Và, ông cũng là người Pa Kô đầu tiên ở huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế, vinh dự được mang họ Hồ và được gặp Bác đến 5 lần.
Người du kích Pa Kô quả cảm
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng những ký ức thời binh lửa vẫn nguyên vẹn trong tâm trí của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đức Vai (SN 1942, ở thôn Lê Lốc, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đối với cựu binh người dân tộc Pa Kô ngoài 70 tuổi này thì những ngày tháng xông pha ngoài trận mạc dường như vừa mới diễn ra...
“Từ năm 1961 - 1961, A Lưới là một trong những căn cứ địa cách mạng tử huyệt, chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong kháng chiến cứu nước. Thời đó, bà con dân tộc Pa Kô nói riêng và quê hương A Lưới nói chung là cái nôi của những cuộc cách mạng, hễ có địch xuất hiện là tinh thần chiến đấu chống giặc của tất cả bà con trong quần chúng nhân dân lại lên cao, ai nấy đều nêu cao tinh thần kháng chiến đánh giặc ngoại xâm, bằng mọi cách phải tìm địch mà diệt, đẩy lùi cuộc tiến công của địch. Chính vì vậy, lúc bấy giờ, giặc Mỹ liên tục đổ quân đóng tại đồn Aso (xã Đông Sơn) để mở các cuộc càn quét bằng các phương tiện vũ trang hiện đại; chúng thả bom Napal khắp các núi rừng, suốt các ngày đêm sát hại dã man đồng bào ta...", anh hùng Hồ Đức Vai nhớ lại.
Chứng kiến cảnh quân đội Mỹ dùng hình thức tàn độc giết hại bà con, A Vai không thể nén chịu cái cảnh đau thương nhìn các anh, chị, trẻ em bị chôn vùi dưới bom đạn của địch nên ông đã tình nguyện tham gia đội du kích địa phương. Thời gian đầu, ông được giao nhiệm vụ làm liên lạc. Một năm sau, ông chính thức được giao nhiệm vụ làm Tiểu đội trưởng. Vì trong tiểu đội, một số anh em có phần bỡ ngỡ, chưa quen với việc đánh giặc, ông tận tình dìu dắt. Trong mọi mặt công tác, A Vai đều luôn luôn gương mẫu, việc gì khó khăn nguy hiểm, đồng chí cũng xung phong làm trước cho anh em noi theo, tận tình chỉ bảo, giúp đỡ đồng đội, khiêm tốn học hỏi đồng chí được anh em tin yêu, nhân dân mến phục.
Với lòng nhiệt huyết và tinh thần chiến đấu quả cảm, đội du kích do ông phụ trách khiến cho quân địch ngày càng run sợ. Chỉ tính riêng trong năm 1961, A vai đã cùng đồng đội, đồng chí của mình đánh trên 20 trận lớn nhỏ, diệt 32 tên địch, bắn bị thương 9 tên, làm sập hầm chông chết 1 tên và bị thương 50 tên khác. Lợi dụng địa hình đồi núi hiểm trở và dùng cách đánh du kích truyền thống, trong suốt năm 1962, A Vai đã nhiều lần cùng anh em đánh chặn thành công các trận càn của địch, để đồng bào yên tâm sản xuất.
Lúc bấy giờ, cơ sử cách mạng ở vùng cao còn rất yếu, bọn địch thường truy lùng tìm bắt cán bộ và đàn áp, bóc lột nhân dân thậm tệ. Ngoài nhiệm vụ ngăn chặn các trận càn của địch, A Vai còn được cấp trên giao phó cho nhiệm vụ vận động nhân dân đứng lên chống giặc, vót chông rào làng và trồng sắn ủng hộ cách mạng. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, hàng ngàn cây chông đã được vót và cắm xung quanh những nơi địch thường hành quân, tạo nên một thế trận phòng bị hết sức vững vàng. Đồng thời, hàng ngàn gốc sắn cũng được đồng bào trồng gần doanh trại quân đội của ta, để phòng khi quân lương chưa chuyển kịp.
Trận đánh mà A Vai nhớ nhất là vào ngày 11/7/1963. Khi đó, A Vai đang làm rẫy thì nghe tin địch càn vào xã A Ninh. Thời gian quá gấp, không đủ để chạy về huy động anh em, ông một mình vác súng chạy tắt rừng, đón đầu hướng di chuyển của địch. Sau khi đã tìm được vị trí mai phục ở núi A Sờ thì đột nhiên ông lên cơn sốt rét. Quyết không lùi bước, khi phát hiện đội hình địch hành quân qua, ông nghiến răng dùng tiểu liên quét liên hồi. Sau loạt đạn, 3 tên địch bị tiêu diệt tại chỗ, số còn lại hốt hoảng chạy tháo thân, bỏ dở cuộc càn.
Trận đánh chia lửa kết hợp với người cháu ruột là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kan Lịch cũng là một thời khắc A Vai không bao giờ quên: Sau khi biết tin địch sẽ có trận càn lớn, 3 ngày 3 đêm, 12 anh em phục sẵn. Hết lương thực, nhiều người quá đói bụng nên định “bỏ súng”. Kan Lịch một mực quyết tâm: Đói, khát, đổ máu cũng phải đánh nhưng bằng mọi cách để có “cái vào bụng”. Thừa cơ địch ở các đồn đi họp bàn chuyện tổ chức trận càn sắp tới, tất cả anh em ập vào lấy hết lương thực cho người mang về rồi lên phương án chiến đấu. Khi địch trở về, tất cả các chốt xả đạn, bất ngờ nên thương vong phía quân địch trong trận này rất lớn.
Từ những trận đánh như thế, cái tên A Vai đã lan nhanh đến khắp buôn làng người Pa Kô sinh sống, trở thành biểu tượng của lòng anh dũng trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Ông có tầm ảnh hưởng lớn đến tinh thần đấu tranh của đồng bào vùng cao lúc bấy giờ.
Vinh dự được Bác Hồ đặt tên
Với những chiến tích của mình, Đức Vai được ra Bắc gặp Bác. Thời khắc 17 giờ ngày 15/10/1965, trở thành giây phút thiêng liêng trong suốt cuộc đời ông. “Năm 1965, tôi được địa phương chọn đi dự Đại hội Chiến sỹ Anh hùng thi đua toàn miền Nam, tổ chức tại Tây Ninh. Trong số 32 cán bộ, chiến sỹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, có 2 du kích người dân tộc thiểu số, trong đó có tôi và anh Pi Năng Tăk, dân tộc Răglai (tỉnh Ninh Thuận). Trong lúc trò chuyện, biết tôi là người thiểu số, Bác đã ân cần căn dặn: “Cháu đã làm cán bộ thì phải học cái chữ. Có biết đọc, biết viết mới nói tiếng Kinh rõ được, mới làm cán bộ của đồng bào, phục vụ cách mạng được...”.
Thời điểm ấy, A Vai dù rất muốn được ra Bắc để học chữ, nhưng vì miền Nam lúc đó các anh em, đồng bào, chiến sỹ cách mạng còn đang trải qua những tháng ngày cực khổ và sống trong những chuỗi ngày khó khăn khi mà địch liên tục mở các cuộc không kích, oanh tạc tàn bạo nhằm trả thù, giết hại bà con. Đứng trước ngưỡng cửa như vậy, Anh hùng A Vai đã trả lời Bác bằng một câu rất thật thà, khiến Bác vô cùng xúc động: “Dạ thưa Bác, cháu phải trở về miền Nam cùng đồng bào tham gia góp công sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, để miền Nam mau chóng được giải phóng, còn mời Bác vô thăm đồng bào cháu!”.
Anh hùng Hồ Đức Vai (bên phải) và Anh hùng Kan Lịch
Rồi liên tục các năm sau đó, A Vai luôn được gặp Bác và được ăn cơm, trò chuyện thân mật với Bác. Bây giờ, mặc dù ở cái tuổi xế chiều nhưng ông vẫn nhớ như in từng lời căn dặn của Bác trong lần gặp gỡ thứ 3 vào năm 1967: “Là một cán bộ, khi làm việc, tiếp xúc với nhân dân, cháu phải nhớ, việc gì trái, dù nhỏ nhất cũng phải tránh, việc gì phải, dù khó khăn đến mấy cũng phải làm cho bằng được”. Vài năm sau, A Vai lại được gặp Bác một lần nữa, tại Phủ Chủ tịch. Khi ấy, Bác khen A Vai là người biết học hỏi, cần cù, chăm chỉ. Sau đó, ông vinh dự được cùng Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm các Đại sứ quán của các nước.
"Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, tôi đã từng trải qua nhiều khó khăn, gian khổ. Mỗi trận đánh, mỗi kỷ niệm vui, buồn đều in dấu trong tôi. Thế nhưng, kỷ niệm sâu đậm nhất, ngọt ngào và thiêng liêng nhất là những lần được gặp Bác Hồ. Mỗi lần gặp, Bác đều thăm hỏi, động viên, dặn dò rất kỹ. Bây giờ, tuy Bác đã đi xa, nhưng dù vậy, đồng bào Pa Kô mình vẫn luôn khắc ghi những lời dạy của Bác, nguyện đem tất cả sức lực và trí tuệ để phục vụ quê hương, đất nước. Nhưng điều hạnh phúc nhất đối với tôi là được đích thân Bác Hồ đặt cho cái tên Hồ Đức Vai. Sau đó, để tri ân tấm lòng của Bác, tôi đã về vận động đồng bào đổi tên thành họ Hồ, và tất cả đồng bào Pa Kô ở A Lưới đều nghe theo...”, A Vai nhớ lại.
Kết thúc chiến tranh, Hồ Đức Vai từng có hai nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội, là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam hai khoá... Sau khi về hưu, ông lấy công tác từ thiện làm lẽ sống. Khi còn làm Chủ tịch Quỹ Bảo trợ Trẻ em huyện A Lưới, suốt ngày ông lặn lội tìm đến với từng số phận, những nạn nhân chất độc da cam, những người có hoàn cảnh đặc biệt. “Các cháu không có tội tình gì cả nhưng phải hứng chịu nỗi đau. Chúng ta phải chia sẻ, phải đồng lòng, giúp các cháu hoà nhập với cộng đồng là trách nhiệm của toàn xã hội…”, ông Vai chia sẻ.
Nay, dù sức khỏe đã suy giảm nhiều nhưng Anh hùng Hồ Đức Vai vẫn tích cực tham gia tuyên truyền, phát động bà con dân bản hăng hái tham gia lao động sản xuất, bám bản làng, trồng tỉa và nhất là ông rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục cho con em đồng bào dân tộc. Chính vì lối sống khiêm nhường, giản dị, hết lòng vì lợi ích chung của cả cộng đồng như thế nên Hồ Đức Vai luôn được đồng bào yêu mến và quý trọng. Ông chẳng khác gì cây đại thụ trong lòng đồng bào dân tộc Pa Kô.