Có chuyện kể rằng, ngày xưa, có một chàng thanh niên tên là Ta-tưi, người Tà-ôi. Chàng có trí thông minh và có sức mạnh. Thưở trước, người Tà-ôi chưa biết trồng trọt và nuôi trâu, nuôi dê. Thấy người làng cực khổ, chàng Ta-tưi đã tìm hiểu và dạy dân làng biết cách trồng cây lúa, cây sắn, biết cách nuôi con trâu, con dê. Nhờ đó, nhiều người trong làng có của ăn, của để. Làng ngày càng giày mạnh. Chàng có thể quật ngã được trâu và có thể vác cây gỗ to băng qua mấy quả núi. Chàng đã dùng sức mạnh của mình để giúp đỡ dân làng dựng nhà "đung - vên", có nghĩa là nhà chung của làng. Chàng Ta-tưi giành trọn cuộc đời để làm rất nhiều việc có ý nghĩa với dân làng. Khi chết, chàng hoá thân trong hình hài của con trâu. Do vậy, để níu giữ hình ảnh và tôn vinh chàng Ta-tưi, mỗi khi có lễ, tết, người Tà-ôi thường làm bánh a quát có dạng như cái sừng trâu.
Còn với người Pa Cô, bánh a quát gợi nhớ về một tình yêu đẹp giữ chàng A Chích và nàng Pê-chôn. Chuyện cổ Pa cô kể lại rằng, Ngày xưa, có nàng Pê-chôn rất xinh đẹp. Sắc đẹp của nàng hơn cả một con chim công đang múa và khắp các thung lũng, không có người con gái nào đẹp như nàng. Ai cũng yêu thích cả. Nhưng chỉ có một người có thể lấy được nàng làm vợ là chàng A Chích. A Chích là chàng trai biết nói lý nói lẽ, biết thổi khèn hay như những con chim trong rừng hót và có sự dũng cảm như một con hổ. Tài năng của chàng đã chinh phục được nàng Pê-chôn. Bố mẹ nàng Pê-chôn đã đồng ý gả nàng Pê-chôn cho chàng A Chích. Để mừng cho đôi lứa, có một vị thần đã báo mộng cho dân làng làm một loại bánh. Đó là bánh có hình sừng trâu được gói bằng nếp than. Hai vợ chồng A Chích và Pê-chôn đang sống với nhau rất hạnh phúc thì tai hoạ ập đến. Có một kẻ nhà giàu làng bên, tên là Pất-nha, đã cướp Pê-chôn về làm vợ. Pất-nha có nhiều nô lệ và quân hầu. Vì thế, A Chích quyết tâm tìm thợ rèn giỏi nhất bên đất Lào để nhờ rèn một cây kiếm sắc bén. Sau khi có kiếm, A Chích đã tìm đến nhà Pất-nha để đánh và cướp lại vợ. Sau đó, hai vợ chồng A Chích và Pê-chôn sống với nhau rất hạnh phúc.
Bánh a quát gắn với hai câu chuyện có tính huyền thoại, tính cổ tích nhưng thực ra, ẩn chứa trong đó là những nghi lễ, những phong tục, tập quán lâu đời của hai cộng đồng Tà-ôi và Pa Cô. Những yếu tố tạo nên sự đặc sắc trong văn hóa của hai cộng đồng này. Bóc cái vỏ huyền hoặc của các câu chuyện, chúng ta lại thấy đó là điểm nhấn cho sự bình dị, mộc mạc và những gì gắn với cuộc sống nơi rừng núi của người Tà-ôi, Pa Cô. Bởi lẽ, bánh a quát được làm từ hai thứ rất gần gũi với hai cộng đồng. Đó là lá cây đót và nếp than.
Ông T’Ra Nau Hạnh, người nghiên cứu văn hoá Pacô, xã Hồng Trung – huyện A Lưới cho hay: "Văn hóa ẩm thực của đồng bào chúng tôi có truyền thống về gói bánh a quát. Đó là một loại bánh không thể thiếu trong các lễ hội và những dịp quan trọng của gia đình. Việc coi trọng bánh a quát của chúng tôi cũng bắt nguồn từ sự lưu truyền những truyền thuyết của cha ông. Cũng như đồng bào Kinh gói bánh chưng, chúng tôi cũng gói bánh a quát trong những việc quan trọng. Nếu không có bánh a quát cũng nhưng thiếu hũ rượu cần trong lễ hội vậy. Gói bánh a qát không chỉ thưởng thức cái ngon cả nó mà còn thể hiện sự biết ơn ông bà tổ tiên đã cho mình cuộc sống, cho mình, cho mình cái ăn, cho mình hạt lúa, hạt nếp. Cũng vì vậy, với người Pa Cô, ngoài gạo ra-dư, nếp than là thứ nếp quý nhất".
Để gói bánh a quát, người đồng bào đến các bìa rừng để cắt lấy lá đót tươi. Lá dùng để gói bánh phải là lá đót chưa già. Bánh a quát phải gói bằng lá đót chưa già vì mùi thơm của nó tạo ra khi nấu. Hai cộng đồng Tà-ôi và Pa Cô có nhiều loại nếp được trồng trên rẫy như nếp Man, nếp Peng, nếp A Chứt, nếp Cu-char ... Nhưng nếp Cu-char, có nghĩa tiếng Kinh là nếp Than, là loại nếp thơm ngon nhất, quý nhất trong số những loại nếp của đồng bào Tà-ôi, Pa Cô nên được dùng để gói bánh. Có tên là nếp Than vì sau khi giã sẽ có màu hồng đen. Trong quá trình giã nếp, những người phụ nữ cố gắng giã thật đều tay để hạt nếp không gãy vụn. Nếu có hạt gãy vụn thì họ sẽ sàn sảy để chọn lại. Theo một số người Pa Cô giải thích, điều này thể hiện sự vẹn toàn của tình yêu giữa chàng A Chích và nàng Pê-chôn.
Không giống như người Kinh gói bánh chưng, bánh ú, bánh dầy, người Tà-ôi, Pa Cô không ngâm nếp trước khi gói bánh. Công đoạn này chỉ được thực hiện sau khi gói xong. Bánh a quát là loại bánh nếp không có nhân nên không nêm gia vị vào. Khi gói, người ta cầm ngửa lá đót, rồi quấn ngọn hoặc gốc lá đót vòng quanh ngón tay cái hai vòng để tạo hình chóp nón. Sau đó, lật ngược hình chóp nón đó và bốc nếp bỏ vào cho đầy. Tiếp tục nghiêng hình chóp có nếp đó và dùng tay quấn phần gốc hoặc ngọn còn lại của lá đót thành một hình chóp thứ hai. Đáy của hai hình chóp trùng nhau. Người Tà-ôi và Pa Cô ví hình dạng của bánh giống như cái sừng của con trâu nên gọi là “a quat”. Những người gói bánh giỏi, khéo tay còn có thể gói bánh a quát có ba hình chóp, tượng trưng cho một con trâu hoàn chỉnh, đủ thân hình và đôi sừng rất đẹp. Điều đặc biệt là việc gói bánh a quat thường giành cho được phụ nữ.
Sau khi gói xong, bánh được ngâm vào nước lạnh khoảng hai tiếng đồng hồ. Việc ngâm bánh vừa giúp nếp nở ra và mềm hơn vừa giúp nấu cho mau chín. Sau đó, vớt bánh ra, cho vào nồi, đổ ngập nước và nấu. Việc nấu bánh kéo dài cũng khoảng một tiếng rưỡi đến hai tiếng đồng hồ nữa.
Bánh a quát chín khi lột ra có màu hồng đen nhạt nhạt. Khi ăn, bánh a quát có vị bùi bùi, ngọt nhẹ và thơm thơm. Bánh chưng, bánh dầy của đồng bào Kinh gắn với câu chuyện của Lang Liêu. Còn bánh a quát, với đồng bào Pa Cô, được lưu truyền bằng chuyện kể về tình yêu của chàng A Chích và nàng Pê-chôn. Với đồng bào Tà-ôi, lưu truyền bằng huyền thoại về sức mạnh lao động và trí tuệ của chàng Ta-tưi. Đó là sự tôn vinh về một tình yêu bền chặc, son sắt, tôn vinh giá trị của trí thông minh và lao động, cũng như sự hi sinh vì làng, vì cộng đồng. Người Tà-ôi cho rằng: bánh có hình sừng trâu là thể hiện sức mạnh của Ta-tưi. Người Pa Cô lại cho rằng: bánh có hình sừng trâu là chỉ thanh kiếm cũng là lòng quyết tâm của A Chích, cái vị bùi bùi tượng trưng trí thông minh, vị ngọt nhẹ và thơm thơm sau khi ăn tượng trưng cho tình yêu lâu bền giữa A Chích và Pê-chôn.
Bà Prung Ka Lut, xã Hồng Trung, huyện A Lưới hồi tưởng: “Người đồng bào mình thường gói bánh a quát khi có việc vui. Truyền thống này mình học được từ mẹ, từ bà của mình. Ngày xưa, người con gái nào biết gói bánh a quát là người con gái ngoan hiền, mới lấy chồng được. Ngày xưa, khi nấu bánh, người ta sẽ kể lại chuyện A Chích và Pê-chôn. Khi nào kể xong chuyên thì bánh chín. Chừng hai giờ đó. ”
Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy sự đáng quý ở bánh a quát chính là những dịp mà nó được sử dụng. Đó là những lễ, tết của làng, lễ cưới xin hay đãi rể, thông gia, khách quý của gia đình. Sự hiện diện trong những việc quan trọng, những dịp vui vẻ đã nói lên giá trị của bánh a quát trong văn hóa ẩm thực của hai cộng đồng Tà-ôi và Pa Cô vào những dịp này cũng như bánh chưng, bánh dầy của người Kinh trong dịp Tết Nguyên Đán./.