Sau một thời gian duy trì và củng cố, hiện nay nhóm nghệ nhân dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu đã ổn định tổ chức có hiệu quả các hoạt động hàng ngày như: giới thiệu không gian văn hóa truyền thống dân tộc, biểu diễn dân ca dân nhạc dân vũ truyền thống, giới thiệu sản vật và ẩm thực truyền thống, giới thiệu về con người mảnh đất và quê hương A Lưới, tổ chức tái hiện các lễ hội văn hóa truyền thống… thu hút đông đảo du khách tham quan và các đoàn phóng viên, báo chí đưa tin.
Các nghệ nhân tham gia tại Làng dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu đều là những già làng, trưởng bản, người có uy tín, có hiểu biết về vốn văn hóa truyền thống để giới thiệu, quảng bá văn hóa và du lịch của địa phương mình. Các hoạt động được xây dựng có chủ đề, điểm nhấn ấn tượng, tạo sức hút tốt đẹp với khách du lịch đến Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Lễ cưới của đồng bào Pa Cô tại Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam
Với các hoạt động thường xuyên tại Làng dân tộc Tà Ôi và Cơ Tu: Đón tiếp, giới thiệu không gian văn hóa truyền thống và giao lưu với khách tham quan, chế tác và trình diễn nhạc cụ truyền thống, trình diễn và giới thiệu nghề dệt Dèng từ quy trình lựa chọn sợi len, xâu hạt cườm, lên khung, đan lát gùi và các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực truyền thống, sản vật của địa phương và trải nghiệm làm bánh A Quát (bánh sừng trâu)…
Du khách rất thích thú với cách Dệt Dèng truyền thống của đồng bào Tà Ôi
Ngoài ra, khi không có khách thì nghệ nhân thực hiện các công việc: dệt, đan lát, chăm vườn cây, duy trì cảnh quan làng và tăng gia sản xuất (trồng rau, nuôi gà, trồng ngô, sắn…) vừa đảm bảo lương thực cho cuộc sống vừa giới thiệu thêm cho du khách.
Đồng bào Tà Ôi tái hiện hoạt động trỉa lúa trên nương
Việc huy động đồng bào các dân tộc ở các vùng, miền về sinh hoạt thường xuyên đã từng bước góp phần làm cho Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành một “không gian sống”, một ngôi “Làng” mang bản sắc của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trở nên sống động hơn khi có sự góp mặt của đồng bào. Để có được những điều đó chính là nhờ: cơ chế phối hợp giữa địa phương có sự đồng thuận nhất trí cao trong các vấn đề liên quan đến hoạt động hàng ngày của đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu. Trưởng nhóm nghệ nhân là nghệ nhân có uy tín trong cộng đồng và là trưởng ban đoàn kết cộng đồng nên các hoạt động luôn có tính chủ động tham gia trách nhiệm các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc địa phương. Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng đã thường xuyên quan tâm tới đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của đồng bào, nỗ lực gắn kết các cộng đồng dân tộc bằng nhiều hình thức: Tái hiện các lễ hội văn hoá dân tộc gắn với không gian sống của đồng bào, tổ chức các chương trình giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao cho đồng bào. Qua đó, tạo được niềm tin, sự gắn bó của cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại đây.
Tái hiện Lễ Yang Xứ của đồng bào dân tộc Cơ Tu
Đồng bào các dân tộc huyện A Lưới đã rất tự hào khi được mang bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu giới thiệu với du khách, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Qua đó, du khách đến với Làng dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu được tiếp cận và trải nghiệm văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú và độc đáo của đồng bào các dân tộc. Góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Một số hình ảnh tái hiện Lễ hội và hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc huyện A Lưới
thu hút đông khách tham quan tại Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam: