Ngày 12/01/2022 UBND huyện ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn huyện A Lưới năm 2022. Kế hoạch tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân; cơ quan, doanh nghiệp, làng, thôn, tổ dân phố; hộ gia đình
a, Các cơ quan Trung ương, tỉnh, các ban, ngành cấp huyện, các đơn vị, trường học trên địa bàn tổ chức chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh môi trường ở nơi làm việc sáng, xanh, sạch, đẹp; sắp xếp phòng ốc làm việc gọn gàng, ngăn nắp, văn hóa văn minh.
b, Chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn sâu rộng và đồng bộ trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các ngành, cơ quan, cộng đồng dân cư tạo nên phong trào quần chúng rộng rãi từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng và toàn xã hội.
c, Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào kế hoạch hoạt động của cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương để thực hiện. Tuyên truyền, xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Vận động nhân dân không để tang quá 72 giờ, không rải vàng mã khi đưa tang, không thả vàng mã, hàng mã xuống các dòng suối, sông, ao, hồ, hạn chế đốt vàng mã khi cúng, không mê tín, dị đoan, bói toán...
d, Đa dạng hóa công tác tuyên truyền
- Tuyên truyền bằng hình thức cổ động trực quan như: pa nô, áp phích, băng rôn; đặc biệt tập trung vào các đợt cao điểm.
- Tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh của Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện, hệ thống phát thanh của xã, trang thông tin điện tử huyện…
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong hệ thống trường học các cấp cho học sinh, lồng ghép tuyên truyền qua các buổi ngoại khóa của học sinh.
- Tổ chức truyền miệng qua các buổi họp dân tại các làng, thôn, tổ dân phố hay các tổ chức đoàn thể địa phương như: Chi bộ thôn, chi bộ dân phố; hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, hội nông dân, ĐTNCS Hồ Chí Minh…để tuyên truyền sâu rộng đến các đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân; nêu cao trách nhiệm, nêu gương, vận động của cán bộ, đảng viên đối với người thân và nhân dân nơi cư trú về xây dựng nếp sống văn minh;
- Tổ chức tuyên truyền việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trên các mạng xã hội, trên cổng thông tin điện tử…
2. Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng không gian, cảnh quan văn minh, hiện đại
a, Tập trung chỉnh trang và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn một cách đồng bộ, chú trọng đến những địa điểm công cộng, các khu du lịch, các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các khu danh lam thắng cảnh…
b, Lồng ghép việc chỉnh trang hạ tầng cơ sở nông thôn với các dự án xây dựng nông thôn mới ở các địa phương nhằm đảm bảo việc thực hiện nếp sống văn minh.
3. UBND các xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tăng cường công tác kiểm tra để nhắc nhở, xử lý việc lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán, họp chợ, đặt biển quảng cáo, phát tờ rời, vi phạm về xả thải gây ảnh hưởng môi trường và các hành vi vi phạm về nếp sống văn minh đô thị và nông thôn. Ngăn chặn và xử lý nghiêm các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình; tình trạng nâng giá, ép giá, tranh giành…
* Riêng đối với UBND thị trấn A Lưới:
- Tuyên truyền, vận động xây dựng thị trấn A Lưới trở thành “Thị trấn sáng, xanh, sạch, đẹp”; không treo, dán quảng cáo, rao vặt trên cây xanh, cột điện, công trình công cộng...; thu gom và xử lý chất thải, rác thải đúng nơi quy định.
- Tiếp tục phát huy, xây dựng các tuyến đường văn minh Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp.
- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kịp thời các điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa có hành vi vi phạm theo quy định.
4. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; tiếp tục thực hiện các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”; “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” gắn với phong trào thi đua “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.
Tiếp tục thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá “Xanh - Sạch - Sáng” cấp xã trên địa bàn huyện.
5. Nâng cao vai trò chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và điều hành thực hiện của chính quyền các cấp
a, Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong thực hiện NSVMĐT&NT trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, huy động sự tham gia tích cực của người dân.
b, Ngăn chặn và xử lý nghiêm các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình; Hoàn thiện các quy định, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về việc thực hiện NSVMĐT&NT và tổ chức xử phạt các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.
6. Phát huy vai trò của quy ước, hương ước xây dựng khu dân cư văn hóa
Đẩy mạnh việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố văn hóa đảm bảo quy định của pháp luật. Đưa tiêu chí thực hiện các quy định về việc thực hiện NSVMĐT&NT vào quy ước, hương ước và xem đây là tiêu chuẩn xét công nhận các danh hiệu văn hóa hàng năm.
7. Đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 21/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022 gắn với đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đám cưới, đám tang, lễ hội. Các cơ quan, đơn vị hạn chế hoạt động tổng kết, giao lưu, liên hoan cuối năm.
P.H