Những năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định đầu tư nhiều chương trình, dự án cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới gồm các Chương trình: 135, 33, 160, 167, 755… Chủ yếu hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, xóa nhà tạm, tái định canh định cư, hỗ trợ phát triển sản xuất … Đây là điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các hoạt động về thương mại, khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, kinh tế xã hội phát triển đã có những tác động tích cực đến tư duy, nhận thức và nỗ lực của người dân trong việc tăng cường phát triển kinh tế hộ gia đình.
Chính sách vay vốn theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg được ban hành vào cuối năm 2012, bắt đầu tổ chức triển khai thực hiện trong năm 2013, chính thức được cấp vốn, cho vay vốn vào năm 2014 và tiếp tục được thực hiện đến năm 2016. Đối tượng được vay vốn là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn
Đầu năm 2014 địa bàn thụ hưởng chính sách được xác định theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đến tháng 6.2014 địa bàn thụ hưởng chính sách được xác định theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2014 bao gồm 16 xã trên địa bàn huyện (ngoại trừ các đơn vị: Thị trấn, A Ngo, Sơn Thủy, Phú Vinh và Hương Lâm).
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Dân tộc đã kịp thời tổ chức Hội nghị mời Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tham dự để phổ biến các nội dung tại Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg, Thông tư 02/2013/TT-UBDT, đồng thời hướng dẫn rà soát danh sách hộ thuộc diện được thụ hưởng chính sách và thực hiện đăng ký nhu cầu vay vốn. Hàng năm, sau khi có Quyết định phân bổ vốn vay, Phòng Dân tộc hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức họp bình xét hộ được vay vốn. Trên cơ sở nhu cầu của các địa phương, Phòng Dân tộc tham mưu Ủy ban nhân dân huyện báo cáo tổng hợp nhu cầu vay vốn toàn huyện gửi Ban Dân tộc Tỉnh theo quy định.
Công tác giải ngân vốn vay do Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các cấp hội ủy thác trực tiếp thực hiện. Thủ tục vay vốn đơn giản, địa điểm, thời gian giải ngân, thu hồi lãi, gốc được cố định hàng tháng, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình giao dịch với Ngân hàng.
Từ khi triển khai đến nay, đã xây dựng vốn vay theo kế hoạch là 7.038 triệu đồng. Trong đó, năm 2014: 2.137 triệu đồng; năm 2015: 3.501 triệu đồng; năm 2016: 1.400 triệu đồng. Vốn được phê duyệt: 6.277 triệu đồng/799 hộ, đạt 89% vốn kế hoạch. Trong đó: năm 2014: 2.137 triệu đồng/281 hộ; năm 2015: 3.377 triệu đồng/422 hộ; năm 2016: 768 triệu đồng/96 hộ. Vốn giải ngân: 4.340 triệu đồng/550 hộ, đạt 69% vốn phê duyệt. Trong đó, năm 2014: 1.888 triệu đồng/342 hộ; năm 2015: 1.396 triệu đồng/175 hộ; năm 2016: 1.056 triệu đồng/132 hộ. Các mô hình hộ dân đầu tư chủ yếu là trồng rừng kinh tế, chăn nuôi heo, bò, dê, cá... Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay như ở xã Nhâm Hồng Quảng, Hương Nguyên, Hồng Thủy ...
Có thể nói, mặc dù vốn vay không lớn nhưng chính sách vay vốn này đã tạo điều kiện tốt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có vốn phát triển sản xuất. Nâng cao khả năng quản lý, sử dụng vốn, ý thức tiết kiệm trong dân và từng bước hình thành phương pháp xây dựng kế hoạch, phương hướng, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Việc cho vay với lãi suất thấp là một hình thức giảm dần sự hỗ trợ (gần như là cho không), nhờ đó đã có tác động giúp tăng ý thức tự giác, tự lực, tránh sự trông chờ, ỷ lại, tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong quá trình giám sát việc thực hiện chính sách, Ban Dân tộc, HĐND huyện đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cho các cơ quan, đơn vị và địa phương được giám sát: chẳng hạn như: Mức vay vốn theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg thấp (8 triệu đồng/hộ), không đủ để đầu tư sản xuất, kinh doanh nên một số hộ dân không muốn vay vốn; Đa số người dân đã được vay đủ mức vốn tối đa từ các Chương trình khác nên không thể vay thêm vốn theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg, đây là nguyên nhân chính làm cho tỷ lệ giải ngân vốn vay thấp (69%). Công tác bình xét, rà soát hộ vay vốn chưa được chặt chẽ dẫn đến trùng lặp hộ vay vốn giữa các Chương trình; Công tác phổ biến, tuyên truyền về nội dung, mục đích của chính sách vay vốn cho người dân chưa được đẩy mạnh; công tác quản lý nguồn vốn vay, theo dõi quá trình đầu tư, sử dụng vốn và đánh giá hiệu quả kinh tế tại từng hộ gia đình chưa được quan tâm.. .
Một buổi giám sát của Ban Dân tộc, HĐND huyện
Tại buổi làm việc với phòng Dân tộc, ông Hồ Đàm Giang - Trưởng Ban Dân tộc đã đề nghị phòng có trách nhiệm tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, triển khai, thực hiện chính sách tốt hơn trong thời gian tới. Cấp ủy, chính quyền địa phương, Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở tăng cường thực hiện công tác phổ biến, tuyền truyền nội dung, mục tiêu cần đạt được của chính sách; vận động, hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay và đặc biệt là việc duy trì, tái đầu tư trong sản xuất. Chú trọng hơn công tác vận động tuyên truyền bà con thực hiện nếp sống văn minh, giảm dần những hủ tục ảnh hưởng không tốt đến đời sống và sản xuất. Cần xem nguồn vốn vay tại các hộ dân là một trong những nguồn lực phát triển kinh tế hộ gia đình; xem đây là một trong những giải pháp chủ yếu để giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn thoát nghèo. Xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đánh giá quá trình quản lý, sử dụng vốn và hiệu quả sản xuất tại từng hộ gia đình. Tăng cường lồng ghép với các nguồn lực khác trên địa bàn để tập trung đầu tư vào các hoạt động sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao…