Lễ hội - Đâm trâu của dân tộc Pa Kô thường xuất hiện trong các dịp lễ hội lớn như: Lễ hội: Tức Giàng Kǒh (Cúng thần Núi), Tức Giàng Đạa (Cúng thần Nước). Lễ hội A riêu Piing(lễ cải táng). Lễ Ngọi Đung (Mừng nhà mới). Lễ Tức Gàng Tâng Kyn (Cúng thần làng). Riêng lễ hội ADa không có nghi lễ đâm trâu này.
Quy trình của Lễ hội - Đâm trâu:
- Nghi lễ: A xa - a rah ( lễ tẩy rửa):
Đây là một nghi lễ không thể thiếu được trong các lễ hội lớn nhỏ của người Pa Kô, nó như một dòng nước linh nghiệm nhằm để gột rửa moị tội lỗi nhơ bẩn mà con cháu trong làng đã gây ra. Lễ vật gồm 1 con gà hay một con heo nhỏ, cúng sống sau đó vứt xuống suối cho trôi đi mọi tội lỗi xui xẻo.
- Nghi lễ: Pa xǒǒl Giàng (Mời Giàng Xuống):
Trước khi lễ hội diễn ra và các vị khách khác đổ về, người Pa Kô thực hiện nghi lễ này trước để thể hiện sự tôn kính đối với các vị Giàng.
- Nghi lễ: Xỉa ai (Chôn nêu):
Đây là một nghi lễ nhằm để báo cáo cho giàng Âng kưưm (Giàng sân) biết là làng sẽ tiến hành lễ hội đâm trâu tại đây, cầu mong Giàng đừng hỏi han trách móc cho lễ hội được suôn sẻ. Mâm cúng gồm 1 con gà đã luộc chín, 1 chén sôi, 1 chén nước lã sạch.
- Nghi lễ: A vôi koih (Giao cây lao):
Nghi lễ này được diễn ra ngay tại đầu ngõ đi vào sân diễn ra lễ hội, Già làng chủ nhà báo cáo cho Già làng láng giềng được mời, biết về nội dung ý nghĩa của lễ hội, sau khi hai bên thống nhất, già làng chủ nhà giao cho Già làng láng giềng cây lao để đâm trâu, nhằm để gởi gắm tình cảm gắn bó của bạn bè láng giềng. Sau đó, Già làng láng giềng trồng tại đó một cây Đa để khẳng định sự bền chặt của tình láng giềng.
- Nghi lễ: Bayh mǒh (Cột trâu vào nêu):
Nghi lễ này nhằm báo cho Giàng biết đây là vật tế dành cho Giàng, cầu mong Giàng vui lòng đón nhận. Mâm cúng gồm 1 con gà luộc chín,1 chén xôi, 1 chén nước lã sạch.
- Nghi lễ: Chật Ty rịa (Đâm trâu):
Sau khi già làng chủ nhà, cùng các vị khách được mời nhảy múa hai vòng quanh cây nêu, họ mới tiến hành nghi lễ đâm trâu. Để thể hiện tình gắn bó keo sơn gữa hai làng thì người đâm trâu phải là Già làng láng giềng.
* Quan niệm về cái chết của con trâu:
Khi con trâu đã nằm xuống, hai Già làng xem tư thế chết của con trâu. Nếu con trâu chết mà vết đâm úp xuống mặt đất, quay lưng với cây nêu, dây buộc cổ chùn xuống, thì được xem là điềm xấu, hai làng sống với nhau bằng mắt mà không bằng lòng, tình láng giềng sẽ không được bền lâu, sức khỏe con cháu làng bản luôn đau yếu. Nhưng, nếu con trâu chết mà vết đâm ngửa lên trời, quay mặt và ôm lấy cây nêu, dây buộc căng ra thì được xem là tốt đẹp. Tình láng giềng lâu bền gắn bó, cả hai bên không dấu diếm điều gì, con cháu trong làng khỏe mạnh.
- Nghi lễ: Tức chĕĕn (Tế chín):
Vì đây là một nghi lễ cúng chính thức nên mâm cúng rất cầu kì gồm hai loại. đó là loại “Bar tu pǒǒl” 14 mâm và loại “Mǒǒi tu pǒǒl” 7 mâm. Các món trong mâm cúng này gồm bánh A koát, món Lạp (được chế biến từ thịt và huyết tươi của con trâu) và con gà luộc. Mỗi mâm được đặt trên mỗi A điên, còn cái đầu, chân, tay, đuôi, của con trâu vẫn để nguyên tươi sống và được dọn một mâm riêng.(Mâm lễ tươi sống này ý là giao cho các vị Giàng tự nấu tự ăn theo ý thích).
- Nghi lễ: Pa chǒǒ Giàng (Tiễn giàng về):
Sau khi các vị giàng chung vui ăn uống no say thì con cháu làng bản tổ chức tiễn Giàng về, các vị Giàng ở nơi đâu thì tiễn Giàng về nơi ấy.
- Nghi lễ: Koát pâr nai (Tổng kết lễ hội):
Trong nghi lễ này có một điều dặc biệt là: đối với Tâm mooi Vel (Khách làng) thì nghi lễ này được tiến hành ở ngoài sân còn với khách Khơi và Ân no (khách gia đình) thì được tiến hành ở trong nhà. Nội dung của nghi lễ này là nhằm tổng kết lại và rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức lễ hội. Những gì đã làm tốt và chưa làm tốt cả hai đều đưa ra tại nghi lễ này, để cả hai rút kinh nghiệm cho lần sau.
- Nghi lễ: Pa chòo Tâm moi (Tiễn khách):
Đây là nghi lễ, trước là để cám ơn các vị khách người bạn láng giềng đã cùng tham gia chung vui trong ngày hội, cùng nhau giải quyết những công việc quan trọng, giải hòa những điều còn vướng mắc giữa hai làng. Sau nữa là để tiễn khách trở về được bình an vô sự, cùng nhau hẹn gặp trong dịp lễ hội lần sau.
Lễ hội - Đâm trâu chỉ diễn ra trong khoảng thời gian từ 10 năm đến 20 năm một lần. Đối với người Pa Kô màu sắc của con trâu cúng tế cũng có sự khác biệt, nếu như ở lễ hội cúng thần núi, lễ cải táng, mừng nhà mới, cúng thần làng, con trâu mang màu đen hoạc màu loang thì ở lễ hội cúng thần Nước con trâu nói riêng và các vật tế khác nói chung bắt buộc phải mang màu trắng, màu của bọt nước, màu của mái tóc thần nước, nếu không cúng màu trắng thì thần Nước sẽ không chấp nhận. Đâm trâu chỉ là một nghi lễ quan trọng quyết định mọi sự việc trong một lễ hội lớn mà thôi.