Đến A Lưới, nhắc đến già làng Quỳnh Hoàng, 94 tuổi (ở thôn A Diên, xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế), hẳn ai cũng biết, cụ là người đã thổi hồn cho những nhạc cụ của đồng bào Tà Ôi. Vẫn ngày ngày say mê với những điệu khèn của các dân tộc anh em đang sinh sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Không những sử dụng điêu luyện các loại nhạc cụ dân tộc, Cụ Quỳnh Hoàng còn là người chế tác, sửa chữa và thẩm âm cho tất cả các loại nhạc cụ. Ông được coi là “báu vật sống”, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng miền Tây Thừa Thiên – Huế.
Tuy đã nhiều lần đưa nhiều đoàn khách trong nước và khách nước ngoài đến tham quan và xem cụ biểu diễn những nhạc cụ truyền thống, nhưng trong tôi vẫn luôn cảm thấy có nhiều điều mới lạ với những trải nghiệm thú vị với những sinh hoạt đời thường mộc mạc, đơn sơ, gần gũi với niềm đam mê nhạc cụ truyền thống của Cụ. Đặc biệt các đoàn quay phim, phóng sự, các nhà báo, phóng viên, các nhiếp ảnh gia đều thích thú với hình ảnh cụ già hơn 90 tuổi còn say sưa với các nhạc cụ truyền thống. Sau khi được cụ giới thiệu những đặc trưng về cây khèn, trống, Tù và đàn Ta lư... cùng với ý nghĩa của nó trong cuộc sống của người dân A Lưới, các du khách đều tỏ ra rất hào hứng, thích thú nhiều du khách còn hỏi mua các nhạc cụ để làm kỉ niệm. Ngoài ra, đến nhà cụ chúng ta còn được thưởng thức các làn điệu dân ca của bà Tuyết - người vợ của cụ, hòa cùng với những tiếng khèn, tiếng trống... lúc trầm, lúc bổng của cụ Quỳnh Hoàng.
Đoàn khách Úc vui vẻ, hào hứng trước sự đón tiếp của Cụ Quỳnh Hoàng
Du khách nước ngoài thích thú với nhạc cụ Khèn bè
Nghệ nhân Quỳnh Hoàng thổi khèn đón tiếp đoàn nhiếp ảnh gia đến từ Đà Nẵng
Với niềm đam mê, Cụ đã sưu tầm tất cả các bản nhạc của người Tà Ôi, Pa Cô. Hàng năm vào ngày lễ lớn, các đồng bào dân tộc của huyện, của tỉnh, khu vực đều có sự góp mặt của Cụ. Nghệ nhân Quỳnh Hoàng cùng chiếc khèn bè đã đoạt giải vàng tại liên hoan văn hóa cộng đồng các dân tộc ở Peiku (Gia Lai) và nhiều giải tại các Liên hoan âm nhạc khác.
Nói về nhạc cụ, Cụ bảo: hiện tại có thể hát hàng nghìn điệu nhạc cổ và biết làm, sử dụng hơn 20 loại nhạc cụ cơ bản của những dân tộc thiểu số là Tà Ôi, Pa Cô, Ka Tu... Mỗi loại nhạc cụ của những đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới đều mang những những giá trị tinh thần cao quý, biểu hiện đời sống văn hóa đậm đà bản sắc. Cụ thường say sưa kể về những người ở tận các vùng miền núi xa xôi của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam cất công đến tận nơi để thỉnh giáo cách làm các nhạc cụ truyền thống. Cụ rất muốn truyền lửa đam mê cho các thế hệ sau nhưng chỉ có niềm đam mê, sự kiên trì mới làm và chơi được.
Cụ Quỳnh Hoàng giới thiệu về các nhạc cụ truyền thống với các phóng viên của Đài Truyền hình Đà Nẵng
Điều cụ trăn trở nhất là giới trẻ hiện nay không còn mặn mà với các giá trị văn hóa truyền thống, không đam mê với nhạc cụ truyền thống, hàng chục loại nhạc cụ - kho báu văn hóa các dân tộc ở A Lưới có nguy cơ thất truyền. Nên để góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và thực hiện Đề án: Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, trong năm 2016 Phòng Văn hóa và Thông tin sẽ mở lớp truyền dạy chỉnh âm khèn bè, chỉnh âm thanh Cồng, Chiêng cho những người có đam mê với nhạc cụ truyền thống và 02 lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ nhằm lưu giữ bản sắc văn hóa khỏi thất truyền.
Với nhiều đóng góp xuất sắc trong gìn giữ và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc Cụ Quỳnh Hoàng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (Tháng 12/2015).