Trong nhiều năm qua, UBND huyện đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Từ những chủ trương, chính sách chung của Trung ương, của tỉnh, huyện đã cụ thể hóa thành những chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện. Trong đó, cụ thể nhất là Đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 – 2020”
I. Quá trình triển khai thực hiện
Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt việc chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức đoàn thể tại địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 – 2020” và triển khai thực hiện nghiêm túc đúng theo Kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin (cơ quan thường trực) thực hiện chuyên môn và hướng dẫn các cơ quan ban ngành đoàn thể, các địa phương thực hiện đúng theo Kế hoạch.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương đã chú trọng kết hợp công tác tuyên truyền, vận động và triển khai lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội, các cuộc vận động, các phong trào hoạt động thực tiễn phong phú và đa dạng như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng nông thôn mới... Quá trình thực hiện đã tạo cho các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận đoàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới trong quá trình xây dựng, phát triển quê hương A Lưới.
II. Những kết quả đạt được
1. Về văn hóa vật thể
- Các nghề truyền thống như dệt Dèng, đan lát, chế tác nhạc cụ… được phục hồi và ngày càng phát triển ở một số địa phương. Đặc biệt đã hình thành 05 hợp tác xã dệt Dèng và đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, được du khách và các nhà thiết kế thời trang ưa chuộng và quan tâm. Đặc biệt tham gia trưng bày và giới thiệu nghề dệt Dèng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới tại Lễ hội Đền Huyền Trân năm 2017; sự kiện Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko ghé thăm tại cố đô Huế; trưng bày giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu lần thứ II tổ chức tại Đà Nẵng; “Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam”...
- Xây dựng và triển khai Phương án khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị không gian làng, bản theo kiến trúc truyền thống kết hợp phát triển du lịch cộng đồng tại các xã Hồng Kim, A Đớt và Hồng Hạ. Xây dựng nhà Gươl truyền thống của người Cơ Tu tại xã Hồng Hạ và nhà Rông truyền thống của người Tà Ôi tại xã A Đớt…
- Phối hợp mở 02 lớp truyền dạy nghề điêu khắc gỗ tại xã Hồng Thượng và Bắc Sơn đã phục dựng lại một số mô hình nhà mồ, cây nêu, tượng người và các hoa văn khác của dân tộc Pa Cô, Tà Ôi và Cơ Tu.
- Trang phục thổ cẩm truyền thống của các dân tộc đã được sử dụng phổ biến hằng ngày trong lao động, sản xuất, các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng… Đặc biệt: cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh người dân tộc thiểu số từ Mầm non đến THPT, các ban ngành đoàn thể trên địa bàn toàn huyện mang trang phục truyền thống 1ngày/tuần và vào các sự kiện quan trọng của ngành giáo dục, ngày truyền thống của Đoàn – Hội – Đội và các sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước, địa phương.
- Trưng bày giới thiệu nghề truyền thống là thổ cẩm, sản phẩm đan lát tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Đồng Mô, Sơn Tây - Hà Nội.
2. Về văn hóa phi vật thể
- Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận Nghề dệt Dèng của người Tà Ôi là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng thời tổ chức tái hiện một số hoạt động sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện như trưng bày và giới thiệu sản phẩm Dèng, đan lát thủ công truyền thống và bán các sản phẩm nông sản tại khuôn viên Trung tâm SHVHCĐ.
- Tham gia hoạt động nghệ thuật dân gian tại Lễ hội Đền Huyền Trân năm 2017; Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Làng, Thôn, Bản, Tổ dân phố văn hóa tỉnh TT Huế, lần thứ VII, năm 2017 đạt Giải Nhì toàn đoàn.
- Tham gia thành công các hoạt động, trình diễn trang phục dân tộc, trưng bày hiện vật văn hóa, sản phẩm Dèng, thuyết trình du lịch, tại Liên hoan Làng du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2017, tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Đạt 03 giải C, 01 giải Khuyến khích.
- Tham gia biểu diễn giao lưu nghệ thuật tại “Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam” trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI – năm 2017.
- Phối hợp tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XII với kết quả A Lưới đạt Giải Nhất toàn đoàn.
- Đã tổ chức lễ hội A Da lồng ghép nhân ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc 18/11 hàng năm tại 11 làng trên địa bàn huyện (các làng như làng Chi lanh – A Roh, xã A Đớt; A La, xã Hồng Thái; làng Việt Tiến, xã Hồng Kim; thôn Pi Reh 1, xã Hồng Thủy; thôn Pa Ring, xã Hồng Hạ và thôn Ka Nôn 1, xã Hương Lâm...) các làng xã trên địa bàn huyện cũng đã rầm rộ tổ chức lễ hội A Da đúng định kỳ truyền thống vào rằm tháng 12 âm lịch, hàng năm trên 44 làng bản tổ chức lễ hội A Da.
- Hướng dẫn 22 đơn vị tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa và báo công tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa các dân tộc huyện A Lưới nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của quê hương, đất nước.
- Thành lập các đoàn Nghệ nhân dân tộc Tà Ôi và dân tộc Cơ Tu huyện A Lưới Tham gia Chương trình các hoạt động hàng ngày năm 2017 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Tổ chức tái hiện Lễ hội mừng nhà mới của đồng bào Cơ Tu tại làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Hà Nội.
- Tổ chức thành công các hoạt động như Liên hoan ẩm thực truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới năm 2017, trưng bày các sản phẩm Dèng truyền thống của dân tộc Tà Ôi, Trình diễn nghề Đan lát thủ công và trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống, tái hiện Lễ hội mừng nhà mới của đồng bào Tà Ôi, Trình diễn tắm suối và nét sinh hoạt truyền thống dưới của đồng bào Pa Cô, Biểu diễn chương trình nghệ thuật dân gian, Tổ chức hoạt động Thể thao truyền thống... trong dịp Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XII, góp phần giới thiệu vốn văn hóa đặc sắc, sự phong phú độc đáo của văn hóa các dân tộc miền núi trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
- Tái hiện thành công Lễ hội A Ta Pa Nuôn, lễ A Pier của người Pa Cô, Lễ hội mừng nhà mới “ Moot Đuung Tum Mee” của người Cơ Tu tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
- Chỉ đạo làng A Năm xã Hồng Vân, huyện A Lưới tổ chức thành công Lễ hội A Riêu Car lần thứ II diễn ra trong tháng 8/2017.
- Phối hợp mở 03 lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc Tà Ôi tại xã A Roàng, Cơ Tu tại xã Hương Lâm và Pa Cô tại xã Hồng Thủy.
- Tuyên truyền, hướng dẫn các làng, xã trên địa bàn huyện tổ chức lễ hội A Riêu Piing, A Riêu A Da, lễ cưới theo đúng truyền thống và đúng theo quy định, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3. Về văn hóa ẩm thực
Văn hóa ẩm thực hiện nay đang được người dân bảo tồn và phát huy trong các bữa ăn hàng ngày và trong các dịp lễ hội lớn của địa phương, tết như lễ hội A Riêu A Da, A Riêu Piing... Các món ăn truyền thống được chú trọng trong khâu chế biến, đúng theo bản sắc riêng, vừa tiếp đãi khách quý, vừa thể hiện nét văn hóa đặc sắc trong ẩm thực của vùng cao A Lưới và chú trọng tới việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thức ăn có xôi hông, xôi thui ống, cơm ống/lam, cơm độn sắn… Bà con thường dùng nếp than để chế biến món này, đây là loại nếp hạt nhỏ, dẻo, mềm…
Các món chế biến từ thịt như thịt nướng tươi, nướng khô, nướng trực tiếp hay nướng bằng ống tre, xào, lạp thịt, từ thịt bản, dê núi…
Các món ăn được chế biến từ cá, như cá gói lá rừng vùi tro, cá nướng, lạp cá, gỏi cá, cá nướng ống, mắm cá…
Ngoài ra, các món ăn được chế biến từ các loại côn trùng: mối, con dế, kiến chua, kiến thơm, kiến đỏ, nhộng ong… cũng thường hiện diện trong bữa ăn hàng ngày hay trong các dịp tết, lễ, cưới, hội làng.
Bên cạnh đó còn có các loại thức uống như: Ariêu Tà vạc (rượu Tà vạc), Ariêu Pâr đin (rượu Tà đin), rượu mía, rượu mây… Các loại rượu này có sự khác nhau về nồng độ, hương vị nhưng đều góp mặt trong bữa ăn thường ngày ở các gia đình cũng như các hội lớn của làng, bản...
Các giống lúa đặc sản như: Ra dư, Ku chah, A ham được người dân chú trọng nhân rộng diện tích. Đặc biệt đã tổ chức thành công Liên hoan ẩm thực các dân tộc thiểu số huyện A Lưới năm 2017. Chỉ đạo xã Hồng Kim, Bắc Sơn tổ chức thành công hội thi Ẩm thực, tháng 4/2017.
4. Về việc cưới, việc tang
Trong lễ cưới: đã dần ngăn chặn và đẩy lùi một số hủ tục lạc hậu như việc thách cưới (đòi lễ vật cưới) tiền, vàng, bạc, bò, heo, Dèng…tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện dần dần xóa bỏ. Bên cạnh đó đã tiến hành tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân tổ chức lễ cưới, lễ hội và các sinh hoạt văn hóa - xã hội khác văn minh, lành mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm phù hợp với truyền thống văn hóa của địa phương, dân tộc. Lồng ghép vào các phong trào như “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “gia đình văn hóa”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “xây dựng nông thôn mới”...
Trong việc tang: tình trạng tổ chức tang lễ kéo dài nhiều ngày, ăn uống linh đình đã giảm bớt đáng kể. Làng, thôn, tổ dân phố đã quan tâm phối hợp với gia đình thành lập ban tang lễ, giúp gia đình tang chủ tổ chức tang lễ theo nếp sống văn minh và phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc. đặc biệt là đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.