A Lưới là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của Thừa Thiên - Huế, giáp với biên giới nước bạn Lào. Thế nhưng, trải qua bao thăng trằm lịch sử, nhiều chấn tích để lại, huyện này đã không ngừng phấn đấu nổ lực và đột phá “thay da, đổi thịt” từng ngày trong niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân của các đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Tin tức cho biết, huyện A Lưới được thành lập vào tháng 3/1976. Hiện, toàn huyện có 20 xã và 1 thị trấn chủ yếu phân bổ dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh với dân số khoảng 44.000 người. Trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 80%.
A Lưới có Vị trí nằm tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Đặc biệt, nơi đây có 2 cửa khẩu liên thông với nước bạn Lào là cửa khẩu A Đớt - Tà Vàng (tỉnh Sê Kông) và cửa khẩu Hồng Vân - Cu Tài (tỉnh Saravan), tạo điều kiện thuận lợi cho huyện nhà có thể thông thương với các nước trong khu vực qua cửa khẩu Lao Bảo - Quảng Trị. Đồng thời, đường Hồ Chí Minh được nối với QL 49 và giao nhau trên trục đường QL 1A tạo thành điểm kết nối thuận lợi giữa A Lưới với trung tâm TP Huế và các huyện đồng bằng của tỉnh.
Với những điều kiện thuận lợi trên, trong những năm gần đây, A Lưới đã có những bước chuyển mạnh mẽ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Bộ mặt huyện đã được khởi sắc từng ngày.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Trừ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện A Lưới cho biết: “A Lưới là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và luôn giữ trong mình nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích chiến tranh cách mạng tiêu biểu. Trong đó, kể đến là di tích đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Con đường này đã đi vào huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Ngoài ra, huyện An Lưới còn có hệ thống di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu như: khu ủy Trị Thiên trong dãy núi A Túc, cụm địa đạo Động So, A Đon, động Tiên Công; các sân bay như A So, A Lưới, A Co và đồi ABia...
Đặc biệt, bản sắc văn hóa truyền thống đa sắc màu của các dân tộc với các làng nghề truyền thống, các món ăn dân gian là những điểm du lịch hấp dẫn cho du lịch sinh thái, du lịch di tích lịch sử và du lịch cộng đồng. Qua đó, huyện đã thu hút du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, nghĩ mát với lượng khách khá đông mỗi năm”.
Trong 6 tháng đầu năm, huyện A Lưới đã đạt được những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất ước gần 15%; các lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm ngoái; tổng thu ngân sách đến 31/5 đạt 55,853/70 tỷ đồng đạt 7,9% kế hoạch nghị quyết giao...
Lĩnh vực văn hoá, xã hội của huyện tiếp tục có bước tiến khả quan; an sinh được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của bà con nhân dân từng bước được cải thiện; Công tác GD - ĐT được chú trọng; các chương trình y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không ngừng được nâng cao.
Đặc biệt, lãnh đạo trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình đã duy trì tốt các mô hình cụm dân cư không sinh con thứ 3 trở lên. Trong đó, có 8 thôn đạt 3 năm liền, 23 thôn đạt 2 năm liền, 24 thôn đạt 1 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên. Điển hình, tính đến 6 tháng đầu năm có 5 xã không có trường hợp nào sinh con thứ 3 trở lên như: xã Nhâm, Bắc Sơn, Hương Phong, Hương Lâm và A Đớt.
Ông Lê Văn Trừ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện A Lưới
Cũng theo ông Lê Văn Trừ, tại kỳ họp HĐND huyện khóa X, các đại biểu đã tập trung thảo luận và quyết định các phương hướng, giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu trong năm 2015. Quan trọng nhất là hoàn thành quy hoạch chi tiết đô thị A Lưới mở rộng.
Theo đó, huyện đã đề ra mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội đạt tốc độ tăng trưởng cao theo hướng bền vững; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng đầu tư chiều sâu, sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, huyện còn đặt mục tiêu hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, kiên cố hóa; xây dựng xã hội ổn định, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao đi đôi với giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc.
Dẫu chưa hết những khó khăn, thiếu thốn, nhưng nhân dân và đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây đã và đang từng bước biến một vùng đất “chết” của chiến trường xưa thành vùng đất màu mỡ xanh tươi để phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện mới. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện luôn chú trọng đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh biên giới, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; phấn đấu xây dựng đô thị A Lưới xứng tầm là đô thị động lực phía Tây của tỉnh để gắn kết với hệ thống đô thị Thừa Thiên - Huế trong tương lai.