Xác định nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay nên công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, đảng viên và nhân dân được chú trọng thực hiện với nhiều hình thức tuyên truyền như: tổ chức hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm; tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi bộ; sinh hoạt thường kỳ của Hội Khuyến học các cấp; trên truyền hình và qua hệ thống phát thanh; Trạm Truyền thanh các xã, cụm dân cư; các hoạt động kêu gọi các tổ chức, cá nhân, dòng họ tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài; tuyên truyền về kết quả học sinh giỏi, học sinh tài năng và các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập… Nhờ vậy, nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các ban ngành, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã có sự chuyển biến tích cực.
Công tác xã hội hóa giáo dục luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, Hội khuyến học quan tâm, luôn vận động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài huyện, hội đồng hương, các cá nhân là người con quê hương và các tổ chức khác… trong việc tạo nguồn quỹ khuyến học để biểu dương những tấm gương vượt khó và có thành tích cao trong học tập. Đồng thời, hỗ trợ các hoạt động khuyến học trong trường học gắn thực hiện Cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến nay, A lưới đã có 21/21 Hội khuyến học xã, thị trấn bao gồm 195 chi hội với tổng số 5.000 hội viên. Các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động đa dạng, phong phú, thiết thực. Thông qua các hoạt động cụ thể, nhận thức của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được coi trọng. Toàn huyện có 21/21 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục THCS, trong đó có 03 xã đạt mức 3, có 10 xã, thị trấn đạt mức 2 và 8 xã đạt mức 1. Hiện nay, toàn huyện đã có 21/21 xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng; 21/21 xã, thị trấn hoàn thành công tác xóa mù chữ, trong đó có 9 xã, 01 thị trấn đạt xóa mù mức 2. Tính thời điểm 31/12/2016 số người trong độ tuổi 15 - 35 được xóa mừ chữ là 19.210/19.772 (tỷ lệ 97,16%); trong độ tuổi từ 15 - 60 là 29.110/30.810 (tỷ lệ 94,48%), trong đó: số người dân tộc được xóa mù 21.540 người. Đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa có sự quan tâm phối hợp của các lực lượng chiến sĩ các Đồn biên phòng (Nhâm, Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt, Đồn Biên phòng Hương Nguyên) đã góp phần rất lớn trong việc huy động và duy trì số lượng, chất lượng các lớp xoá mù chữ cũng như các lớp bổ túc.
Phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học đã được quan tâm đẩy mạnh và được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, vì thế, số gia đình đăng ký đạt danh hiệu gia đình hiếu học ở cơ sở, các đơn vị tăng nhanh trong thời gian qua. Đến nay, toàn huyện có 353 gia đình, 32 dòng họ, 54 cộng đồng, 49 đơn vị đạt danh hiệu gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị học tập. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (02/10/1996- 02/10/2016), Trung ương Hội khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen cho Trung tâm học tập cộng đồng xã Phú Vinh, huyện A Lưới.
Cùng với phong trào thi đua xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, công tác xã hội hoá công tác khuyến học, khuyến tài cũng đã đạt được những kết quả quan trọng. Các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp tích cực, chủ động tổ chức hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần xã hội hoá giáo dục; tích cực tham gia vận động học sinh đến trường, tặng quà, học bổng, quyên góp sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh, động viên kịp thời những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó.
Công tác xây dựng quỹ Hội được huy động từ nhiều nguồn dưới nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp, qua mỗi năm đã thu được kết quả khả quan, góp phần động viên các cháu học sinh nghèo, vượt khó học giỏi, các em thi đỗ Đại học, các em thi đỗ vào các trường phổ thông chất lượng cao của tỉnh . Tổng số quỹ đóng góp của xã hội trong 10 năm qua là 3.504.000.000 (Ba tỷ, năm trăm, lẻ bốn triệu đồng); hàng trăm xuất học bổng đến từ UBMTTQVN huyện; Liên đoàn Lao động huyện; Hội LH phụ nữ huyện; Đoàn TN CSHCM huyện; Hội khuyến học; chi nhánh Viettel tại A Lưới; đặc biệt là học bổng “Nguyễn Thị Định” (cho các em học sinh nghèo vượt khó với số tiền trên 80 triệu đồng )và cá nhân bà Nguyễn Thị Thanh Hương tại Huế (trao 315 chiếc xe đạp trị giá 378 triệu đồng), Văn phòng Chính Phủ...Đây là những hoạt động thiết thực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài của huyện trong thời gian qua.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao dân trí, hỗ trợ và khuyến khích phát triển tài năng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo... Với những kết quả, bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị, trong thời gian tới để thực hiện tốt các nhiệm vụ của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân của thị xã, nhất là tăng cường hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Qua đó góp phần tạo cơ hội và điều kiện cho người dân trong việc học tập và giúp mọi người nâng cao ý thức vươn lên trong học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời.
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội các cấp và Chỉ thị số 11- CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 22/4/2016 của Tỉnh ủy và phát huy truyền thống quê hương, huyện A Lưới đặt mục tiêu phấn đấu là một đơn vị tiêu biểu về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh. Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 33-CT/HU, ngày 15/5/2009 về việc đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập... nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mỗi người dân trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Hai là, tăng cường củng cố, xây dựng Hội khuyến học các cấp vững mạnh, hoạt động hiệu quả; lấy củng cố chi hội khuyến học ở các khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học; phối hợp với ngành giáo dục đào tạo, các ngành, các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đóng góp tích cực vào việc phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo và xây dựng "gia đình hiếu học", “dòng họ hiếu học".
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua khuyến học một cách toàn diện cả bề rộng lẫn chiều sâu; gắn công tác khuyến học, khuyến tài với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, với phong trào xóa đói, giảm nghèo làm kinh tế giỏi, làm giàu chính đáng, xây dựng nông thôn mới, đo thị văn minh và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Bốn là, tăng cường vận động xây dựng và quản lý có hiệu quả quỹ khuyến học, khuyến tài mở rộng hình thức học bổng khuyến học ở từng gia đình, dòng họ, thôn bản, cơ quan, đơn vị. Tích cực huy động sự ủng hộ của các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp ủng hộ cho quỹ khuyến học, khuyến tài nhằm giúp học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, khuyến khích học sinh, sinh viên học giỏi trên các lĩnh vực, động viên khen thưởng học sinh có nhiều thành tích trong học tập; tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần xã hội hóa giáo dục.
Một số hình ảnh hoạt động