Chính vì vậy, hằng trăm hộ dân ở xã Nhâm, xã Hồng Quảng đã tự phát du canh vào địa bàn sát biên giới xã Nhâm sản xuất và dựng lán trại tạm trú. Trong khi vẫn duy trì thường trú tại nơi ở cũ. Cuộc sống “1 cảnh, 2 quê” gây nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống của đồng bào; ảnh hưởng đến công tác quản lý trật tự trị an trên địa bàn. Nơi đồng bào đang xây dựng lán trại tạm trú có địa hình tương đối bằng phẳng, cạnh đồn Biên phòng Nhâm (629), cách UBND xã Nhâm khoảng 9 km và cách biên giới khoảng 8,5 km theo đường ô tô, có thể hình thành khu dân cư cho hằng trăm hộ sinh sống.
Tháng 9/2014, huyện A Lưới đã tiến hành công tác khảo sát thực trạng, xem xét lập Dự án bố trí ổn định dân cư biên giới tại xã Nhâm. Kết quả khảo sát cho thấy toàn vùng có 784 ha đất tự nhiên; trong đó có 624 ha đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch sản xuất và 72 ha đất nương rẫy, còn lại là các loại đất khác.
Địa hình ở đây tương đối bằng phẳng có thể tổ chức sản xuất nông lâm kết hợp, tạo các nương rẫy canh tác lương thực ổn định, sản xuất nông lâm sản hàng hóa bằng trồng rừng kinh tế, trồng cao su, chuối hàng hóa, chăn nuôi đại gia súc. Theo đó, có thể bố trí 250 hộ định cư, với 1.000 nhân khẩu. Bình quân mỗi hộ có 2,67 ha đất sản xuất nông lâm nghiệp; trong đó, đất sản xuất lương thực 0,6 ha. Ngoài ra, sát đường biên giới có 140 ha đất quy hoạch đồng cỏ nên rất thuận lợi cho đồng bào chăn nuôi bò, dê.
Qua gặp gỡ, trao đổi 427 hộ có nguyện vọng định cư ở thôn sát biên giới xã Nhâm nói trên, trong lúc quy mô vùng đất chỉ có thể bố trí 250 hộ bảo đảm có nơi ở thuận lợi và quan trọng nhất là có đủ đất sản xuất để tạo sinh kế bền vững, nên UBND huyện A Lưới đã xác định tiêu chí ưu tiên lựa chọn hộ đồng bào DTTS theo thứ tự. Quy trình chọn hộ sẽ được tiến hành dựa trên kết quả phỏng vấn trực tiếp đối chiếu với tiêu chí và nguyện vọng, bảo đảm khách quan, hợp lý và khoa học.
Việc xây dựng Dự án bố trí dân cư ở đây rất phù hợp với chính sách đưa dân định cư sát khu vực biên giới và ổn định đời sống của một bộ phận dân cư DTTS bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thiếu đất ở, đất sản xuất theo các QĐ số 1179/QĐ-TTg ngày 10-8-2009 Phê duyệt Quy hoạch bố trí dân cư các xã biên giới Việt Nam-Lào thuộc các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum đến năm 2015; QĐ số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 Phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 -2015 và định hướng đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây còn là vùng đất “hiếm hoi tìm được” để xây dựng khu tái định cư ổn định lâu dài đáp ứng điều kiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình phúc lợi và đặc biệt là giải quyết đất sản xuất. Bên cạnh đó, vùng đất này trước đây hoang vu vì xa trung tâm, không có đường đi lại, là nơi sinh sống của đồng bào xã Hồng Quảng từ thời chiến tranh. Khi mở đường ô tô vào khu vực đập thủy điện A Lưới, đồng bào đã quay lại nơi ở cũ của họ, trong bối cảnh xã Hồng Quảng quá thiếu đất sản xuất là một hệ quả tất yếu; bộ phận đồng bào ở xã Nhâm thiếu đất ở, đất sản xuất cũng mong muốn cùng đồng bào Hồng Quảng xây dựng bản làng mới.
Cả 3 yếu tố “ thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đều đáp ứng tốt, nên tính khả dụng của dự án rất cao. Việc dự án được phê duyệt và xúc tiến đầu tư, sẽ giúp một bộ phận đồng bào DTTS thuộc diện nói trên ổn định chỗ ở, sinh kế bền vững, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên địa bàn.