Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021
Ngày cập nhật 17/02/2016

Căn cứ Nghị quyết số 1129/2016/UBTVQH13 ngày 14/01/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIII) về việc công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; để tổ chức thành công cuộc bầu cử tại địa phương, Ủy ban bầu cử huyện A Lưới xây dựng kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 với các nội dung sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. Mục đích

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra trong một ngày (Chủ nhật, ngày 22/5/2016). Cuộc bầu cử diễn ra sau Đại hội Đảng bộ huyện A Lưới lần thứ XI, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc thắng lợi. Toàn huyện đang tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XI của huyện, Đại hội XV của tỉnh và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra. Cuộc bầu cử là dịp để xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

II. Yêu cầu

1. Cuộc bầu cử phải được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân. Kết hợp tuyên truyền về bầu cử với tuyên truyền các ngày kỷ niệm lớn trong cùng thời điểm.

2. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân vào Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã - cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

3. Đảm bảo tuyệt đối an toàn về an ninh trật tự cho cuộc bầu cử; các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, đồng thời đẩy mạnh công tác tiếp dân để giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

4. Đảm bảo bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND theo quy định của pháp luật; đại biểu được bầu có chất lượng, cơ cấu hợp lý.

B. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

I. Thành lập các tổ chức phục vụ bầu cử

1. Thành lập Ủy ban bầu cử huyện và cấp xã

a) UBND huyện, các xã, thị trấn sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban thường trực Ủy ban MTTQVN cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã.

b) Thời hạn thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND huyện, cấp xã chậm nhất là ngày 07 tháng 02 năm 2016 (tức 105 ngày trước ngày bầu cử).

c) Số lượng thành viên Ủy ban bầu cử huyện có từ 11 đến 15 thành viên, cấp xã có từ 09 đến 11 thành viên, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.

d)  Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban bầu cử cấp huyện và cấp xã được quy định tại Khoản 2, Điều 23 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

e) Danh sách Ủy ban bầu cử cấp huyện, cấp xã phải được báo cáo lên Thường trực HĐND, UBND và Ban thường trực Ủy ban MTTQVN cấp trên trực tiếp.

2. Thành lập Ban bầu cử

a) Thành lập Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã:

- UBND huyện, cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban thường trực Ủy ban MTTQVN cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử một Ban bầu cử đại biểu HĐND.

b) Số lượng thành viên Ban bầu cử đại biểu HĐND như sau: Cấp huyện có từ 09 đến 11 thành viên, cấp xã có từ 07 đến 09 thành viên, gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Ủy viên.

c) Thời hạn thành lập Ban bầu cử đại biểu HĐND huyện và cấp xã chậm nhất là ngày 13 tháng 3 năm 2016 (tức 70 ngày trước ngày bầu cử).

d) Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban bầu cử được quy định tại Khoản 3, Điều 24 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

3. Thành lập Tổ bầu cử

a) UBND cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban thường trực Ủy ban MTTQVN cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Tổ bầu cử có từ 11 đến 21 thành viên, gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên.

b) Các đơn vị vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng được thành lập một Tổ bầu cử có từ 05 đến 09 thành viên, gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên.

c) Đối với đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương có chung một khu vực bỏ phiếu thì UBND cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực HĐND, Ban thường trực Ủy ban MTTQVN cùng cấp và Chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân quyết định thành lập Tổ bầu cử có từ 11 đến 21 thành viên, gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên.

d) Thời hạn thành lập Tổ bầu cử chậm nhất là ngày 02 tháng 4 năm 2016 (tức 50 ngày trước ngày bầu cử).

đ) Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ bầu cử được quy định tại Khoản 2, Điều 25 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

4. Đơn vị bầu cử

a) Số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND huyện, cấp xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử do Ủy ban bầu cử huyện, cấp xã ấn định theo đề nghị của UBND cùng cấp và được công bố chậm nhất trước ngày 03/3/2016 (tức 80 ngày trước ngày bầu cử).

b) Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu không quá 05 (năm) đại biểu.

II. Lập và niêm yết danh sách cử tri

Danh sách cử tri do UBND xã, thị trấn lập theo khu vực bỏ phiếu; danh sách cử tri các đơn vị vũ trang nhân dân do Chỉ huy đơn vị lập. Danh sách cử tri phải được niêm yết tại trụ sở UBND xã, thị trấn và những nơi công cộng của khu vực bỏ phiếu chậm nhất là ngày 12/4/2016 (tức 40 ngày trước ngày bầu cử); đồng thời, thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để nhân dân kiểm tra (theo Điều 32 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015).

III. Tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân

1. Cơ quan tổ chức

Hội nghị hiệp thương mỗi cấp do Ban thường trực Ủy ban MTTQVN cùng cấp tổ chức, có sự tham dự của đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại diện Ủy ban bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp.

2. Thời gian và yêu cầu

a) Hội nghị hiệp thương các cấp lần thứ nhất tổ chức chậm nhất là ngày 17/02/2016 (tức 95 ngày trước ngày bầu cử) để thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính cấp dưới trên địa bàn.

b) Hội nghị hiệp thương các cấp lần thứ hai tổ chức chậm nhất là ngày 18/3/2016 (tức 65 ngày trước ngày bầu cử); căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu HĐND, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND, gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) của người tự ứng cử, người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.

c) Hội nghị hiệp thương các cấp lần thứ ba tổ chức chậm nhất là ngày 17/4/2016 (tức 35 ngày trước ngày bầu cử); căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu HĐND, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND.

IV. Lập và niêm yết danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân

1. Chậm nhất là ngày 22/4/2016 (tức 30 ngày trước ngày bầu cử), Ban thường trực Ủy ban MTTQVN cấp huyện, cấp xã phải gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND đến Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN cấp trên trực tiếp và Thường trực HĐND, UBND cùng cấp.

2. Ủy ban bầu cử phải lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND theo từng đơn vị bầu cử chậm nhất là ngày 27/4/2016 (tức 25 ngày trước ngày bầu cử).

3. Tổ bầu cử niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ở khu vực bỏ phiếu chậm nhất là ngày 02/5/2016 (tức 20 ngày trước ngày bầu cử).

4. Số người trong danh sách ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi đơn vị bầu cử thực hiện theo Khoản 3, Điều 58 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

V. Ứng cử, hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp (xem lịch trình cụ thể kèm theo).

VI. Vận động bầu cử

1. Ban thường trực Ủy ban MTTQVN huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu HĐND cấp mình (Khoản 3, Điều 62 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015).

2. Người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND có quyền vận động bầu cử thông qua gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 67 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

3. Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.

VII. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử

1. Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án Nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính (Điều 33 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015).

2. Đến ngày 12/5/2016, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách người ứng cử (tức 10 ngày trước ngày bầu cử). Sau bầu cử, các cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá mới hoặc Thường trực HĐND khoá mới) tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền (Điều 61, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015).

VIII. Tổ chức bầu cử

1. Các vấn đề liên quan đến tổ chức bầu cử, như: Thẻ cử tri, khu vực bỏ phiếu, địa điểm bỏ phiếu; xác định phiếu hợp lệ và phiếu không hợp lệ; báo cáo tình hình trong ngày bầu cử; biên bản xác định kết quả bầu cử; công bố kết quả bầu cử và tổng kết cuộc bầu cử... được thực hiện theo quy định tại “Nghị quyết của Hội đồng bầu cử quốc gia về mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu thẻ cử tri, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu, các mẫu văn bản khác sử dụng trong công tác bầu cử”.

2. Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là Chủ nhật (ngày 22/5/2016).

3. Thời hạn nộp biên bản xác nhận kết quả bầu cử và công bố kết quả bầu cử (xem lịch trình cụ thể kèm theo).

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổ chức Hội nghị để quán triệt, hướng dẫn triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021:

a) Ở huyện: Huyện ủy, chủ trì tổ chức Hội nghị để quán triệt, triển khai vào ngày 04/02/2016.

b) Ở xã, thị trấn: Đảng ủy các xã, thị trấn chủ trì tổ chức Hội nghị để quán triệt, triển khai trước ngày 06/02/2016.

2. Trên cơ sở kế hoạch triển khai của Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND huyện, đề nghị Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, đảm bảo tiến độ thời gian, trình tự các bước tiến hành công tác bầu cử và công việc chuẩn bị cho ngày bầu cử theo đúng quy định của pháp luật.

3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các xã, thị trấn thực hiện tốt quy trình hiệp thương; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu HĐND huyện.

4. Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện xây dựng kế hoạch nhằm đảm bảo tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan xây dựng phương án cụ thể, kịp thời ứng phó với những tình huống có thể xảy ra, đảm bảo cho cuộc bầu cử được diễn ra an toàn trên phạm vi toàn huyện.

Tiến hành các đợt kiểm tra về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chú ý đến các địa bàn trọng điểm, những điểm nóng dễ xảy ra mất ổn định.

5. Phòng Nội vụ có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác bầu cử; tổng hợp, tham mưu Ủy ban bầu cử huyện các văn bản báo cáo Ủy ban bầu cử tỉnh và các cơ quan cấp trên đúng thời gian theo quy định.

6. Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với các ngành chức năng và các cơ quan thông tin đại chúng có kế hoạch cụ thể để tổ chức tốt công tác tuyên truyền cổ động trước, trong và sau cuộc bầu cử.

- Về hình thức tuyên truyền: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với tuyên truyền trực quan (như khẩu hiệu, panô, áp phích), tổ chức mạn đàm... với các hình thức đa dạng, rộng khắp, thiết thực và có hiệu quả cao.

- Thời gian tuyên truyền chia làm 03 đợt:

+ Đợt 1: Từ ngày 23/02 đến ngày 17/4/2016.

+ Đợt 2: Từ ngày 18/4 đến ngày 22/5/2016.

+ Đợt 3: Từ ngày 23/5 đến ngày 21/6/2016.

7. Phòng Tư pháp phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác giáo dục pháp luật nhằm làm cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về nội dung cơ bản của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và các văn bản liên quan đến công tác bầu cử để tham gia tích cực vào công tác bầu cử.

8. Phòng Tài chính - Kế hoạch đảm bảo kinh phí kịp thời cho cuộc bầu cử theo kế hoạch được giao; hướng dẫn các quy định, định mức chi theo Thông tư số 06/2016/TT-BTC ngày 14/01/2016 của Bộ Tài chính và kiểm tra chặt chẽ nhằm thực hiện chi tiêu tiết kiệm, đúng mục đích và hiệu quả.

9. Thanh tra huyện chủ trì, hướng dẫn việc kê khai tài sản đối với những người tham gia ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã (theo hướng dẫn của Thanh tra tỉnh); phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân trước, trong và sau thời gian tiến hành bầu cử.

10. UBND các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQVN cùng cấp xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND theo luật định./.

Nguyễn Tuấn - PNV
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.110.797
Truy câp hiện tại 2.772