn nhân và gia đinh, hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: A Lưới sẽ tập trung các giải pháp như: tăng cường hơn nữa sự lãnh, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện thông qua việc ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị và cách làm cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng xã, thị trấn. Thường xuyên kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện và phân công cán bộ trực tiếp lãnh, chỉ đạo thực hiện; tăng cường về tận cơ sở để kiểm tra, giám sát và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Phát huy vai trò gia đình và cá nhân trong việc thực hiện Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới và các chính sách pháp luật khác của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Lồng ghép xây dựng câu lạc bộ “Phòng chống tệ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” với câu lạc bộ Tiền hôn nhân, câu lạc bộ phụ nữ sinh con một bề không sinh con thứ 3 trở lên, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc...
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào chương trình DS-KHHGĐ hàng năm; kiện toàn và thường xuyên tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông tư vấn cho đội ngũ cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, các tuyên truyền viên tại các xã, thị trấn, Đoàn thanh niên các trường THCS, THPT. Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, xử lý nghiêm những người nào vi phạm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống hoặc có các hành vi khác vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.