Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hướng dẫn công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh cho vật nuôi trong mùa mưa rét
Ngày cập nhật 15/11/2016

Hiện nay, tình hình mưa bão, rét lạnh diễn biến hết sức phức tạp, để chủ động phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân, nhằm tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh cho vật nuôi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, đặc biệt là các đợt mưa rét kéo dài, rét đậm rét hại để thông tin kịp thời cho người chăn nuôi biết, chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

2. Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biên pháp sau:

- Di chuyển vật nuôi lên chỗ cao ráo không bị ngập lụt, kiểm tra gia cố mái lợp, che chắn chuồng trại bằng các loại vật liệu sẵn có (Bao xi măng, ny lon, bạt,...) không để mưa tạt, gió lùa, cần giữ ấm cho đàn vật nuôi. Kiểm tra cống rãnh thoát nước, nếu bị tắc phải khơi thông, không để nước mưa chảy ngược vào chuồng nuôi làm nền chuồng lầy lội ảnh hưởng đến sức khỏe đàn gia súc, gia cầm nói chung và trâu bò dê nói riêng.

- Khẩn trương di chuyển đàn trâu, bò ra khỏi khu vực núi cao. Trâu, bò thả rong về nuôi nhốt và có thể kiểm soát được trong những ngày mưa gió rét kéo dài. Có chế độ sưởi ấm phù hợp đảm bảo sức khỏe đàn gia súc, gia cầm.

- Dự trữ và cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống cho đàn gia súc, gia cầm. Thu cắt cỏ trồng, cỏ tự nhiên, lau lách, thân cây chuối,... để dự trữ và cung cấp thức ăn trong mùa mưa rét. Đối với trâu bò gầy yếu và trâu bò cày kéo, trâu bò có chửa phải có chế độ bồi dưỡng hợp lý như cho ăn thêm thức ăn tinh (cám, bột sắn,...), khoáng, vitamin,... Nhằm nâng cao sức đề kháng, giúp vật nuôi chống lại các tác động bất lợi của thời tiết hạn chế phát sinh dịch bệnh.

- Hướng dẫn người chăn nuôi trong những ngày mưa nhiều, rét đậm, rét hại xảy ra nên nuôi nhốt trâu, bò, dê tại chuồng.

- Thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi. Nước rút đến đâu thì vệ sinh ngay đến đó. Định kỳ, tuần 1 - 2 lần phun thuốc sát trùng tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi để tiêu diệt mầm bệnh bằng vôi bột hoặc các loại thuốc sát trùng như Benkocid, HanIodine,...

- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm theo quy định (Tụ huyết trùng trâu, bò, dê; Tam liên lợn; LMLM trâu, bò, dê, lợn; Cúm gia cầm, Niu cát xơn gà, Dịch tả vịt,…). Tiêm tẩy ký sinh trùng cho gia súc, gia cầm (Giun, Sán lá gan, Ký sinh trùng đường máu, ve, bét,...) để tăng sức đề kháng cho gia súc, gia cầm.

- Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, phát hiện sớm những bất thường như  uể oải, ủ rũ, kém ăn để cách ly kịp thời và có biện pháp điều trị thích hợp. Không được bán hoặc phát tán gia súc, gia cầm ốm, chết và chất thải của chúng ra môi trường xung quanh. Báo ngay với thú y xã, trưởng thôn và UBND xã, thị trấn hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Tai xanh ở lợn để được hướng dẫn phòng, chống.

3. Hiện tại ở xã Hương Phong đã xuất hiện dịch Lở mồm long móng trên đàn bò, trong điều kiện thời tiết mưa rét kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát tán làm lây lan ra diện rộng các vùng phụ cận. Vì vậy UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, nắm thông tin tại các hộ chăn nuôi, giám sát tình hình dịch bệnh, đói rét của gia súc, gia cầm và phản ánh Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Trạm Chăn nuôi và Thú y) để phối hợp phòng chống và có biện pháp xử lý kịp thời.

4. Tăng cường kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn huyện, phun tiêu độc khử trùng tại lò giết mổ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm…Chỉ đạo và đôn đốc công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra. Hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, những ổ dịch cũ, nơi nguy cơ dịch bệnh cao. Dự phòng đầy đủ các loại hóa chất tiêu độc khử trùng, vắc xin, thuốc kháng sinh điều trị và các loại thuốc bổ trợ khác để phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm hiệu quả khi dịch bệnh xảy ra.

Phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão cần được các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện thường xuyên, liên tục và sự quan tâm từ các cấp chính quyền để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và giảm bớt thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi góp phần chăn nuôi của huyện phát triển ổn định.

Hải Thúy - Phòng NNPTNT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.241.392
Truy câp hiện tại 3.384