Hiện nay, A Lưới là huyện đứng thứ hai sau thành phố Huế về hệ thống các điểm di tích lịch sử cách mạng văn hoá (A Lưới có 10 điểm di tích lịch sử cách mạng văn hoá, thành phố Huế có 14 di tích). Trên địa bàn phong phú bởi các đồn bốt, sân bay, hang động... Hãy đến với A Lưới qua hệ thống các sân bay, một trong những di tích lịch sử cách mạng của huyện.
Trong giai đoạn từ 1957 đến 1965 tại Thừa Thiên Huế nói chung, A Lưới nói riêng đã diễn ra nhiều âm mưu bình định, các cuộc đồng khởi của người dân địa phương. Mỹ - Ngụy đã xây dựng các sân bay quân sự và sân bay dã chiến phục vụ cho mục đích chiến tranh, đàn áp các phong trào cách mạng của ta. Các sân bay trên địa bàn huyện rải rác khắp nơi: Hồng Thượng, Hồng Thái và sân bay Đông Sơn là sân bay quân sự quan trọng nhất của Mỹ đặt tại A Lưới.
Sân bay A Co: thuộc thôn Tà Vạt, xã Hồng Thượng, cách ngã ba Bốt Đỏ (ngã ba đường 72 - 14B) 2 km về hướng Tây Nam, cách thành phố Huế 72 km về hướng Đông theo đường 12 cũ. Được xây dựng năm 1960 và có quy mô nhỏ với mục đích chống phá các tuyến đường vào Nam của quân ta. Quân Mỹ - Ngụy sử dụng sân bay này để thực hiện chiến lược “chặn ngay cả 4 phía” và sân bay A So cũng là một trong ba tụ điểm tập trung cải trang của tiểu đoàn biệt kích Mỹ - Ngụy. Từ năm 1963 đến 1964 dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và đồng bào dân tộc A Lưới cùng với Mặt trận giải phóng miền Nam nổi dậy khởi nghĩa đánh phá ấp chiến lược, đánh chiếm đồn Bốt Đỏ, sân bay A Co. Cuộc khởi nghĩa đã dành được thắng lợi to lớn, nhân dân A Lưới đã dành được sân bay A Co một cách nhanh chóng. Cuộc nổi dậy đã gắn liền với anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kăn Đờm (Hồ Thị Đơm).
Sân bay A Cuốn: Trước đây sân bay này thộc địa phận xã Hồng Thượng nay là xã Hồng Thái. Nằm bên dòng sông A Sáp, giáp với ngã ba sông Tà Rình. Được xây dựng năm 1960 của Mỹ - Ngụy để thực hiện chiến lược ngăn chặn tuyến hành lang Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, kiểm soát và ngăn chặn con đường liên lạc giữa A Lưới và đồng bằng.
Sân bay A Lưới: Là sân bay có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, kinh tế của huyện, cách thành phố Huế 72 km về hướng Tây Bắc theo quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh. Nó được xây dựng trên một dãi đồng bằng rộng nhất giữa trung tâm thị trấn. Xây dựng vào tháng 8 năm 1957, sân bay A Lưới là trung tâm huấn luyện biệt kích Mỹ - Ngụy từ Đông sang Tây, chặn ngang mạch máu nối liền từ Bắc vào Nam của quân ta. Vì thế nó được đế quốc Mỹ ưu tiên hàng đầu, nếu làm chủ được nơi này thì tạo điều kiện cho việc kiểm soát toàn bộ tình hình của huyện. Nhiệm vụ cấp bách nhất của quân uỷ Trung ương và quân khu uỷ Trị Thiên Huế là giải phóng sân bay này nhằm đập tan hệ thống phòng thủ của địch, tạo điều kiện cho hoạt động quân sự lớn tiếp theo mà trước mắt là cuộc tổng tiến công Xuân 1968.
Năm 1964 bên cạnh hoạt động chống phá ấp chiến lược, diệt phá kìm, lực lượng vũ trang quân khu Trị Thiên Huế đã được sự ủng hộ của bộ quốc phòng, chuẩn bị cơ sở vật chất, khí tài chờ thời cơ hành động.
09/ 01/ 1965 từ các hướng bộ đội ta đồng loạt nổ súng tấn công đòn địch làm cho địch bất ngờ không trở tay kịp và chỉ trong thời gian ngắn chúng ta đã chiếm được sân bay A Lưới, giải phóng toàn bộ vùng đất từ Hồng Vân đến Hương Lâm tạo đà cho những thắng lợi tiếp theo.
Từ năm 1961 đến năm 1965 có 250 trận đánh, tiêu hao 2.700 tên địch, thu 1 khẩu trung liên, bắn rơi 6 chiếc máy bay Mỹ. Từ trong chiến thắng ấy xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc: Hồ Vai, Kan Lịch và họ đã được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng vũ trang nhân dân.
Sân bay A So: Nằm trên địa phận thôn Sam, xã Đông Sơn cách đường Hồ Chí Minh 2 km về phía Đông, cách trung tâm thành phố 90 km về hướng Đông Nam. Từ năm 1955 đến 1959 chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm được tiếp sức của đế quốc Mỹ đã xây dựng nhiều đồn bốt ở vị trí xung yếu ở A So, Bốt Đỏ, A Co...xây dựng trại tập trung dồn đồng bào ta vào trại, ấp chiến lược nhằm cô lập với cách mạng. Song càng đàn áp, càng cô lập thì tinh thần yêu nước càng trỗi dậy, không chịu khuất phục, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ nên các phong trào đấu tranh càng diễn ra mạnh mẽ và ngày càng rộng rãi.
Để đối phó lại năm 1960 Mỹ tiến hành xây dựng sân bay A So ở khu vực này, nhằm tăng cường tiềm lực chống phá cách mạng nhất là sự lớn mạnh của tuyến đường Hồ Chí Minh.
Đến năm 1966, sư đoàn 342 quân khu 4 cùng bộ đội địa phương phá huỷ hoàn toàn sân bay này, đập tan âm mưu của địch giải phóng phía nam A Lưới. Từ năm 1960 đến 1966 đã diễn ra 2.123 trận đánh lớn nhỏ tiêu diệt 2.200 tên địch, 705 tên hàng binh, có 105 trận máy bay bị rơi và bị thương 71 chiếc. Xuất hiện anh hùng Cu Trip (Cao Minh Bôn).