Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Giới thiệu khái quát vài nét về dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc Tà ôi, Pa cô, Cơ tu, Pa hi, Vân kiều huyện A Lươi, tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 28/03/2017

Vùng cao A Lưới có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống quây quần bên nhau, bên dãy Trường sơn hùng vĩ, dưới những thũng lũng A So, A Lưới, A Cuồn hiền hòa. 5 anh em tựa 5 bông hoa rực rỡ, mỗi bông mỗi màu sắc riêng có, năm màu sắc hòa quyện đã tạo nên một rừng hoa tỏa hương thơm ngát, lung linh đa sắc màu. Những sắc màu ấy hiện hữu rõ nét ở trong kho tàng văn hóa phi vật thể dân ca, dân nhạc, dân vũ. Trân trọng giới thiệu vài nét khái quát về dân ca, dân nhạc, dân vũ của 5 dân tộc anh em Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hi, Vân Kiều của vùng cao A Lưới, Thừa Thiên Huế.

1. DÂN CA

Ru ycon. Cũng như bao dân tộc anh em khác trên đất nước Việt Nam, hát ru của dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hi, Vân Kiều được sử dụng theo ngôn ngữ riêng của từng dân tộc, được mọi giới mọi lứa tuổi sử dụng để ru con, ru cháu, ru em. Dân ca ru thể  hiện tình máu mủ ruột thịt, dỗ dành khi đứa trẻ khóc đòi, đưa trẻ đi vào giấc ngủ ngon lành. Cầu mong đứa trẻ ngoan ngoãn, lớn lên thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Ân to’ch - Kâr  lơiq: Đối với người Tà ôi, đây là thể loại dân ca dùng để nói lý, đối đáp giữa 02 người hoặc của một nhóm người, thường xuất hiện trong các dịp lễ hội để giải quyết sự việc mâu thuẫn giữa gia đình, láng giềng. Sau khi giải hòa sự việc, họ lại hát giai điệu Kâr lơiq để chúc mừng thành công. Thể loại dân ca này chỉ dành cho nam giới sử dụng.

Ni nơơi: Ni nơơi là điệu hát kể đặc sắc của dân tộc Tà ôi, thường xuất hiện ở các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, như một lời dẫn dắt cho một câu chuyện để làm tăng thêm sự hấp dẫn, truyền cảm, nhằm thu hút sự chú ý của người nghe.

Câl tieel: Nguồn gốc của làn điệu dân ca này là của bộ tộc Lào, thuộc nhóm Krieeng, Lào Thưng sống ở vùng Trung du miền núi, được du nhập vào một số làng xã của dân tộc Tà ôi, đến nay nó được xem là một nét văn hóa mang tính đặc trưng riêng biệt, được các nghệ nhân xa xưa khai triển theo thổ ngữ của từng làng. Cân tiel được gìn giữ và phát huy trong đời sống sinh hoạt văn hóa cồng đồng. Đây là thể loại dân ca độc đáo của người Tà ôi.

Xiềng: Là thể loại dân ca chỉ có ở người Pa cô dành cho lứa tuổi nam thanh nữ tú sử dụng đối đáp, giao duyên, trong các dịp hội tụ vui chơi thường ngày. Lời lẽ nói lên nét đẹp tình yêu trong sáng thủa ban đầu. Đôi trai gái gặp nhau, họ tìm hiểu và đi đến tình yêu đích thực. Với giai điệu nhẹ nhàng, lời lẽ chọc gẹo đôi khi tinh nghịch, nhưng đậm chất trữ tình, trong sáng và toát lên sự độc đáo riêng biệt của dân ca Xiềng.

Dân ca Cha chấp: Cha chấp là thể loại dân ca đặc trưng tiêu biểu nhất của dân tộc Pa cô chỉ dành cho phái nam sử dụng. Đứng trước phong cảnh đẹp của thiên nhiên, làng bản, cô gái ngang qua, lời cha chấp lại được cất lên để ca ngợi vẻ đẹp ấy.

Têr A Veenh: Têr a venh (điệu con ve) đây là thể loại dân ca chủ yếu dành cho nam nữ đang tuổi yêu đương. Têr avenh không chỉ dùng để đối đáp vào những đêm trăng sáng đẹp trời mà còn hát một mình than thở số phận cực nhọc buốn tủi của người con gái để chia sẻ cùng con ve, dòng sông, con suối, núi rừng.

Kâr lơi: Ở dân tộc Pa cô, Kâr lơơi là thể loại dân ca được sử dụng trong dịp lễ cưới, hỏi, mừng  nhà  mới. Lời lẽ  thể hiện gắn kết tình thông gia cũng như tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt. Khi giao mâm cỗ đãi khách thể hiện sự niềm nở, khiêm tốn và quý trọng.

Nha Nhim. Ở dân tộc Cơ tu, Nha nhim có 2 loại, 1 loại chỉ dành cho nữ giới sử dụng khi lên rừng suống suối một mình để giãi bày nỗi niềm tâm sự. 1 loại thường dành để đôi nam nữ đối đáp…

Kâr ô: Đây là thể loại dân ca độc đáo của người Cơ tu, chỉ dành cho nam giới có tuổi có vị thế trong gia đình, làng bản sử dụng. Dân ca này chỉ xuất hiện trong dịp cưới hỏi, thông qua Kâr ô hai bên thông gia đối đáp để gửi gắm tình cảm, gắn chặt tình thông gia cùng nhau vun đắp đôi trẻ hạnh phúc bền lâu.

2. DÂN NHẠC:

Trống: Đây là loại nhạc cụ chủ đạo trong dàn nhạc truyền thống của dân tộc Tà  ôi, Pa cô, Cơtu, Pa hi. Trống được sử dụng trong các dịp lễ hội, đám cưới và đám tang.

Chiêng: (Thanh la) Chiêng là loại nhạc cụ chỉ dành cho nam giới sử dụng và thường xuất hiện vào các dịp lễ hội lớn của dân tộc.  

Cồng: Trước đây Cồng chủ yếu để trưng bày tại nhà như vật báu thể hiện sự giàu sang phú quý của gia đình. Ngày nay nó sử dụng để đánh đệm trong các dịp biểu diễn dàn nhạc dân tộc.

Khèn: Khèn là loại nhạc cụ phổ biến của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới,được sử dụng thường ngày,đặc biệt trong dịp lễ hội. Khèn là loại nhạc cụ chủ đạo thổi đệm các thể loại dân ca, dân vũ trong các buổi liên hoan văn nghệ dân gian.

Đool âl loh: Đây là loại sáo dọc thường sử dụng mỗi khi lên rừng đơm chim, loại sáo này dùng để giả tiếng chim, dụ đàn chim bay về để đơm bắt dễ dàng hơn.

Ân toong: Đây là nhạc cụ độc đáo của người Tà ôi, được làm từ một loại gỗ nhẹ gồm có 3 thanh. Trước đây, Ân toong thường đặt ở trên chòi canh rẫy để xua đuổi lũ khỉ tới phá nương ngô. Ngày nay nhạc cụ này thường sử dụng trong các buổi giao lưu văn nghệ dân gian.

A Bel: Là loại nhạc cụ dạng nhị thường sử dụng khi ở một mình, để giãi bày nỗi niềm riêng tư.

Kâr tool: Là loại nhạc cụ dạng Thanh la, nhưng điều khác biệt ở chỗ, nếu thanh la thường đánh ở mặt ngoài với nhiều giai điệu thì Kâr tool lại đánh ở mặt trong và chỉ đánh một giai điệu duy nhất. Nhạc cụ này chỉ có ở người Tà ôi và Cơ tu.

3. DÂN VŨ:

Ri răm: Ri răm là vũ điệu truyền thống của người Tà ôi. Đây là vũ điệu thường xuất hiện trong các dịp lễ hội đâm trâu. Ri răm để cầu xin các vị thần che chở cho con cháu làng bản sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống luôn tốt đẹp. Vũ điệu này mọi giới mọi lứa tuổi đều có thể tham gia.

Poon, ẹo: Đây là vũ điệu chr dành cho thanh niên trai tráng biểu diễn, với tính chất hồn nhiên, mạnh mẽ. Vũ điệu này thường xuất hiện trong các dịp lễ hội, đám cưới.

Âr dooc: Âr dooc là vũ điệu độc đáo riêng có của dân tộc Pa cô, vũ điệu này thường xuất hiện trong dịp lễ hội A Riêu Piing. Những vũ công tham gia vũ điệu này là những  vị khách không  mời mà đến, họ tập hợp từ các làng lân cận đến tham gia A Riêu Piing để chung vui ngày hội.

Pa dưưn Ku ru: Ở các dân tộc thiểu số A Lưới xa xưa, Ku ru được xem là cầu nối giữa các vị tổ tiên, các vị thần linh và con người đang sống. Vì vậy mỗi năm họ thường tổ chức Pa Dưưn  Ku ru một lần. Pa Dưưn Ku ru để tạ ơn Giàng Ku ru đã xua đuổi những điều xúi quẩy, xấu xa do con người gây nên, giúp con cháu rủ bỏ những cái tâm tội lỗi, giơ bẩn, cầu chúc cho Giàng Ku ru sức khoẻ dồi dào, càng thêm linh nghiệm để con cháu, làng bản có cái tâm trong sạch và làm những điều hay lẽ phải, cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Vũ điệu Pa Dưưn Ku ru linh thiêng này chỉ có ở dân tộc Pa cô.

Chật Ty riaq: Ở người Pa cô, Tà ôi, Cơ tu, Pa hi, Vân kiều, trước khi đâm trâu họ thường biểu diễn vũ điệu này. Đây là vũ điệu thường xuất hiện trong các lễ hội có nghi lễ đâm trâu. Chật Ty ri aq ( Đâm trâu) để tạ ơn thần sông, thần núi, thần làng … đã ban tặng cuộc sống ấm no, yên bình cho con cháu làng bản. Đồng thời qua vũ điệu này câu mong các vị thần tiếp tục che chở con cháu tai qua nạn khỏi, phong ba bão táp … ban tặng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống yên bình hơn.

Da dã: Da dã là vũ điệu truyền thống của dân tộc Cơ tu, thường diễn ra trong các dịp lễ hội, lễ cưới, mừng nhà mới … Da dã để tạ ơn thần linh đã ban tặng mùa màng bội thu, chúc mừng lứa đôi hạnh phúc, chủ nhà làm ăn phát đạt.

Ta Dưr Tư
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.266.000
Truy câp hiện tại 17.956