Qua đợt khảo sát các mô hình nhà sinh hoạt cộng đồng trên toàn huyện A Lưới, chúng tôi nhận thấy những nét đặc trưng nổi bật như sau:
- Có thôn thì mô hình nhà sinh hoạt cộng đồng là nhà truyền thống từ kiến trúc đến nguyên vật liệu (tre, gỗ, nứa, lồ ô, tranh, lá cọ, lá mây…), có chạm trổ, điêu khắc những hình người, vật nuôi, cây cỏ hoa lá từ rừng, vườn nhà, cảnh sinh hoạt lao động….những hình ảnh này rất đẹp vừa thể hiện tính thẩm mĩ, vừa thể hiện tính văn hóa nghệ thuật dân gian. Điều này có thể thấy ở nhà sinh hoạt cộng đồng thôn A Hưa, Nhâm 2, A Bả (xã Nhâm), Sam (xã Đông Sơn), A Roàng 1, Aka, Ka Lô (xã A Roàng), Ka Vin (xã A Đớt), Tà Rá, Nghía (xã Hương Nguyên),…
- Có thôn khi xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng mới thì vẫn giữ nguyên mô hình nhà Rông truyền thống bên cạnh để vừa bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống vừa phát huy cái hiện đại như các thôn Sam (xã Đông Sơn), Nhâm 2 (xã Nhâm), A So 1 (xã Hương Lâm),…
Theo các nhà nghiên cứu cho biết, nhà làng ngày xưa và nhà sinh hoạt cộng đồng ngày nay đều có ý nghĩa, vai trò và chức năng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của mỗi thành viên và cộng đồng tộc người đều rất thiêng liêng. Nó tượng trưng cho sức mạnh, hào khí của làng, là tâm điểm gắn bó mọi thành viên trong làng thành một khối đoàn kết thống nhất chống lại thiên tai địch họa, là nơi để mọi người con của dân tộc hướng về…Nhà làng còn là nơi các già làng trưởng bản tụ họp tranh thủ ý kiến của cộng đồng trong quá trình sản xuất, trong những tình huống khó khăn. Có thể nói, ngôi nhà làng có vị trí quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng.
Được dựng lên trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây ở các thôn, làng Tà ôi, Pacô, Cơtu, Kinh…nhà sinh hoạt cộng đồng lại mang đầy đủ chức năng của một thiết chế văn hóa trung tâm của thôn, làng. Nơi đây là không gian sinh hoạt văn hóa lễ nghi cộng đồng như lễ đâm trâu, diễn xướng lễ cầu mùa, cầu mưa thuận gió hòa, vui tế cổ truyền dân tộc, ngày lễ quốc khánh. Là nơi làm trường học, có thể là tổ chức các lớp phổ cập giáo dục, trung tâm học tập cộng đồng của xã. Là nơi trao đổi những kinh nghiệm về kiến thức lâm nghiệp, nông nghiệp…
Qua quá trình khảo sát, chúng tôi thấy quy mô xây dựng, không gian nhà sinh hoạt cộng đồng thật khang trang, thoáng đãng. Về mặt kiến trúc, đáp ứng được yêu cầu thẩm mĩ, hoa văn, họa tiết, kết cấu mái lợp, nóc nhà, đầu hồi, hàng hiên, cầu thang, nội thất bên trong….đều được người dân ủng hộ đồng tình. Và sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, nhà sinh hoạt cộng dồng được người dân trưng dụng có hiệu quả. Lượt người đến nhà sinh hoạt cộng đồng ngày càng đông, hình thức sinh hoạt phong phú, cụ thể.
Mỗi thôn, làng đều có kế hoạch riêng của mình trong tháng. Công việc của các tổ chức ban ngành đoàn thể thôn đều được niêm yết lịch làm việc ngay tại nhà sinh hoạt cộng đồng. Chẳng hạn ở nhà sinh hoạt cộng đồng thôn A Ro (xã A Đớt), trưởng thôn đã niêm yết lịch làm việc của các ban ngành đoàn thể thôn của các ngày trong tháng như sau:
Stt
|
Tổ chức
ban ngành đoàn thể
|
Giờ họp
|
Ngày trong tháng
|
Ghi chú
|
1
|
Hội Phụ nữ
|
13h30
|
07
|
Các ban ngành phải thực hiện đúng theo lịch, nếu ngành nào không thực hiện sẽ chịu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật nhà nước
|
2
|
Hội Nông dân
|
13h30
|
08
|
3
|
Hội Cựu chiến binh
|
13h30
|
05
|
4
|
Công an thôn
|
13h30
|
01
|
5
|
Thôn đội
|
13h30
|
02
|
6
|
Hội Người cao tuổi
|
13h30
|
06
|
7
|
Hội Thanh niên
|
14h00
|
26
|
8
|
Hội Chữ thập đỏ
|
14h00
|
23
|
9
|
Chi bộ
|
15h00
|
25
|
10
|
Họp toàn dân
|
15h00
|
30
|
Ở nhà sinh hoạt cộng đồng còn là nơi diễn ra các chương trình tập huấn nông nghiệp với các nội dung như chăm sóc cây, chọn giống cây, giống vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh, giá cả thị trường nông sản, thức ăn gia súc…nhiều biểu bảng về chất dinh dưỡng, phòng chống sốt rét, cúm H5N1, H1N1, dịch lở mồm long móng, bảo vệ môi trường…đều được trưởng thôn và các ban ngành treo khắp gian phòng của ngôi nhà nhằm mục đích tuyên truyền đến tận người dân để họ có thể tự phòng dịch.
Nhà sinh hoạt cộng đồng lại là nơi trưng bày các loại nhạc cụ của thôn, các đồ cúng, nơi troe những tấm bằng khen, giấy khen, bằng công nhận đơn vị văn hóa, cờ lưu niệm…của các ban ngành. Đặc biệt, chính giữa nhà sinh hoạt cộng đồng lại là nơi trang nghiêm thờ ảnh hoặc tượng Bác Hồ cùng cờ tổ quốc, cờ Đảng. Bước vào ngôi nhà cho chúng ta thấy được một không khí thiêng liêng với những câu khẩu hiệu, những bức ảnh sinh hoạt cộng đồng làng, những thành tích mà làng, thôn đó đã đạt được trong thời gian dài.
Đến với nhà văn hóa thôn Ka Vin (xã A Đớt) lại là không gian thích hợp cho các chị em phụ nữ Hợp tác xã dệt dzèng xã A Đớt. Trong những ngày cuối tuần, cuối tháng hoặc khi có khách đến tham quan thì những chị em nơi đây lại trình diễn nghề dệt dzèng ngay dưới tầng trệt của ngôi nhà. Còn phía trên nhà sinh hoạt cộng đồng, lãnh đạo thôn trưng bày các loại hình nhạc cụ, bàn ghế hội họp, tủ đựng hồ sơ của các ban ngành, tivi và các dụng cụ thiết yếu khác. Nơi đây còn là chỗ để niêm yết các danh sách công khai những hộ chưa nộp các khoản đóng góp như Quỹ quốc phòng, Quỹ bảo vệ nhà Rông, Quỹ vì người nghèo, Quỹ người tàn tật, Vì 1 triệu áo ấm. Tất cả các nhà sinh hoạt cộng đồng ở A Lưới đều có sân bóng chuyền, sân bóng đá, dụng cụ báo hiệu truyền tin (kẻng, loa), cột cờ, cổng nhà Rông.
Như vậy, vai trò của nhà sinh hoạt cộng đồng ở A Lưới đã phát huy được tác dụng của nó. Là nơi thiêng liêng treo cờ Đảng, cờ tổ quốc, ảnh Bác. Trong những ngày gần đây, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn lại là nơi niêm yết danh sách cử tri, danh sách Đại biểu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân các cấp, đại biểu Quốc hội, nơi rực rỡ cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ cùng với tranh cổ động ngày bầu cử.
Bên cạnh Bưu điện văn hóa xã, bia tưởng niệm liệt sĩ, cơ quan UBND xã, trường học, Trạm y tế thì nhà sinh hoạt cộng đồng điểm tô thêm những thiết chế văn hóa ở cơ sở, là một thiết chế văn hóa của thôn, làng vậy nên cần tiếp tục phát huy để phấn đấu xây dựng một cuộc sống văn minh giàu đẹp có văn hóa.