Vượt gian khó
Nắng mưa hay giá rét, mỗi ngày cô Nguyễn Thị Tứ (Hiệu trưởng Trường mầm non A Roàng) vẫn đi đi về về quãng đường từ nhà đến trường chừng 80km. Vậy nhưng điều này chẳng là gì so với gian khổ của thời gian đầu khi cô mới về trường nhận nhiệm vụ đứng lớp. “Tôi chưa một lần đến A Roàng, xã xa xôi hẻo lánh của A Lưới. Đi mà cứ lạc đường hoài, tìm không ra trường: khóc. Nhìn cơ sở là những phòng học cũ (của trường tiểu học đã chuyển đến địa điểm khác) xập xệ, tường mốc meo, bong tróc, mái dột nát, không nước máy, không nhà vệ sinh: khóc. Chẳng biết “mô tê” tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, không đọc được tên học trò: khóc… Nản lắm”. Thế nhưng, những gương mặt lem luốc, mũi chảy thò lò, mái tóc rối bù, những bàn chân trần nhỏ bé không giày dép của học trò, đã níu chân cô giáo Tứ. “Cha mẹ suốt ngày bận lên nương rẫy, nên bé chút xíu vậy mà các cháu phải chân trần đi bộ 6, 7km đường rừng núi để đến lớp. Thương lắm! Càng thương hơn nữa những cháu nhà quá xa, buổi trưa ở lại trường (trước đây, trường chưa có bếp ăn), nhưng gia đình nghèo không thể cho con thức ăn mang theo. Đành san sẻ phần mì gói ít ỏi của cô cho trò.
Như người cha, thầy giáo Lê Đăng Minh tranh thủ buộc lại mái tóc rối bù của học trò trước lúc giảng bài
Thời chưa có nước máy, 6 cán bộ giáo viên nhân viên Trường mầm non A Roàng phải thay nhau đi xách từng xô nước suối về phục vụ sinh hoạt cho 112 trẻ. “Không đếm hết những lần đường trơn, trượt chân ngã, những lần hốt hoảng thả rơi xô nước vì vắt rừng bám vào người. Khập khiễng quay lại suối. Hì hụi thở. Lại xách xách, bưng bưng để luôn có đủ nước giặt giũ, gội đầu, rửa mặt… cho các cháu”, chị Tứ chia sẻ. Gian nan đó cũng không xa lạ gì với thầy cô giáo các trường mầm non, tiểu học khác trên địa bàn xã A Đớt, A Roàng, Hồng Thủy, những nơi xa xôi tận cùng. Thầy giáo Nguyễn Văn Nang (giáo viên Trường tiểu học A Đớt), người từng có thời gian dài dạy học ở A Roàng, kể trước đây xe đạp cũng không có, mỗi lần đi bộ qua đèo A Năm, thầy cô nào cũng ớn. “Chúng tôi còn cuốc bộ suốt hai ngày đường rừng để đến “cắm bản”, mỗi đợt vài tháng tại xã Hương Nguyên (trước kia xã này chưa di chuyển đến địa điểm như hiện nay). Lương thực mang theo, tiêu chuẩn ít ỏi, thiếu thốn lắm, nhưng lúc nào cũng sẵn lòng san sẻ với người dân”, thầy Nguyễn Văn Duy (hiện là Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học A Đớt) nhớ lại. Người giáo viên miền xuôi đã gắn tuổi trẻ và cuộc đời mình tại mảnh đất núi rừng A Lưới, ký ức không bao giờ phai nhạt hình ảnh những đồng nghiệp qua suối khi lũ về, bị cuốn trôi mất dép, chân đất đứng trên bục giảng vẫn say sưa giảng bài, uốn nắn cho các em từng nét chữ…
Yêu thương
Tiếng trống giục giã học sinh Trường tiểu học A Roàng. Những cô cậu học trò nhễ nhại mồ hôi, bỏ lại các trò chơi trên sân trường đầy nắng, vào lớp học. Đang đứng trên bục giảng, thầy Lê Đăng Minh đặt vội cuốn sách giáo khoa xuống bàn giáo viên, lấy từ hộc bàn ra mấy vòng dây thun xinh xắn, nhanh chóng đi xuống phía bức tường cuối lớp, nơi có chiếc giá nhỏ. Lấy chiếc lược giắt trên giá, thầy Minh đến cạnh mấy cô học trò lớp hai, chải và buộc gọn gàng mớ tóc rối bù dính bết. Nữ phó hiệu trưởng đang kiểm tra phía ngoài hành lang cũng nhanh nhẹn phụ giúp đồng nghiệp, để lớp học nhanh chóng ổn định. Chị cho biết, thường nhà trường phân công giáo viên nữ chủ nhiệm các khối lớp một, lớp hai. Bởi ngoài việc giảng dạy kiến thức, giáo viên phải cẩn thận chăm chút các em từng ly từng tý. Thầy Minh từ miền xuôi lên “bám” trường nhiều năm, có tấm lòng như người mẹ, nên được tín nhiệm. Biết vất vả hơn, nhưng thương học trò nơi xa xôi còn nhiều thiệt thòi, thiếu thốn, thầy Minh lặng lẽ làm thật tốt mọi công việc.
Cũng bởi nặng lòng yêu thương mà bây giờ đã là hiệu trưởng, nhưng cô Nguyễn Thị Tứ hàng ngày vẫn theo sát các cháu, nhất là cháu lớp bé. Giờ ăn trưa, cô Tứ đi hết lượt các lớp, nhẹ nhàng ân cần dỗ dành, bón từng thìa cho những trẻ biếng ăn. Tình yêu thương của “người mẹ thứ hai” đối với các em đã sâu nặng từ những ngày gian khó. “Thiếu thốn mọi thứ, kể cả sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, nên chúng tôi càng nâng niu, bù đắp cho các cháu. Gội đầu, cắt tóc, cắt móng tay, móng chân cho các cháu phải hết sức kỹ lưỡng. Trẻ đi vệ sinh xong, cô giáo càng cẩn thận hơn, dùng tay để rửa ráy, như chăm sóc con đẻ của mình vậy.” Cô Đinh Thị Luyến (giáo viên Trường mầm non A Roàng), người thường chở các cháu về nhà vẫn giật mình khi nhớ lại lần nửa đêm hốt hoảng “cầu cứu” công an xã, vì phụ huynh báo “mất” cháu. Lần đó, cô Luyến chở một trẻ về nhà. Nhà dân ở A Roàng thưa thớt, cách xa nhau, không tiện việc hỏi đường. Cái chính là tin tưởng chỉ dẫn của học trò, cô Luyến dừng xe trước ngõ nhà mà cháu bảo là “của cháu”. Ai ngờ… Gia đình và nhà trường “tán loạn” cả lên. Hơn ai hết cô Luyến như ngồi trên đống lửa, vừa lo lắng, vừa thương đứa trẻ không biết như thế nào, có gặp bất trắc gì không. May sao sau đó, học trò được “phát hiện” đang ngủ ngon lành tại nhà… ông bà ngoại, ngôi nhà mà lúc chiều cháu bảo cô dừng lại trước ngõ.
Bây giờ, Trường mầm non A Roàng khang trang với nhiều phòng học mới, nhiều khu vực vui chơi và những cây bằng lăng nở hoa rạng rỡ… 26 cán bộ giáo viên, nhân viên chăm sóc cho 205 trẻ. Từ năm 2013, trường đã xây dựng được bếp ăn. 100% trẻ được đi học và được cha mẹ đưa đón. Sự phát triển về cơ sở vật chất và chất lượng dạy học là thành quả và đích đến của các ngôi trường trên địa bàn vùng xa huyện A Lưới. Kết quả đó “ghi” những bước chân thầm lặng của các thấy cô giáo đã đến từng nhà trong bản làng xa xôi, vận động phụ huynh cho các em đi học, lấy tấm lòng cha mẹ để dạy dỗ, chăm sóc, yêu thương học trò.