Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Theo dấu chân Nữ nghệ nhân
Ngày cập nhật 15/03/2017

Vừa qua nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia. Đây không chỉ là niềm tự hào của tộc người Tà Ôi nói riêng mà toàn thể các dân tộc sinh sống trên mảnh đất A Lưới nói chung. Để có được những thành quả này, ngoài chủ trương đúng đắn của Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về lĩnh vực văn hóa thì không thể không kể đến những người gắn bó, truyền dạy, tạo nên không gian nghề dệt Dèng vô cùng độc đáo và lý thú. Nhân ngày Quốc tế phụ nữ năm nay chúng tôi xin chuyển tới quý vị và các bạn hình ảnh 02 nghệ nhân như vậy tại huyện A Lưới.

Chắc không xa lạ gì với quý vị khi nhắc đến Nghệ nhân Mai Thị Hợp và Ra Pát Thị Nhàn, một người là Tổ trưởng và một người là Tổ phó Tổ hợp dệt Dèng thị trấn A Lưới, cùng sinh sống tại Tổ dân phố 4.

Hai người là đôi bạn cùng tiến, cùng sinh ra và lớn lên tại quê hương xã A Đớt, từ năm 12 tuổi 02 người đã học cách dệt dèng từ bà, từ mẹ, đến năm 15 tuổi đã dệt thông thạo từ vải thổ cẩm thông thường đến các họa tiết có cườm cầu kỳ. Sau khi lập gia đình 02 người phụ nữ lại có duyên cùng định cư tại thị trấn A Lưới và cùng đảm nhiệm vai trò duy trì, truyền dạy, vận động chị em có cùng sở trường dệt Dèng tại Tổ dệt Dèng thị trấn A Lưới. Hiện nay, có 15 hội viên dệt Dèng tại tổ, các hội viên này từ chỉ biết dệt Dèng đơn giản đến những tấm vải Dèng cầu kỳ, phức tạp nhưng rất tinh tế qua sự rèn luyện truyền đạt một cách sáng tạo của 02 nghệ nhân Mai Thị Hợp và Ra Pát Thị Nhàn. 

Hằng ngày, ngoài duy trì dệt cùng chị em trong tổ hợp dệt Dèng, 02 chị cần mẫn tranh thủ thời gian nhàn rỗi dệt tại nhà. Tìm tòi, sáng tạo ngày càng nhiều mẫu mã mới phù hợp với nhu cầu thị hiếu của thị trường. Nhiều tấm vải Dèng 02 chị dệt theo nhu cầu và sự sáng tạo của khách, tạo cho khách hàng thoải mái lựa chọn mẫu mã phù hợp với mình. Các sản phẩm thổ cẩm Dèng của các nghệ nhân dệt không chỉ được bán tại A Lưới mà còn được bán tại Quảng Nam, Quảng Trị, thành phố Huế và khách du lịch khắp mọi nơi.

Gắn bó hơn nửa đời người với nghề dệt Dèng, lúc đầu chỉ mang tính chất phục vụ nhu cầu mặc, phục vụ cưới xin hay phong tục tập quán đơn thuần, nhưng dần dần về sau hai chị đã biến thổ cẩm Dèng của mình thành hàng hóa để bán và trở lại phục vụ chính cuộc sống của mình, với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/ tháng. Hai chị không tự mãn với thành quả đó, với ao ước được nhiều người biết đến nghề dệt Dèng Tà Ôi, đến người phụ nữ Tà Ôi, bản sắc văn hóa độc đáo của người Tà Ôi, hai người phụ nữ này đã đầu tư không chỉ công sức mà ngay cả tiền bạc của mình tham gia các đợt triển lãm, hội chợ, lễ hội nhằm giới thiệu quảng bá nghề dệt Dèng và sản phẩm thổ cẩm Dèng đến khắp mọi miền Tổ quốc và ra nước ngoài.  

Đã không còn nhớ tham gia bao nhiêu sự kiện thế, nhưng từ năm 1997 đã bắt đầu tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm Dèng tại Hà Nội và từ đó đến nay mỗi năm vải Dèng và nghề dệt Dèng được tề tựu từ 01 đến 03 lần tại các sự kiện trong ngoài nước. Chị Hợp và chị Nhàn còn nhớ rõ năm 2004 tại Trung tâm Thương mại Quảng Võ Hà Nội, toàn các Công ty lớn tham gia triễn lãm, chỉ nghề dệt Dèng là tổ hợp nhỏ lẻ. Để chào hàng Ban Tổ chức bắt buộc tham gia quay hàng nhưng phải nộp 4,5 triệu đồng để được quay, với 02 nghệ nhân đây là số kinh phí quá lớn nhưng với mong muốn nghề dệt Dèng và sản phẩm Dèng được nhiều người biết đến hơn nữa, hai nghệ nhân đã góp tiền túi nộp Ban Tổ chức để được tham gia quay hàng, chào hàng. Qua các đợt được huyện nhà, tỉnh nhà trưng tập tham gia triển lãm, hội chợ…. 02 nghệ nhân cho biết để lại dấu ấn lớn nhất để từ đó đặt nền móng cho các sự kiện lớn sau đó là vào năm 2013, từ chất liệu thổ cẩm Dèng, nhà thiết kế Minh Hạnh đã sáng tạo nên trang phục cách tân đẹp mắt phù hợp với thời thượng do chính hoa hậu Ngọc Hân và các người mẫu khác biểu diễn trên sân khấu lớn và nghệ nhân Mai Thị Hợp và Ra pát Thị Nhàn biểu diễn dệt thổ cẩm Dèng trực tiếp trên sân khấu dưới sự chứng kiến của các quan khách cấp cao và hàng nghìn khán giả.

Sau sự kiện này, năm 2015 một lần nữa hai nghệ nhân được dệt thổ cẩm Dèng trên sâu khấu, cùng với sự tham gia biểu diễn của các em học sinh trường Dân tộc nội trú tỉnh. 

Từ sự kiện năm 2013, năm 2015, Chị Mai Thị Hợp cùng nhà thiết kế Minh Hạnh tiếp tục tham gia giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản, năm 2016 tham gia tại Pháp, tập huấn tại Thái Lan. Mới đây nhất, tham gia trưng bày gian hàng để đón Hoàng gia Nhật Bản thăm Huế. Bất kỳ sự kiện nào, Nghề dệt Dèng và thổ cẩm Dèng có mặt đều gây ấn tượng mạnh đối với du khách. Nghệ nhân Mai Thị Hợp cho biết: Nhiều vị khách chia sẻ “Đi nhiều nước, biết nhiều nghề dệt nhưng nghề dệt Dèng của người Tà ôi là ấn tượng nhất đối với họ vì có thể đính hạt cườm khi dệt, đây là kỹ thuật dệt khó để tạo nên thổ cẩm Dèng rất tinh tế, đẹp mắt, lôi cuốn người xem”.    

Nay, nghề dệt thổ cẩm Dèng của người Tà Ôi đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia không thể phủ nhận những người như chị Hợp, chị Nhàn, chị Tâm và nhiều chị em khác đã ngày đêm truyền lửa cho nghề dệt Dèng sống mãi với thời gian và phát huy giá trị của nó. Hiện 02 chị tiếp tục cống hiến và nuôi hy vọng, làm như thế nào nghề dệt thổ cẩm Dèng sẽ vang xa đến UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Có lẽ điều này là xa vời nhưng 02 nghệ nhân vẫn không hết hy vọng.

Chị Hợp năm nay đã 54 tuổi, chị Nhàn đã 49, cái tuổi sức khỏe đã không còn như trước nữa, ngồi dệt trong nhiều giờ đã không còn sức vì đau lưng và chân. Hai nghệ nhân mong muốn có những thế hệ kế cận tiếp bước giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, đến khi nào có thể hai nghệ nhân sẽ cống hiến cả đời mình nguyện là những người thầy truyền dạy nghề dệt cho thế hệ sau./. 

H. Hải - P. Tuyết
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.238.257
Truy câp hiện tại 1.370