Những kết quả đạt được trong thời gian qua:
1. Công tác lãnh chỉ đạo:
UBND huyện xác định rõ việc phát triển TDTT là yếu tố quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, tăng cường thể lực, tầm vóc từng bước nâng cao chất lượng giống nòi, tăng tuổi thọ, giáo dục đạo đức, tăng cường tình đoàn kết, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Trong nhiều năm qua, UBND huyện đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm phát triển phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn huyện. Từ những chủ trương, chính sách chung của Trung ương, của tỉnh, huyện đã cụ thể hóa thành những chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện. Trong đó, cụ thể là Đề án “Phát triển văn hóa, thể dục thể thao quần chúng huyện A Lưới giai đoạn 2014-2020”.
Các ngành, các cấp đã rất quan tâm đến sự nghiệp TDTT, tăng cường chỉ đạo phát triển TDTT ở các địa phương, các đơn vị; đưa các chỉ tiêu phát triển TDTT vào nghị quyết, vào chương trình thi đua hàng năm của cơ quan, đơn vị.
2. Công tác tuyên truyền
Công tác tuyên truyền được mở rộng đến nhiều đối tượng với nhiều hình thức như: Qua phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội nghị, biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt các câu lạc bộ gia đình, sinh hoạt đảng, đoàn thể, tại các buổi Lễ đăng ký và đón nhận đơn vị văn hóa... góp phần quảng bá công tác phát triển TDTT trên địa bàn huyện.
Qua đó, người dân nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của TDTT đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống nên rất đồng tình với chủ trương phát triển mạnh mẽ TDTT của Đảng và Nhà nước ta. Phát huy kết quả đạt được từ cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, thấm nhuần tư tưởng, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc luyện tập TDTT thường xuyên đã trở thành thói quen của phần lớn người dân.
3. Kết quả thực hiện:
Hoạt động TDTT quần chúng trên địa huyện ngày càng phát triển, lôi cuốn sự nhiệt tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Số người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt tỷ lệ 43,5%. Số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt 26,44%. Các điểm tập TDTT đơn giản có 169 điểm. Trong đó sân bóng đá có 39 sân, sân bóng chuyền có 93 sân, cầu lông có 37 sân. Toàn huyện có 37 câu lạc bộ (CLB) tập luyện TDTT.
Phong trào tập luyện TDTT trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có những tiến bộ vượt bậc; một số ngành đã thành lập các CLB TDTT như bóng đá, cầu lông tại cơ quan, đơn vị mình, tổ chức hoạt động rất có hiệu quả. Thể thao trong lực lượng vũ trang được duy trì thường xuyên. Hoạt động TDTT ở khu vực nông thôn được đẩy mạnh, tiêu biểu như phong trào thể thao tại các xã: A Roàng, A Đớt, A Ngo và thị trấn A Lưới… Thể thao trong đối tượng người cao tuổi được hưởng ứng tích cực, đến nay 21 xã, thị trấn đã thành lập được 21 CLB thể dục dưỡng sinh hoạt động có hiệu quả, là một sân chơi bổ ích cho hội người cao tuổi. Cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan đơn vị, nhân dân các xã, thị trấn thường xuyên giao lưu TDTT với nhau để học hỏi và tăng cường sự đoàn kết giữa các đơn vị.
Hàng năm, huyện tổ chức từ 06 đến 08 giải thi đấu truyền thống thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tham gia; qua đó nâng cao thể lực, đời sống tinh thần cho người dân, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội địa phương.
Năm 2017, Đại hội TDTT huyện A Lưới lần thứ VIII được tổ chức với 8 môn thi đấu, đến nay đã tổ chức thành công 04 môn thi đó là: Môn bóng đá nam/nữ, môn bóng chuyền nam, môn cầu lông và chạy việt dã. Chỉ đạo các 21 xã, thị trấn tổ chức Đại hội TDTT cấp xã.
Cũng trong năm 2017, Hội LHPN huyện tổ chức giải bóng chuyền nữ huyện A Lưới lần thứ nhất với sự tham gia của 21 đơn vị.
Tham gia thi đấu môn bóng chuyền, bắn nỏ, đẩy, gậy, kéo co trong chương trình “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi” tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XI, XII đạt thành tích cao.
Phối hợp tổ chức thành công Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và Giải Việt dã toàn tỉnh năm 2017.
4. Kết quả thực hiện chương trình giáo dục thể chất trong trường học trên địa bàn:
Các trường học thực hiện đúng chương trình giáo dục thể chất được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, nghiêm túc thực hiện chương trình giáo dục thể chất nội khoá và tham gia các hoạt động thể dục thể thao ngoại khoá nhằm mục tiêu phát triển toàn diện cho thế hệ trẻ:
- Số trường học đảm bảo giáo dục thể chất đạt 100%.
- Số trường thực hiện tập luyện TDTT ngoại khóa đạt 85%.
Tuy nhiên, việc quy hoạch sân bãi, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục thể chất trong nhà trường còn nhiều hạn chế; mặt khác các em học sinh nặng về học văn hoá, ít tham gia các hoạt động thể thao. Nhìn chung, huyện A Lưới vẫn thiếu các địa điểm để thanh thiếu niên vui chơi và rèn luyện thể chất.
5. Việc khôi phục và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian:
Các môn thể thao truyền thống của dân tộc, các trò chơi dân gian tiếp tục được khai thác và đưa vào tổ chức trong các lễ hội của địa phương.
Tổ chức thi đấu các môn Thể thao truyền thống như: Bắn nỏ, đi Cà kheo, kéo co, Leo cột … trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới.
6. Một số loại hình thể thao mới:
Ngoài các môn thể thao đã phổ biến như cầu lông, bóng đá, bóng chuyền… Đến nay, trên địa bàn huyện phát triển một số loại hình thể thao mới như thể dục thể hình tại các phòng tập gym, tập luyện võ thuật tại các CLB.
7. Công tác xã hội hóa TDTT:
Công tác xã hội hóa TDTT rất được quan tâm chú trọng. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT của huyện nhà, Công ty TNHH xây dựng Xuân Hồng đã đầu tư xây dựng 02 sân bóng đá cỏ nhân tạo.
Năm 2017, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ trang thiết bị cho trẻ em từ chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã bố trí lắp đặt tại Quảng trường huyện để phục vụ vui chơi, giải trí cho trẻ em. Sau gần 1 năm đưa vào sử dụng đã thu hút trên 5 nghìn lượt trẻ em từ thị trấn A Lưới đến các xã vùng xã hưởng thụ, trở thành điểm vui chơi hữu ích. Quảng trường tập trung các thiết chế TDTT phục vụ nhân dân về vui chơi giải trí và tập luyện. Ngoài ra, Trung tâm TDTT KV3 Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ cho huyện các dụng cụ TDTT.
8. Các giải đấu đã tham dự, thành tích đạt được:
Năm 2011, tham gia Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX tại huyện Nam Đông, đạt thành tích: Giải nhất môn bóng chuyền; Giải nhất đồng đội nam và giải nhất đồng đội nữ môn bắn nỏ. Năm 2013, tham gia “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ X năm 2013”, đạt thành tích: Giải nhất, nhì môn bóng chuyền (xã A Roàng và Hồng Thái); Giải nhất đồng đội nam, nữ và nhiều giải cá nhân khác trong môn bắn nỏ; Các giải tập thể và cá nhân trong môn kéo co và đẩy gậy.
Năm 2014, tham gia thi đấu việt dã, bóng chuyền và Karatedo trong chương trình Đại hội TDTT tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII. Kết quả đạt được 02 huy chương vàng, 03 huy chương bạc và 01 huy chương đồng ở môn Karatedo.
Năm 2015, tham gia thi đấu bóng chuyền và bắn nỏ trong “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi” tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XI năm 2015 tổ chức tại huyện Nam Đông. Kết quả được giải nhất môn bóng chuyền; giải nhất, nhì, ba cá nhân nam và giải nhất, nhì cá nhân nữ, giải nhất đồng đội nam/ nữ môn bắn nỏ.
Năm 2017, Đoàn VĐV của huyện tham gia giải Cầu lông các câu lạc bộ tỉnh Thừa Thiên Huế mở rộng tranh cúp ẩm thực Trần lần thứ I đã đạt huy chương đồng đội nam nữ ở độ tuổi nhóm 4; Đoàn VĐV Karatedo tham gia thi đấu giải các Câu lạc bộ Karatedo tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 02 huy chương vàng, 02 huy chương bạc và 03 huy chương đồng.
Đạt giải nhì đồng đội nữ tại Giải việt dã truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017.
Tham gia Ngày hội Văn hóa, thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XII đạt thành tích cao:
* Môn bóng chuyền: Giải nhất xã A Đớt; Giải nhì xã Hồng Thượng
* Môn bóng đá: Giải nhì xã Hồng Quảng; Giải ba Thị trấn A Lưới; Giải phong cách xã Hồng Thái.
* Môn đẩy gậy: Đạt thành tích cao ở các hạng cân.
* Môn Bắn nỏ:
- Giải nhất, nhì, ba cá nhân nữ; Giải Nhất, ba cá nhân nam.
- Giải nhất, nhì, ba đồng đội nữ; Giải nhất đồng đội nam.