A Lưới là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử, từng là nơi căn cứ địa cách mạng của tỉnh (Thừa Thiên Huế) và cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ, là nơi hội tụ những sắc màu văn hóa vật thể, văn hoá phi vật thể và văn hoá ẩm thực của các dân tộc anh em Pakôh – Tà Ôih – Katuh – Pahy – Vân Kiều - Kinh đã tạo nên cho mảnh đất này những giá trị lịch sử văn hóa quý báu, đó chính là những di tích lịch sử cách mạng; là những bảo tàng sống về kiến trúc, về lối sống, sinh hoạt của đồng bào qua nhiều thế hệ; là các làng nghề truyền thống, các món ăn dân gian truyền thống và nguồn văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng.
Là một trong hai huyện miền núi vùng cao của tỉnh, từng là vùng đất nổi tiếng của chiến trường Trị - Thiên trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, mảnh đất và con người nơi đây đã ghi nên bao chiến công oanh liệt với nhiều tên đất, tên người đã đi vào lịch sử như những biểu tượng sáng chói của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. A Lưới từng được các cơ quan Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh, Khu uỷ Trị thiên, Chính phủ cách mạng Lâm thời, các Binh đoàn, Sư đoàn, Trung đoàn bộ đội chủ lực đóng quân hoặc hành quân qua, các đồng bào các dân tộc ở A Lưới đã đùm bọc che chở và bảo vệ, giúp đỡ cán bộ, bộ đội giành được nhiều thắng lợi, chiến thắng kẻ thù, để lại nhiều dấu tích anh hùng. Các địa danh quan trọng trước kia nay trở thành di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như: Đường mòn Hồ Chí Minh (còn gọi là đường Trường Sơn) – con đường huyết mạch nối liền Bắc – Nam trong kháng chiến, ngày nay là đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa. Các địa danh được ghi dấu tích có tên như đường B75, đường 71, đường 35, đường 72 (nay là quốc lộ 49), đường 73, đường 74…, ngoài ra còn có các địa danh quan trọng như cụm địa đạo Động So (Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia), địa đạo Lam Sơn, bãi kho 61, đồi ABia (còn gọi là đồi Thịt Băm – Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia), động Tiên Công, địa đạo Puúc, địa đạo AĐoon (Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia), địa đạo ABó, địa đạo Tà Lương, địa đạo Cốp, sân bay ASo, sân bay ALưới, sân bay ACo… và còn nhiều địa danh khác nữa. Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch di tích lịch sử Cách mạng.
Ở A Lưới, địa hình chủ yếu là rừng, núi xen lẫn những dải thung lũng có hệ thống sông suối khá dày đặc, nhiều thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp như chuỗi thác A Nôr (xã Hồng Kim), suối nước nóng Tôm Trung, thác Pông Chất, hang đông Kềnh Crâm (xã A Roàng), hồ mặt nước ngầm A Co (xã Phú Vinh, Hồng Thượng), đèo Pê Ke (xã Hồng Vân, Hồng Thuỷ), hầm A Roàng (xã A Roàng) cùng nhiều ngọn thác, con suối rỉ rách thơ mộng, nhiều con sồng uốn lượn bao quanh thung lũng A Lưới rộng lớn như sông A Sáp, A Lin, Tà Rình...Chạy dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh là những dãy rừng nguyên sinh đan sen với rùng tái sinh trồng mới, tài nguyên rừng ở đây đa dạng phong phú tư hoa cảnh, chim muông...Hiện tại huyện đang hết sức chú trọng xây dựng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái phát triển theo hướng bền vững. Ngay tại thời điểm này, A Lưới đã có nhiều chương trình quảng bá du lịch được nhắc đến và du lịch A Lưới được đặt trong lộ trình di sản miền Trung là điểm đến của khách tham quan khi nhắc đến con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái. Du lịch sinh thái trước hết phải nói đến là khu du lịch sinh thái A Nôr cách trung tâm huỵên 3km về phía Đông Bắc (thuộc xã Hồng Kim) có diện tích trên 10ha, mây mù bao phủ quanh năm. Phong cảnh tuyệt đẹp với 3 thác nước không xa nhau, cao 8m, 60m và 120m, tựa như những áng tóc trữ trữ tình của các thiếu nữ nơi miền sơn cước. Thác A Nôr còn giữ nguyên dáng vẻ hoang sơ, thời tiết ở đây mát dịu tạo cho du khách tham quan hưởng một cảm giác trong lành, mát mẻ. Sang năm 2011, được sự hỗ trợ đầu tư của tỉnh, huyện sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng vào khu du kịch này với hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Trước đó theo chủ trương của huyện và được sự hỗ trợ của Công ty may Việt Tiến nơi đây đã hình thành một ngôi làng mới mang tên Việt Tiến, người dân nơi đây đang dần dần từng bước ổn định cuộc sống. Họ sẽ hướng dẫn du khách tham quan thác A Nôr, vừa đón khách lưu trú tại nhà (phục vụ theo yêu cầu của du khách).
Cùng nằm trong tuyến du lịch đó, du khách hành trình ra hướng Bắc khoảng 20km, sẽ thích thú khi ngắm cảnh đèo Pe Kêr. So với các con đèo khác ở A Lưới như Tà Lương, Kim Quy, A Co thì đèo Pe Kêr có phần ngoạn mục và nên thơ hơn. Đèo Pe Kêr là ranh giới tự nhiên giữa dãy Trường Sơn Đông với khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, là nơi phát nguồn của các con sông Ô Lâu, Thạch Hãn, sông Bồ...Nơi đây mỗi khi buổi sớm hoặc lúc hoàng hôn mây mờ trắng xoá cùng với sương núi đã tạo nên một khoảng không gian bềnh bồng trông đẹp mắt. Đèo Pe Kêr dài 800m, độ dốc 10% với hệ động thực vật phong phú, có đường Hồ Chí Minh chạy qua, là hệ thống giao thông quan trọng đến với huyện Đakrông của tỉnh Quảng Trị, là điểm quan trọng trên đường Hồ Chí Minh là ngã ba đến cửa khẩu Hồng Vân-Cu Tai.Trong tương lai gần, đèo Pe Kêr cùng với cửa khẩu Hồng Vân sẽ cùng dốc Con Mèo, đồi Con Cọp là điểm đến hấp dẫn của du khách.
Cửa khẩu Hồng Vân cách thị trấn A Lưới 33km, là cửa khẩu nối nước ta với nước bạn Lào tại mốc S3, thuộc xã Hồng Vân, có vị trí là cầu nối trong việc phát triển kinh tế - xã hội, ANQP của hai quốc gia nói chung cũng như hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Salavan nói riêng. Cửa khẩu này có ý nghĩa quan trọng nối với các tour du lịch của Lào, Thái Lan và tour du lịch DMZ Quảng Trị. Khi du khách đến của khẩu Hồng Vân ghé đèo Pê Ke, thăm núi Tai Mèo, đồi Con Cọp sẽ thấy rất thích hợp cho loại hình du lịch sinh thái, đồng thời tham quan di tích lịch sử, thăm lại chiến trường xưa. Nằm về phiá Nam của huyện là điểm đến của những cánh rừng nguyên sinh và suối nước nóng nghĩ dưỡng đã tô điểm thêm cho bức tranh su lịch A Lưới có phần khởi sắc. Khu vực rừng nguyên sinh thuộc địa phận xã A Roàng, cách trung tâm huyện 30km đây là khu rừng nguyên sinh còn khác nguyên vẹn với diện tích 3.000 ha với nhiều hệ động vật, thực vật quý hiếm, có đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua. Khu rừng nguyên sinh kéo dài từ A Lưới đến tận Quãng Nam với nhiều thác cao, vực sâu rất hấp dẫn đối với loại hình du lịch sinh thái và dành cho ai thích phiêu lưu, mạo hiểm, thích cảm giác mạnh. Nằm cùng trên tuyến rừng nguyên sinh đó, sau khi tham quan hai hầm đường bộ trên đường Hồ Chí Minh du khách sẽ có điều kiện dừng chân nghỉ ngơi, tắm suối nước nóng A Roàng. Đây là mạch nguồn nước khoáng lộ thiên có nhiệt độ 60-70 độ chứa nhiều thành phần khoáng chất có tác dụng chữa bệnh. Bên cạnh đó A Lưới còn có nhiều loại hình du lịch khác như: leo núi ở động Tiên Công, đồi A Bia, núi Ta Lơng Ai, bơi lội tại các sông lớn: A Sáp, Tà Rình, hồ lớn như A Co, đập Tà Rê...
Loại hình du lịch thứ ba của huyện là du lịch văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong vùng bao gồm văn hoá vật thể, phi vật thể và văn hoá ẩm thực (du lịch Cộng đồng). Đây là loại hình du lịch thu hút số lượng du khách đến tham quan rất lớn. Du khách sẽ được tham quan cấu trúc nhà ở truyền thống là nhà Moong (nhà sàn dài) của người Pa kôh, Nhà Rông của người Tà Ôih, nhà Gươl của người KaTuh. Nếu như nhà Moong của người Pakôh là nơi kết nối và hội tụ của gia tộc thì nhà Rông của người Tà Ôih và nhà Gươl của người Ka Tuh là biểu tượng của cộng đồng, là linh hồn của làng, bản, tộc người. Nơi đây sẽ diễn ra tất cả các công việc liên quan đến cộng đồng dưới sự điều khiển của Già làng như hội họp, cúng bái, tiếp khách…Cấu trúc ngôi nhà được thiết kế nghệ thuật, dưới bàn tay tài nghệ của các nghệ nhân, một phần bên trong ngôi nhà được chạm khắc công phu, trang trí rất tài tình. Du khách sẽ cảm nhận được đây là những công trình mang đậm bản sắc dân tộc.
Nằm trong tour du lịch cộng đồng này du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những bàn tay tài nghệ của những phụ nữ người Tà Ôih thoăn thoắt bên những khung dệt, dệt nên những tấm thổ cẩm truyền thống (Zèeng) mang đậm bản sắc của văn hóa tộc người. Chia tay với những cô gái Tà Ôih, du khách sẽ được hòa mình vào các lễ hội của các dân tộc nơi đây. Hàng năm thường có các Lễ hội chính như: Lễ A riêu caar, Lễ A riêu Ada (Lễ mừng lúa mới), Lễ A Riêu Piing (lễ giỗ tổ tiên, quy tập mồ mã), Lễ hội cầu mùa (A riêu tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ giúp đỡ)...
Đến với Văn hoá ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn rất đa dạng, phong phú. Là cư dân sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy nên nguồn lương thực chủ yếu ở đây là lúa Nếp. Loại này phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu gió Lào ở vùng Thừa Thiên Huế. Các loại nếp thường dùng đó là Nếp đen (Atút), Nếp than (Kachăh), Nếp trắng (Traang), Nếp tím (Amuk)… Các loại rau, củ rừng như măng Rừng, rau Rớn, Xà lách xoong (1loại rau chỉ mọc ở suối có nước chảy quanh năm), thức ăn có Lạp (lạp thịt, lạp cá..), Klèeng (chế biến từ ruột non của bò, dê)...về thức uống có rượu Cần (Buah – được làm từ nếp), rượu Mía (aveat – được làm từ cây mía), rượu Đoác (tuvak – được lấy từ cây đoác ở trên rừng, có vùng gọi là cây Đác), rượu Đình đình (pardin – được lấy từ cây đình đình)...
Chúng ta đều biết rằng văn hoá là diện mạo tinh thần của một dân tộc. Các giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc ở A Lưới đã làm nên bản sắc văn hoá riêng có của huyện vùng cao này. Với một vùng đất giàu tính sáng tạo, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng và với nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới thì không có gì thuyết phục bằng, khi đến với họ, nhìn thấy những phong cảnh thiên nhiên, những bản sắc của văn hóa tộc người, những đổi mới…. Du khách sẽ cảm nhận được những giây phút thanh bình của cuộc sống giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, quên đi những mệt nhọc sau những ngày lao động vất vả.
Từ các yếu tố loại hình du lịch như đã nêu thì đó là cơ sở khoa học, khẳng định A Lưới đủ điều kiện để xây dựng nơi tham quan, du lịch phục vụ đáp ứng nhu cầu cho du khách trong và ngoài nước. Hơn thế nữa A Lưới còn có một lợi thế quan trọng đó là trung tâm ngã tư trục đường giao thông Quốc gia nối liền với các vùng, cả nước trước mắt và lâu dài. Về phía Đông, phía Tây có quốc lộ 49 thông suốt Huế và với nước bạn Lào – Thái Lan, có đường Hồ Chí Minh chạy dọc xuyên huyện, thông suốt với Quảng Trị và ra Bắc, phía Nam nối liền với tỉnh Quảng Nam vào tận miền Nam của Tổ quốc. Đây là những yếu tố thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Mỗi một khi tiềm năng du lịch ở đây phát triển sẽ kéo theo sự phát triển các ngành nghề khác và kết quả sau cùng sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng cho cư dân bản địa và cư dân vùng đệm. A Lưới được xác định là cụm du lịch thứ ba của tỉnh được đưa vào danh mục dự án đầu tư phát triển du lịch với tổng số vốn 25 triệu USD (từ nay đến năm 2020). Hiện nay UBND huyện A Lưới đã đầu tư xây dựng và bảo vệ thành công đề án phát triển du lịch huyện A Lưới đáp ứng theo yêu cầu của tỉnh sẽ đưa các tuor du lịch của A Lưới vào 8 tuor du lịch chính của tỉnh. UBND huyện đã quy hoạch được một số điểm du lịch sinh thái như: A Nôr (Hồng Kim), A Co (Bốt Đỏ) đang tiến hành hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý về giải phóng mặt bằng, xây dựng điểm du lịch an dưỡng, dã ngoại suối nước nóng ở A Roàng, xây dựng khu trưng bày, triển lãm văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới (đang thi công giai đoạn II) . Xây dựng quy hoạch đồi A Bia, làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr…
Có thể nói, A Lưới là địa phương có tiềm năng về du lịch, nếu có sự đầu tư và biết cách tổ chức khai thác tốt, sẽ là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà đi lên.