Một sáng sớm trung tuần tháng 8, vượt qua chặng đường dài với nhiều đèo dốc quanh co ở vùng phía Tây của tỉnh Thừa Thiên - Huế, chúng tôi tìm đến nhà của già làng Hồ Văn Hạnh ở thôn Lê Triêng, xã Hồng Trung, A Lưới. Già làng tuổi đã xấp xỉ “cổ lai hy” niềm nở đón và tiếp chúng tôi với chén rượu A riêu Tà vạt, loại rượu quý làm từ cây rừng của người Pa Cô. Già Hạnh kể rằng, thôn Lê Triêng nằm bên dòng suối Prong hiền hòa, trong chiến tranh hứng chịu nhiều bom đạn. Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, Lê Triêng là “vùng trắng”. Để giúp người dân có lương thực chống đói, tháng 10/1976, huyện A Lưới xây dựng chủ trương trồng cây lúa nước.
“Hồi đó, già tình cờ được một người bạn ở Quảng Trị cho nắm lúa giống nên đã khai phá vạt đất nằm bên con suối Prong để gieo thử. Ai ngờ chỉ mấy tháng sau, vợ chồng già thu hoạch được 15 thùng lúa. Quá đỗi vui mừng bởi mình là người đầu tiên trồng thành công cây lúa nước. Sau đó, bà con bản ở Lê Triêng đã họp và “xin mượn” 15 thùng lúa của gia đình già chia cho các hộ dân đem về gieo. Cũng từ đó, bà con dân bản đã có gạo ăn thay cho củ sắn, quả bắp trên nương...”, già Hạnh bồi hồi nhớ lại.
Được sự tin tưởng của bà con dân bản, năm 1978, già Hạnh được bầu làm cán bộ nông nghiệp của xã. Để mở rộng diện tích trồng lúa nước, già Hạnh đề xuất xây con đập Tà Ranh dẫn nước từ khe suối về các mảnh ruộng nằm ở đồi cao. Nhờ thế mà diện tích trồng lúa nước của bà con dân bản Lê Triêng dần tăng lên 40ha với 2 vụ lúa chỉ mấy năm sau đó. Đầu những năm 2000, nhận thấy cây sắn KM94 chịu được nhiều sâu bệnh, cho năng suất cao nên già Hạnh đã cất công lên huyện và nhiều lần về TP Huế để học các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng sắn. Rồi ông về lại bản làng truyền những kiến thức học được, giúp dân bản phát triển cây sắn thành cây trồng chủ lực trên nhiều vùng đồi khô hạn…
Bằng những việc làm thiết thực ấy, gần 20 năm qua, già Hạnh đã giúp khoảng 40 hộ dân ở thôn La Triêng thoát nghèo bền vững bằng mô hình phát triển kinh tế vườn đồi, ao chuồng... Điển hình là hộ ông Quỳnh Nhân (60 tuổi) cùng 3 người con trai ở thôn Lê Triêng từ cái nghèo nay có thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng/1 năm nhờ mô hình trồng sắn, kết hợp chăn nuôi dê, gà và đào ao thả cá...
Không những giúp bà con dân bản phát triển kinh tế, già Hạnh còn được biết đến như một nghệ nhân văn hóa dân gian thực thụ khi ông đã có công sưu tầm, lưu giữ các điệu múa cổ như: Cha chấp, Boi bói, Ca lơi... Ông cũng là một trong số ít người biết cách chế tác nhạc cụ của người Pa Cô như Câr dóc Adoll (nhạc cụ làm bằng sừng hươu, thồi bằng miệng), A bel (nhạc cụ kéo 1 dây), khèn, sáo. Chỉ tay lên những tấm bằng khen, giấy khen được UBND huyện A Lưới và tỉnh Thừa Thiên - Huế trao tặng về thành tích bảo tồn văn hóa dân gian được treo kín trên bức tường, già Hạnh nói trong lo lắng: “Hiện các điệu múa cổ của người Pa Cô đang có nguy cơ bị biến mất. Để hạn chế điều này, từ năm 2007, già tổ chức dạy 2 đội văn nghệ (14 người) học các điệu múa, hát dân gian để phục vụ các lễ hội truyền thống như mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu... Thế nhưng, nam nữ thanh niên bây giờ hầu như không còn mặn mà với các điệu, múa hát cổ của cha ông ngày xưa nữa rồi. Đây là điều mà già hết sức trăn trở!”.
Nói về những đóng góp của già Hạnh, ông Hồ Văn Ngoan - Trưởng phòng VHTT huyện A Lưới cho biết thêm: “Ngoài giúp bà con xóa bỏ cái nghèo, tập tục lạc hậu để từng bước xây dựng cuộc sống ấm no thì già Hạnh còn là người có công lớn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Pa Cô. Mới đây, Học viện Âm nhạc Hà Nội còn mời ông biểu diễn những điệu múa hát cổ Pa Cô nhằm mục đích giảng dạy cho sinh viên và trên hết là để phục vụ công tác lưu giữ khi số người hiểu và có kiến thức về văn hóa dân gian Pa Cô chỉ còn đếm trên đầu ngón tay...”