Cố gắng
11 giờ trưa, chị Mai mới vào bếp chuẩn bị bữa cơm cho cả nhà. So với hàng xóm, gia đình chị lúc nào cũng ăn muộn hơn vì phải làm nhiều việc ở nương rẫy. Gian nhà sau bé nhỏ, người vợ bận rộn chuyện nấu nướng, chồng tất bật thái rau cho lợn ăn. Mỗi người một góc, thỉnh thoảng họ lại nhìn nhau cười. Hình ảnh hạnh phúc ấy đã gắn bó với gia đình suốt 16 năm, kể từ khi họ nhận ra niềm vui có thể xóa tan cái nghèo khó.
Anh Rek kể, năm 1999, hai vợ chồng đến với nhau lúc gia tài chỉ vẻn vẹn hai chữ “tình yêu”. Sống trong căn nhà chung với bố mẹ và các anh em, nhưng chuyện thiếu ăn trở thành nỗi ám ảnh. “Lúc đó khó khăn lắm, gạo không có, toàn ăn sắn thôi”, anh Rek nói. Cưới nhau xong, họ sớm có con đầu lòng. Lo miếng ăn đã khó, việc chăm con đầy đủ lại càng khó hơn. Sau nhiều lần suy nghĩ, anh Rek bàn với vợ để mình sang Lào làm ăn. Khăn gói ra đi với chiếc máy cưa gỗ, anh Rek dặn vợ: “Em ở nhà chăm con, phụ làm thêm nương rẫy, anh đi kiếm tiền để thoát nghèo”.
Những ngày sống trên đất nước bạn với anh Rek vô cùng cực khổ, nhất là nỗi nhớ vợ con. Anh tâm sự: “Mới có con đã vội vàng đi. Thời đó chưa có điện thoại di động, nhiều đêm nằm nhớ nhà, nhớ vợ con nhưng phải cắn răng chịu đựng. Mỗi tháng chỉ dám về một lần”. Việc cưa gỗ thuê tuy nặng nhọc, nhưng bù lại ngày công khá cao. Nỗ lực làm việc, mỗi tháng anh Rek cũng đem về cho vợ khoảng 20 triệu đồng.
Hạnh phúc của gia đình anh Rek bắt nguồn từ sự sẻ chia, yêu thương
Quyết tâm phấn đấu cùng chồng, chị Mai gửi con cho nội, một mình làm 3 sào ruộng và 1ha rẫy. Nhớ lại thời gian xa chồng, chị nghẹn lời: “Cưới nhau xong là để chồng đi làm ăn xa. Hẹn ước cố gắng để có tiền nuôi con. Cả hai dặn nhau phải giữ chữ tín, không được nghi ngờ ghen tuông. Xa chồng, tui gặp phải trăm ngàn cái cực, nhưng nghĩ chồng ở Lào vất vả hơn mình nên phải dồn từng đồng của chồng, chỉ dám chi tiêu số tiền làm thêm từ nương rẫy”.
Yêu thương… để thoát nghèo
Ròng rã hơn 6 năm “kiếm cơm” nơi đất khách, anh Rek trở về và xây dựng được căn nhà khang trang. Anh tâm sự, năm 2005, xây được căn nhà 50 triệu đồng là mơ ước của cả bản làng. “Mọi người bảo tui, thằng này giỏi, từ hai bàn tay trắng đi lên nhưng tui nghĩ, lúc thanh niên chưa có vợ, sống răng cũng được. Khi có vợ con, nghèo mãi tội lắm. Có lẽ yêu thương đã giúp vợ chồng tui thoát nghèo”, người đàn ông Pa Cô chia sẻ.
Ông Hồ Văn Hích, Trưởng thôn A Deng 4, cho biết: Vừa qua, gia đình anh Rek đại diện duy nhất cho toàn huyện nhận khen thưởng gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc của tỉnh nhân Ngày gia đình Việt Nam năm 2015. Lúc xét, cả làng xã đều bình bầu và thấy đây là hai vợ chồng siêng năng làm ăn, hòa thuận và nuôi con ăn học rất tốt”.
Về lại mảnh đất A Lưới, anh Lê Văn Rek suy nghĩ, nếu cố gắng trên mảnh đất quê, đất sẽ không phụ lòng người. Nghĩ là làm, hai vợ chồng dùng số tiền dành dụm được mở quán tạp hóa nhỏ, nhận thêm 3ha đất để trồng keo, nuôi heo, bò, gà và làm thuê khi có người cần. “Lịch làm việc” của hai vợ chồng khá bận rộn, 4 giờ sáng đã phải dậy đi làm, chỉ ở nhà giờ ăn trưa, rồi lại tất bật với nương rẫy, rừng và việc chăn nuôi. Khi nghe chúng tôi hỏi làm như vậy có cực không, anh Rek lắc đầu: “Có cực bao nhiêu cũng không bằng thời gian hai vợ chồng xa cách. Chừ sướng hơn vì việc chi cũng có vợ có chồng. Làm nhiều thì có tiền nhiều. Tính ra, mỗi tháng hai vợ chồng cũng thu nhập được hơn 10 triệu đồng”.
Bận rộn, nhưng việc gia đình cả hai vợ chồng đều chia sẻ cho nhau bớt gánh nặng. Hễ ai trở về nhà trước lại chủ động lo việc cơm nước, giặt giũ. Anh Rek khẳng định: “Thời ni bình đẳng rồi, không phải phân chia việc đàn ông, đàn bà”. Cũng với suy nghĩ đó, cả hai đã giữ được nếp nhà bình yên suốt 16 năm chung sống. “Hai vợ chồng tui sống rất hòa thuận. Cũng có lúc to tiếng, nhưng vì nghĩ đến những giây phút khó khăn đã trải qua, rồi hai vợ chồng tự dặn dò nhau phải cố gắng. Biết đúng biết sai nên không bao giờ đập đánh nhau làm ảnh hưởng thôn xóm, bản làng cả”, chị Mai trải lòng.
Quyết tâm gìn giữ hạnh phúc, hai vợ chồng dừng lại ở hai con để nuôi dạy đàng hoàng. Anh Rek quan niệm, ngày xưa ai cũng nghĩ đông con sẽ vui, nhưng bản thân anh cho rằng 1-2 con mới có thể chăm lo đầy đủ, vì thế, theo anh Rek ngoài sự sẻ chia, yêu thương nhau, việc sinh ít con cũng là bí quyết giúp gia đình anh bảo vệ được nền tảng hạnh phúc.
Chia tay chúng tôi, vợ chồng anh Lê Văn Rek để lại một “kinh nghiệm” nhỏ trong việc giữ gìn tổ ấm hạnh phúc, đó là ngoài sự yêu thương trong gia đình, phải sống thực, gần gũi với anh em, bà con xóm giềng cuộc sống mới “trong ấm, ngoài êm”.