Theo lời giới thiệu hấp dẫn của người dân ở rẻo cao A Lưới, chúng tôi đã tìm đến thôn A Min để cố gắng thưởng thức cốc rượu Đoác nổi tiếng của người Tà Ôi. Theo lời đồn, đây là thứ rượu uống mãi không say, được lấy ra từ thân cây Đoác trong rừng sâu. Người A Min nói vui rằng: “Về đến A Roàng mà chưa uống rượu Đoác là chưa đến, chưa say rượu Đoác là chưa biết được cái bụng của người Tà Ôi”.
Rượu “ba không”
Theo tương truyền, ngày xưa có một người Tà Ôi đi vào rừng sâu đốn củi trong một buổi trưa hè nóng nực. Sau đó, người này đi lạc đường nên hết nước uống, phải nằm nghỉ dưới một gốc cây. Đang lúc khát cháy môi, anh ta thấy cây bỗng chảy ra một dòng nước mát lành nên vội ghé miệng vào hứng không sót một giọt.
Đến khi uống no, người này giật mình suy nghĩ, sợ rằng nước cây có độc nhưng thật may mắn rằng đó là một suy đoán sai. Sau một giấc ngủ, người lấy củi cảm thấy vô cùng sảng khoái, khỏe mạnh và đủ sức thoát ra khỏi ma trận rừng sâu để trở về bản làng của mình. Từ đó, bà con Tà Ôi theo nhau lấy thứ nước mát lành này về uống và đặt tên cây là cây Đoác.
Người Tà Ôi coi rượu Đoác như “nước trời”
Còn ở góc độ khoa học, cây Đoác là giống cây thuộc họ dừa, sinh trưởng trong rừng Trường Sơn, sát với đất bạn Lào. Như vậy, rừng Trường Sơn vừa che chở cho bộ đội Cụ Hồ đánh quân thù lại vừa ban cho người Tà Ôi thứ rượu Đoác vô cùng đặc biệt.
Người Tà Ôi gọi “nước Đoác” là “nước trời”, “rượu Đoác” hoặc “rượu ba không”. Sở dĩ rượu Đoác còn được dân bản gọi là “rượu ba không” là vì rượu không được nấu hay chưng cất, không phải dùng men với gạo và đàn ông uống rượu Đoác nhiều đến mấy cũng không đánh vợ. Quả vậy, hễ thấy chồng đi uống rượu Đoác bên nhà hàng xóm là chị em Tà Ôi có thể yên tâm là các phu quân mình sẽ không say khướt, khi về nhà sẽ không đánh đập vợ con.
Hàng ngày, khi đi làm về mệt mỏi, có bát rượu Đoác thì tinh thần sẽ rất phấn chấn, tan biến mọi mệt mỏi và có thể lấy lại được sức lực. “Đi trên rẫy về mà có rượu Đoác uống là như có thêm “vitamin” vào người ấy, uống vài bát là ăn tối cũng ngon mà lại nhanh khỏe lắm” - anh Hồ Văn Ta chia sẻ.
Già làng Blup A Măng chậm rãi rót rượu vào chiếc bát to mời chúng tôi dùng thử vừa nói: “Nhà báo cứ uống thoải mái đi, “nước Đoác” không có say mô, vợ của già cũng uống được mà không như rượu gạo mô. Cái rượu ni chỉ có người Tà Ôi mới có thôi đó, năm mô cứ gần Tết là già nói mấy đứa vô rừng lấy rượu Đoác mang về để đãi khách đó. Tết mà không có rượu Đoác là coi như chưa có xuân đó...”.
Bát rượu Đoác có màu đục đục như nước đậu nành, có mùi như mùi của bia và có có bọt sủi lên như bia thật mà lại có mùi men đặc trưng của rượu, khi uống vào thì không nóng rát như uống rượu mà mát rười rượi...
Xuân không thiếu rượu Đoác
Từ ngày biết đến thứ rượu kỳ diệu này, người Tà Ôi đã lấy quả cây Đoác về nhân giống để trồng trong vườn để khỏi phải vào trong rừng sâu tìm “nước trời” nữa. Cũng nhờ đó, ngày nay rượu Đoác đã trở thành thức uống không thể thiếu của người Tà Ôi mỗi độ Tết đến, xuân về. Xuân đến nhà chơi mà thiếu rượu Đoác là mất vui, nên những ngày gần Tết trong mỗi nhà ai cũng có một vài can rượu Đoác để tiếp khách khứa, bạn bè.
Mỗi cây Đoác một năm có thể lấy hai đến ba lần rượu để uống, chọn những cây Đoác lâu năm thì rượu càng ngon. Khi thấy buồng quả Đoác đã già thì là lúc rượu đã dùng được. Công đoạn lấy rượu từ cây Đoác cũng rất đơn giản: Chỉ cần dùng dao rạch một lỗ trên cái túi cho nước chảy theo ống lồ ô dẫn xuống can hoặc chai. Trong chai hoặc can đã có sẵn vỏ cây chuồn phơi khô để cho rượu thêm ngọt, thêm nồng, mỗi buồng quả như vậy thường lấy được từ 20-30 lít rượu.
Ông Quỳnh Bao cười vui nói: “Rượu Đoác lấy từ cây Đoác hoàn toàn không có chất pha chế nên uống không gây đau đầu hay làm cho người ta say mèm như rượu hay bia. Cứ mỗi dịp xuân về, dân bản lại vào rừng rạch những túi Đoác ra để mang rượu về, rượu Đoác phải ngâm thêm vỏ cây chuồn vào nữa uống mới đậm hương vị, ngày Tết thiếu gì thì thiếu nhưng rượu Đoác không thể không có”.
Trong vườn nhà ông Quỳnh Bao hiện đã nhân giống được gần 20 cây Đoác và 10 cây đã có thể lấy được rượu uống. Trong xã A Roàng hầu như nhà nào cũng có một đến hai cây Đoác phục vụ nhu cầu riêng của gia đình.
Không chỉ ngày thường, ngày Tết mà các ngày hội, ngày lễ dân tộc thì rượu Đoác được xem như một thứ không thể thiếu của bà con. Ngày mừng cơm mới, mừng nhà mới, cưới hỏi trong thôn, và đặc biệt là Tết Nguyên đán thì rượu Đoác cứ hết lại rót, vơi lại đầy. Can rượu đã vơi mà lòng vẫn chưa say, ly rượu Đoác uống vào có thể cảm nhận được cái sự vui tươi, cảm nhận được cái sức xuân đang về trên núi rừng Trường Sơn.
Uống rượu Đoác đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu đối với người dân Tà Ôi. Tiếng đàn, tiếng khèn, tiếng cồng chiêng... cùng với rượu Đoác sẽ làm cho văn hóa Cơ Tu thêm đậm đà bản sắc dân tộc. Những ly rượu Đoác uống vào với những món ăn dân tộc làm cho ngày xuân thêm ấm áp.