Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

“Thần dược” của người già Pa Kô
Ngày cập nhật 12/10/2015
Một buổi sinh hoạt văn nghệ của các cụ già Pa Kô ở làng Việt Tiến. Ảnh: An Sơn

(Dân Việt) Nhờ đều đặn tham gia văn nghệ nên ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhiều cụ già người Pa Kô ở làng Việt Tiến, xã Hồng Kim, huyện A Lưới (Thừa Thiên- Huế) không chỉ khỏe khoắn mà còn có thể góp sức truyền dạy nghệ thuật truyền thống cho dân bản.

Sống vui, sống khỏe

Từ năm 2008 đến nay, ngôi nhà sàn của cụ Quỳnh Liên (83 tuổi) ở làng Việt Tiến trở thành nơi sinh hoạt văn nghệ đều đặn của những cụ già người Pa Kô trong làng vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. “Đã 8 năm rồi đội văn nghệ gồm gần 20 cụ ông, cụ bà, hầu hết tuổi từ 70 - 90, đều đến sinh hoạt tại đây ”- cụ Quỳnh Liên kể.

Cứ khoảng 7 giờ các tối thứ Bảy và Chủ nhật là các cụ đã có mặt đông đủ tại điểm sinh hoạt văn nghệ. Trong trang phục truyền thống của người Pa Kô, các cụ ông miệt mài chơi cồng, chiêng, khèn bè, abel, tù và, đàn ta lư…, còn các cụ bà thì say mê múa hát. Những màn múa hát mộc mạc đậm chất núi rừng hòa với âm thanh của các nhạc cụ truyền thống, khiến hàng trăm người dân trong làng mê đắm, không ngừng tán thưởng.

Đội trưởng đội văn nghệ của các cụ là ông Lê Văn Yên (74 tuổi), chơi được rất nhiều loại nhạc cụ và am tường nhiều bài hát, điệu múa của người Pa Kô. Ông Yên cho biết, lúc đầu đội văn nghệ thành lập là để biểu diễn phục vụ khách du lịch đến tham quan thác A Nôr ở làng. Được một thời gian ngắn thì thác vắng bóng du khách, nhưng các cụ già trong đội tiếp tục duy trì hoạt động. “Chúng tôi vẫn sinh hoạt đều đặn để giữ gìn bản sắc văn hóa của người Pa Kô, hơn nữa văn nghệ như thần dược giúp chúng tôi sống vui và sống khỏe”- ông Yên chia sẻ.

Gìn giữ nghệ thuật truyền thống

"Sự nhiệt huyết của các cụ đã đưa dân ca, dân vũ cổ của đồng bào Pa Kô từ chỗ gần như bị lãng quên, đã “sống lại” và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của bà con”. Bà Hồ Thị Tư

Không chỉ đều đặn cùng nhau thể hiện những bài hát, điệu nhạc, điệu múa của người Pa Kô, các cụ già trong đội văn nghệ còn miệt mài truyền dạy nghệ thuật truyền thống cho dân bản. Những năm qua, các cụ đã nhiều lần đứng lớp dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ cho người dân trong làng, xã, nhất là thế hệ trẻ. Từ các bài dân ca theo các điệu cha chấp, kâr lơơiq, ru i con, ru a cay, ni nơi..., các điệu múa ri răm, chật ty riaq, poon, ẹo, pa dưưn ku ru, ra dóoc..., cho đến cách sử dụng cồng, chiêng, khèn bè, abel... đều được các cụ già truyền dạy tỉ mẩn. 

Dưới sự chỉ dạy nhiệt tình, bài bản của các cụ già, dân bản rất dễ tiếp thu các bài hát, điệu nhạc, điệu múa cổ của dân tộc mình. Chỉ sau một thời gian ngắn tham gia lớp học, nhiều người đã hát được những bài dân ca, thể hiện được các điệu múa, bản nhạc cổ của người Pa Kô. Cụ Hồ Dúi (86 tuổi) phấn khởi: “Các lớp truyền dạy của chúng tôi dân bản tham gia học rất đông, nhất là thanh thiếu niên. Những người được học sau đó về truyền dạy lại cho người chưa học nên số người biết dân ca, dân nhạc, dân vũ cổ của người Pa Kô tăng nhanh theo cấp số nhân”.

Bà Hồ Thị Tư- Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện A Lưới cho biết, bằng sự dốc sức truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ cho dân bản, các thành viên trong đội văn nghệ của những cụ ông, cụ bà người Pa Kô ở làng Việt Tiến đã góp công lớn vào việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống của người Pa Kô.

Theo http://danviet.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.326.561
Truy câp hiện tại 38.877