Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

A Lưới phát triển hệ thống truyền thông
Ngày cập nhật 23/09/2014

Trong bối cảnh toàn cầu hóa truyền thông, phát triển đi đôi với quản lý tốt truyền thông đại chúng được Đảng ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của xây dựng phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phát triển văn hóa là phải bảo đảm quyền được thông tin, quyền tự do sáng tạo của công dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, thông tin chân thực, đa dạng, kịp thời, nhằm phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương khóa XI tiếp tục khẳng định việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt nam là đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đât nước, đặc biệt với vùng đồng bào dân tộc cần được phát triển mạnh mẽ hơn. 

Thực hiện Nghị định 05/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, theo đó tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã rất chú trọng quan tâm đến công tác này; trước hết ưu tiên tập trung vào phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, khai thác tiềm năng thế mạnh của các miền núi nói chung.

Trong 05 năm qua, trên địa bàn Thừa thiên Huế đã ban hành 15 chính sách phát triển vùng dân tộc từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội dần rút ngắn khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi trong đó nguồn kinh phí được đầu tư hơn 50 tỷ đồng theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg giải quyết cho hơn 266 hộ được định cư tập trung tại 8/10 điểm định canh, định cư trong toàn tỉnh. Cùng với các chính sách ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (như Chương trình 134, 135, 167, đặc biệt là Quyết định số 2356/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm nâng cao hơn đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào) trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về truyền thông, phát thanh truyền hình, vai trò của truyền thông với sự nghiệp phát triển đất nước giai đoạn đổi mới, hội nhập.

Về Quy hoạch phát triển ngành phát thanh, truyền hình Việt Nam đến năm 2010 và sau 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ tuyên truyền đối với vùng dân tộc thiểu số. Nhà nước đầu tư cơ sở trang thiết bị thu phát sóng và sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình ngày càng hiện đại, đảm bảo hoạt động của hệ thống phát thanh truyền hình đáp ứng cơ bản nhu cầu tinh thần về văn hóa thể thao, giải trí và thông tin chính trị, kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh Thừa thiên Huế đã có nhiều chính sách phát triển chú trọng đến công tác tuyên truyền trong đó đẩy mạnh cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông; triển khai Kế hoạch số 107/KH-UBND tỉnh về thực hiện “Đề án truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến 2020” trên địa bàn tỉnh với mục tiêu chủ yếu là mở rộng diện phủ sóng truyền hình số mặt đất phục vụ phát triển kinh tế văn hóa xã hội.

A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), là một huyện miền núi, có đến 80% tộc người sinh sống, nhiều nhất là người Pacôh. A Lưới cũng là huyện nghèo nhất của Thừa Thiên Huế (hơn 13% tỷ lệ hộ nghèo), còn quá nhiều những tập tục lạc hậu. Trong chiến tranh, đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, truyền thống cố kết cộng đồng dân tộc. Một vùng đất đặc biệt có hơn 75% người các dân tộc mang họ Bác Hồ. Đến nay, đồng bào các dân tộc vẫn phát huy tinh thần một lòng trung kiên với con đường đã chọn để góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Là vùng văn hóa giàu bản sắc với đa dạng văn hóa của nhiều tộc người, nhưng cũng là địa phương nghèo, có nhiều con em bỏ học, lao động nghề nghiệp ít được đào tạo, mặt bằng dân trí thấp, địa bàn cư trú của đồng bào rải rác, khó khăn, nên ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển đời sống của đồng bào.

Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động của hệ thống đài phát thanh, truyền hình đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, góp phần vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội. Thực hiện “Đề án phát triển sự nghiệp phát thanh, truyền hình huyện A Lưới từ 2011 đến 2020” qua 03 năm thực hiện Đề án huyện đã đầu tư hơn 03 tỷ đồng, cụ thể đã có 13 xã được đầu tư mới và nâng cấp trang thiết bị truyền thanh không dây tại các xã; số dân được nghe đài, xem truyền hình tăng lên rõ rệt. Riêng năm 2014, thông qua chương trình Mục tiêu quốc gia đối với vùng dân tộc thiểu số, huyện A Lưới cũng đã tiếp nhận sự đầu tư kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng xây dựng hạng mục công trình như cột anten và đầu tư thiết bị truyền thanh cho các xã Hồng Hạ, Hương nguyên, Hồng Quảng và Hương Lâm ... Tuy nhiên trước yêu cầu đổi mới, phát triển, hoạt động truyền thông ở nhiều địa bàn khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.. còn rất nhiều hạn chế. Truyền thông, đặc biệt là phát thanh và truyền hình còn chậm đổi mới về nội dung và hình thức, chất lượng và hiệu quả tuyên truyền không cao, chưa chi phối, làm chủ thông tin và định hướng được dư luận xã hội. Công tác chỉ đạo, quản lí truyền thông ở địa phương còn nhiều hạn chế, hệ thống đài phát thanh, truyền hình phát triển thiếu quy hoạch, gây lãng phí, tốn kém lớn. Trước thực trạng đó, phát triển hệ thống truyền thông, đặc biệt đối với những địa bàn khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…. là yêu cầu cấp thiết. 

Về cách thức thu, phát thông tin của Đài huyện thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số cũng có yêu cầu khác so với vùng đồng bằng. Đó là thông tin phải phù hợp với điều kiện về dân trí, văn hóa, tâm lý tộc người. Thông tin phải sát thực với văn hóa bản địa, phải xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của chính họ. Các chương trình phát bằng tiếng dân tộc được chú trọng. Đài TT-TH huyện có vai trò thực hiện nhiệm vụ chuyển tải thông tin mọi mặt đến từng bản làng, từng gia đình, tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, phản ánh tâm tư nguyện vọng của đồng bào; phát triển đời sống văn hóa cộng đồng.

Phát triển đời sống văn hóa của A Lưới phải hướng đến văn hóa xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Huyện đang tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ từ đường giao thông, hệ thống thủy lợi, mạng lưới điện, nước sạch, hệ thống chợ, đến mạng lưới văn hóa; đặc biệt là hệ thống truyền thông. Các mục tiêu khác, là phát triển văn hóa xã hội; tổ chức lại sản xuất kinh tế nông nghiệp, nông thôn; củng cố, nâng cao vai trò của hệ thống chính trị, xã hội… Như vậy, phát triển sự nghiệp phát thanh truyền hình của huyện vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển đời sống cộng đồng địa phương.

Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị để duy trì tiếp và phát lại các kênh truyền hình của Trung ương, địa phương đảm bảo diện phủ sóng đạt chất lượng cao. Đây là mục tiêu quan trọng, để người dân có điều kiện tiếp cận với thông tin từ Trung ương đến địa phương về tất cả các phương diện kinh tế, văn hóa xã hội. Theo đó, yêu cầu chung về sự phát triển của địa phương, nhằm không ngừng tăng cường đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân vùng dân tộc, bà con được xem, nghe các chương trình phát thanh truyền hình của Trung ương và địa phương. Trước những tác động văn hóa toàn cầu hiện nay, nguy cơ về văn hóa bị mai một, làm biến đổi văn hóa vùng dân tộc, nên cần phải tăng cường hoạt động văn hóa, truyền thông và giao lưu nhằm bảo tồn phát huy trong cuộc sống hôm nay.

Pa Côh Thêm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.281.241
Truy câp hiện tại 4.541