Với những tài nguyên du lịch hấp dẫn, hiện nay du lịch A Lưới được xác định là một trong các điểm đến trong lộ trình di sản miền Trung. Đây là một tín hiệu vui cho du lịch A Lưới nói riêng và du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Du khách đến với A Lưới ngoài tham quan những cánh rừng nhiệt đới còn có cơ hội tìm hiểu phong tục tập quán và các nếp sinh hoạt độc đáo của đồng bào các dân tộc. Sự hấp dẫn của du lịch A Lưới còn được tăng lên gấp bội phần khi du khách đi thăm các điểm di tích lịch sử cách mạng trên tuyến đường Hồ Chí Minh - con đường đã đi vào huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam như DTLS Đồi A Biah/Hamburger hill, Km0 đường 71-đường 14B, ngã ba đường 72 – đường 14B, ngã ba đường 73, 74 – đường 14B, địa đạo A Đon, Động Tiên Công, Sân bay A Co, Sân bay A Lưới, di tích Dốc Mèo, di tích Chỉ huy sở Binh trạm 42, cụm địa đạo Động So - A Túc... Du khách còn được đắm mình vào dòng suối khoáng A Roàng và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ, huyền ảo của thác Pông Chất, thác A Nôr, thượng nguồn suối Đăq Pling, suối Pâr le cùng trải nghiệm, khám phá sự đa dạng sinh học ở rừng nguyên sinh A Roàng...
Hội VHNT Lệ Thủy, Quảng Bình cùng tham gia chương trình lửa trại, giao lưu cộng động với thôn A Ka1, xã A Roàng, A Lưới, 2014
A Lưới nổi tiếng về nghề dệt Zèng truyền thống của tộc người Tà ôi, nhất là kỷ xảo dệt vải đặc biệt mà không có ở bất cứ nơi nào trên thế giới bằng cách lồng hạt cườm đồng thời vào lúc dệt vải đã làm nhiều du khách nước ngoài và những nhà nghiên cứu nghệ thuật thật sự kinh ngạc. Cũng trong dịp Festival nghề truyền thống Huế 2015 vừa qua, 8 bộ sưu tập về dệt Zèng A Lưới của các nhà Thiết kế trong và ngoài nước đã được biểu diễn trong đêm Tôn vinh nghề Việt. Trong thời gian qua, Nhà thiết kế Minh Hạnh đã sáng tạo trong việc phát huy và kế thừa những giá trị truyền thống của sản phẩm Dệt Zèng để tạo nên Bộ sưu tập Zèng và được nhận giải Fukuoka Nhật Bản - tôn vinh những cá nhân, tổ chức trong việc bảo tồn và phát triển, sáng tạo sự đa dạng và độc đáo của văn hóa châu Á.
Bên cạnh đó, du khách còn được biết đến với những Lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số như A riêu Caar, A riêu Piing, A riêu Aza ... và thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc của các tộc người vùng cao, cùng hòa mình vào những vũ điệu Ri răm, Pa dưr Yàng đạa, Pa dưr Vieel, Pa dưr Ku ru, Za zã... của các dân tộc Tà ôi, Pa cô, Cơ tu.
Đoàn sinh viên Nhật Bản của trường Đại học Kinki ở Osaka và trường Đại học Shizuoka đến tham quan, giao lưu và tìm hiều văn hóa tộc người Cơ tu tại Thôn A So 1, Hương Lâm, A Lưới năm 2014
Trong những năm qua, các điểm di tích lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã và đang được UBND huyện quan tâm đầu tư, giữ gìn, tôn tạo và phát huy. Hạ tầng du lịch bước đầu được quan tâm đầu tư xây dựng. Sản phẩm du lịch truyền thống ngày càng phát triển, công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, hợp tác du lịch được đẩy mạnh thông qua các phương tiện đại chúng...đã tạo được sự gắn kết giữa du lịch với văn hóa ngày càng chặt chẽ, trở thành nét đặc sắc của du lịch vùng cao.
UBND huyện đã đầu tư xây dựng Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện và đưa vào hoạt động vào năm 2012 - là nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và trưng bày các hiện vật văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc và là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng, đặc biệt của huyện.
Năm 2014, UBND huyện đã đầu tư với tổng kinh phí 1 tỷ VNĐ vào nhà trưng bày DTLS đồi A Biah/Hamburger hill. Đây là nơi lưu giữ, trưng bày và giới thiệu 109 bức ảnh và 36 hiện vật lịch sử, cách mạng về trận chiến “Đồi Thịt Băm” khốc liệt vào tháng 5 năm 1969 để phục vụ du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan điểm DTLS Đồi A Biah. Qua đó, du khách có cái nhìn toàn diện và đầy đủ hơn về trận đánh thảm khốc, ác liệt năm xưa, làm sinh động thêm điểm di tích lịch sử đầy ý nghĩa này.
Vào ngày 28/4/2015, tại Làng Việt Tiến – A Nôr xã Hồng Kim, UBND huyện đã tổ chức “Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, trong khuôn khổ Đề án bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 – 2020” và khởi công Khu du lịch sinh thái A Nôr. Đây là một trong những hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch chào mừng các ngày lễ kỷ niệm trọng đại của quê hương đất nước năm 2015. Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu văn hóa, tiềm năng, thế mạnh và các điểm đến về du lịch lịch sử, cộng đồng và sinh thái của A Lưới; đồng thời góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số; đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân hiến tặng các hiện vật có giá trị văn hóa và lịch sử sẽ được tổng kết đợt 2 vào ngày 19/5/2015; qua Ngày hội tăng cường thêm tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Hình ảnh Biễu diễn Cồng chiêng chào mừng đại biểu về tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện A Lưới, 04/2015
UBND huyện cũng đã đầu tư lắp đặt 28 bảng chỉ dẫn du lịch bằng 02 thứ tiếng phổ thông và tiếng Anh, chỉ đạo các địa phương trên địa bàn huyện lắp đặt được 115 bảng tên làng bằng 03 thứ tiếng (phổ thông, Anh và bản địa). Điều này được nhiều du khách đánh giá cao, góp phần quảng bá các điểm du lịch trên địa bàn huyện.
Với ưu thế về điều kiện tự nhiên cũng như đời sống văn hóa độc đáo của các tộc người thiểu số tại chỗ và sự đầu tư phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng. A Lưới có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách về tham quan, nghiên cứu di tích lịch sử cách mạng, thăm làng nghề, lễ hội...
Có thể nói, A Lưới là địa phương có tiềm năng về du lịch, nếu biết tổ chức khai thác tốt, sẽ là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hy vọng trong tương lai không xa, du lịch A Lưới sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.