Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Nghệ thuật "Tắm tiên" cùng nét sinh hoạt truyền thống dưới suối của dân tộc Pa Cô
Ngày cập nhật 05/05/2017

A Nôr không chỉ là điểm du lịch sinh thái có giá trị lớn về kinh tế mà còn là mạch nguồn của các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào sinh sống ở nơi đây, đặc biệt phải kể đến nét đẹp “tắm tiên” của các thiếu nữ Pa Cô. Tắm tiên là một nét văn hóa luôn gắn liền với cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên dãy Trường Sơn nói chung và đồng bào dân tộc Pa Cô nói riêng. Việc tắm như một nét đẹp văn hóa hết sức thánh thiện, tẩy uế bụi trần. Nghệ thuật “Tắm tiên" cùng nét sinh hoạt tuyền thống dưới suối của dân tộc Pa cô sẽ được tổ chức tái hiện trong dịp Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch các dân tộc Miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần XII, năm 2017, tại khu du lịch sinh thái ANôr Hồng Kim. Gồm các nghệ thuật sau:

Ta tụa A Nụa A Nooc tu đaq Xóo – Đơm cá dưới khe, suối

Từ xa xưa, người Phụ nữ Pa Cô đã ý thức được vai trò của mình trong gia đình, họ tần tảo, một nắng hai sương, họ biết cách cân đối thời gian để lo toan chăm sóc, cải thiện đời sống cho gia đình. Sau những giờ làm nương rẫy mệt nhọc, lại rủ nhau xuống suối bắt con cá, con tôm, con cua, hái rau rừng lo cho bữa ăn của gia đình được cơm ngon, canh ngọt. Và đây cũng là khoảng thời gian họ dành cho mình, để thư giãn, trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống, vun đắp tình bè bạn, xóm giềng đoàn kết hòa thuận. Với những dụng cụ thô sơ thân thuộc như A nuaq, A noc, A ram, â ruông, A bayh…đơn sơ là vậy, nhưng dụng cụ này âm thầm cùng người bạn chủ tìm bắt con cá, con tôm, con cua từ những dòng suối trong xanh để cải thiện bữa ăn ngon cho gia đình cũng như dành để tiếp đón khách quý vào làng.

Taq târ hoi, to a ruông – Chặn dòng bắt cá.

Chặn dòng bắt cá dưới sông, suối là một trong những nghệ thuật bắt cá của người Pa cô mang tính cộng đồng rất cao, già trẻ, gái trai đều được tham gia, mỗi người mỗi việc tùy theo sức mình. Thanh niên khỏe mạnh thì tìm vác đá to để chặn dòng, đào và chuyển đất để đổ đắp dòng, chị em phụ nữ đi lấy lá chuối khô để bịt kẽ đá. Khi dòng chặn đã cạn, họ cùng nhau bắt cá, số cá mọi người đánh bắt được tập trung một chỗ, cá to, cá nhỏ được trưởng làng phân chia đều cho những người tham gia bắt cá Târ hoi, đây là một hình thức thể hiện tính công bằng giữa cộng đồng tham gia hoạt động bắt cá tập thể.

Pâr lơ tor đaq xóo – các chàng trai cô gái vui đùa bên bờ suối.

Các chàng trai cô gái Pa Cô đang độ tuổi xuân thì đẹp nhất của đời người như hoa đỗ quyên rừng rực rỡ khoe sắc giữa đại ngàn bao la hùng vĩ, vào mỗi buổi chiều đẹp trời lại rủ nhau ra bờ suối trò chuyện, cất lên lời ca tiếng hát Têr a venh, Xiềng giao duyên truyền thống của người Pa Cô dành tặng cho nhau. Bên dòng suối A Nôr trong xanh mát rượi cùng khung cảnh thiên nhiên tuyệt mĩ là nơi mà họ trao gửi tình cảm yêu thương chân thành, trong sáng thuần khiết như chính dòng Thác A Nôr vậy.

Hoom đaq traq Plô – Các cô gái tắm tiên

* Gội đầu: Chiều về, sau giờ làm nương rẫy, khi ông mặt trời dần xuống đầu núi các cô gái Pa Cô lại í ới gọi nhau vào rừng hái các loại lá thảo dược trong rừng như cây  Âm Pel, Ca Vá, Âng Cring, Pâr Roal, quả Tu Loom, bưởi, lá cây Xả,… họ cùng nhau đun cho đến khi thảo dược trở thành màu đậm, hoặc  dùng các loại thảo dược có thể dùng ngay chỉ cần cạo vỏ, lấy đá đập nhuyễn vắt lấy nước gội trực tiếp… Loại nước gội đầu bằng thảo dược này rất đặc biệt ở chỗ là có thể trị được nấm da đầu, trị gàu,  gội vào rất sạch và mát, làm mượt tóc và còn có mùi thơm đặc trưng của các loại thảo dược của núi rừng. Đây được xem thứ nước gội truyền thống của đồng bào mà không phải ở đâu cũng có, được các cô gái truyền tai nhau bí quyết.

* Tắm tiên. Được đắm mình dưới làn nước trong xanh mát rượi, dưới ánh chiều vàng cùng với trang phục được vấn ngang ngực, các cô gái miền sơn cước vô tình để lộ ra bờ vai trần nõn nà trắng muốt, nhìn xa trông như những nàng tiên bên thác xinh tươi rạng rỡ, làm cho các chàng trai đắm chìm, ngẩn ngơ, thầm thương, trộm nhớ nhưng chỉ dám ngắm từ xa ẩn hiện.

* Trò tạt nước. Khi người đã mát mẻ, các cô gái lại cùng nhau chơi trò tạt nước vào mặt nhau cùng với tiếng cười giòn tan hòa cùng dòng thác hòa quyện vào nhau tạo nên âm thanh, nhạc điệu vừa hoang sơ mộc mạc vừa gợi chút dáng điệu thần tiên. Trò này thường chơi tốp 2 tốp 4, ai bỏ cuộc trước thì đồng nghĩa người đó thua cuộc.

* Trò ngụm nước. Các cô gái thường nắm tay nhau trước khi ngụm nước, ai ngụm được lâu hơn người đó chiến thắng.

* Nghệ thuật giặt trang phục. Các cô gái xa xưa không có xà phòng giặt như bây giờ, họ thường lấy vỏ cây Âm Pel làm xà phòng giặt và A Péi Ki Đo (lõi chuối rừng) làm nước tẩy. Cây Âm Pel sau khi đã cạo vứt đi lớp vỏ mỏng bề ngoài, người ta lột vỏ, sau đó dùng cục đá hoặc khúc gỗ để đập cho nhuyễn rồi vắt nước, họ thường dùng lá chuối rừng hoặc lá môn để đựng nước xà phòng truyền thống. Âm Pel  là một loại nước giặt rất đặc biệt dùng để giặt cho tất cả các loại vải dày và mỏng và cho một mùi thơm rất đặc trưng cho bộ trang phục thổ cẩm của các cô gái chàng trai miền sơn cước A Lưới thời xa xưa. A Pơiq Ki đo (lõi chuối rừng) được dùng làm thuốc tẩy rất hữu hiệu, người ta thường lấy lõi trong cùng của cây chuối rừng chà trực tiếp lên vết bẩn sau đó xả nước, thuốc tẩy từ lõi chuối rừng chỉ dùng cho những trang phục bẩn mà thôi.

Tắm không chỉ để làm mát cơ thể, gột tẩy đi những bụi bẩn mà đó còn là nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt đặc trưng, nét duyên trong lối sống, sinh hoạt thường ngày, nét đẹp tâm hồn của các cô gái, chàng trai A Lưới nói riêng, dân tộc thiểu số miền núi Thừa Thiên Huế nói chung. Mặc dù thiếu nữ Pa Cô thời hiện đại ngày nay không còn sử dụng những nguyên liệu tắm, gội, giặt tinh túy được lấy từ rừng như ngày xưa, nhưng nét văn hóa “Tắm tiên” xa xưa của các bà các mẹ để lại, không xuồng xã, vồ vập mà thể hiện sự tinh tế, nhẹ nhàng, kín đáo, thẹn thùng giữa cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mĩ của đại ngàn Trường sơn vẫn còn hiện hữu trong kho tàng văn hóa, trong đời sống thường nhật của người Pa cô ngày nay. Các trò chơi dân gian dưới nước vẫn được giữ gìn, các loại thảo dược truyền thống, nghệ thuật gội đầu, nghệ thuật giặt từ thời  vẫn được lưu truyền để góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của vùng cao A Lưới, Miền tây Thừa Thiên Huế.

Ta Dưr Tư
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.256.473
Truy câp hiện tại 12.948