Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

A Lưới mảnh đất giàu tiềm năng – Cái nôi của cách mạng
Ngày cập nhật 24/04/2015
A Lưới hôm nay

Được biết đến là mảnh đất với truyền thống anh hùng cách mạng, từ bao đời nay, mảnh đất và con người A Lưới đã làm nên trang sử vẻ vang, gắn với truyền thống lịch sử xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Con người và mảnh đất A Lưới đã làm nên một bề dày truyền thống anh hùng, bất khuất chống giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại và phát triển. Trải qua 40 năm lớn lên và trưởng thành, quá trình đấu tranh ấy, biết bao thế hệ người con A Lưới đã nối tiếp nhau đứng lên đấu tranh với kẻ thù, với thiên nhiên, tô thắm thêm trang sử truyền thống của dân tộc mình…

Nhắc tới Thừa Thiên Huế, hẳn sẽ là thiếu sót nếu không nói tới A Lưới, bởi A Lưới là một trong những mảnh đất giàu tiềm năng, Cái nôi của cách mạng. Năm 1949 người dân A Lưới đã theo Đảng, Bác Hồ, mảnh đất A Lưới đã trở thành cơ sở cách mạng, nuôi giấu các cán bộ hoạt động cách mạng và là nơi diễn ra những trận đánh khốc liệt nhất (Đồi A Bia, Đồi thịt băm), đến tận bây giờ mảnh đất này vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật trong hai cuộc kháng chiến, những giá trị truyền thống với những di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng gắn liền với 02 cuộc chiến tranh vĩ đại chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc như cụm Địa đạo Động So, Địa đạo Nam Sơn, Địa đạo A So - A Túc, A Nôr, A Púc, A Ting, Ca Vá, Còng Abó, Cốp, Địa đạo 49… Động Tiên Công, Địa đạo AĐoon, Địa đạo ABó, Địa đạo Tà Lương, Địa đạo Cốp, Động Pâr Lêêch, Động Koòng Óc, Sân bay ASo, Sân bay A Lưới, Sân bay ACo… và giờ đây cũng là điểm đến lý tưởng cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu, hiếu kỳ khám phá những điều huyền bí về mảnh đất cũng như con người nơi đây.

Những người con anh hùng

Hệ thống Địa đạo và Sân bay

Ông Hồ Mạnh Khóa - Nguyên Chỉ huy trưởng, Ban chỉ huy Quân sự huyện (nhân chứng sống) kể lại: Từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 20 tháng 5 năm 1969 ở Thừa Thiên-Huế, trận chiến nổ ra khi Mỹ tập trung lực lượng gần 2.000 quân dưới sự yểm trợ mạnh của hỏa lực phi pháo để đánh chiếm quả đồi (núi A Bia, phía Mỹ gọi là Cao điểm 937) do 2 tiểu đoàn bộ đội chiếm giữ. A Bia là điểm cao đột xuất (937m) nằm giữa vùng rừng núi trùng điệp gần biên giới Việt-Lào (cách 1,9 km). Đỉnh A Bia có ba mỏm đứng thế chân kiềng cao xấp xỉ nhau, cách nhau khoảng 400m. Toàn bộ núi là một dải gồ ghề, hoang dã bao phủ bởi rừng với những tán tre mọc dày đặc cộng với cỏ voi cao ngất. Các dân tộc địa phương A Lưới gọi A Bia là "núi muông thú ẩn mình". 

Trận đánh diễn ra bằng bộ binh, xe tăng, máy bay. Các đơn vị của QĐND Việt Nam, dân quân địa phương đã dựa vào địa thế hiểm trở cùng thời tiết khắc nghiệt của rừng núi để đánh bại mọi cuộc càn quyét của quân địch. Dù được yểm trợ mạnh bởi pháo binh và không quân, các cuộc tấn công của Mỹ đã nhiều lần bị đẩy lùi bởi sự phòng ngự có hiệu quả của phía QĐNDVN và dân quân địa phương. Các trận đánh trên Cao điểm 937 xảy ra tháng 5 năm 1969 Ngọn đồi này sau trận đánh đã được lính Mỹ gọi là "Đồi Thịt Băm" - Hamburger Hill, như một cách thể hiện độ khốc liệt và thương vong cao của lính Mỹ. Chiến thắng A Bia làm chấn động dư luận nước Mỹ.

Với QĐNDVN nói chung và nhân dân các dân tộc thiểu số A Lưới nói riêng, những kết quả thu được trong trận đánh lịch sử ở Đồi A Bia đã cổ vũ và thúc đẩy phong trào đánh phá "bình định" đang phát triển ở các địa phương. Chiến thắng A Bia đã đi vào trang sử truyền thống của QĐNDVN và các dân tộc thiểu số huyện A Lưới và là mốc mở đầu cho giai đoạn khôi phục lại thế trận xuống đồng bằng, lập lại thế ba vùng chiến lược sau Tết Mậu Thân 1968, góp phần vào sự thắng lợi, giải phóng đất nước.

Dưới chân Đồi A Bia

Ông Hồ Mạnh Khóa thắp hương cho các đồng chí, đồng đội tại A Bia

A Lưới được biết đến là vùng đất của người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu,…với biết bao giai thoại về những phong tục truyền thống tốt đẹp của những người con vùng cao A Lưới anh hùng. Đó cũng là vùng căn cứ cách mạng của vùng núi phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ rất sớm, đồng bào nơi đây đã nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, giác ngộ tinh thần yêu nước…Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm (1945 – 1974), quân và dân A Lưới đã anh dũng đứng lên giữ đất giữ làng, từng bước đánh thắng mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù xâm lược, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước A Lưới có khoảng 15.000 người thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng đã có trên 10.000 người tham gia cách mạng, làm du kích, dân quân hỏa tuyến... A Lưới có hơn 702 liệt sỹ; hơn 1.500 thương bệnh binh và 1.444 người có công với cách mạng. Quân và dân huyện A Lưới đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 16/21 xã, thị trấn và 08 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn huyện có 13 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. hàng chục ngàn gia đình có công với cách mạng… Và trong số ấy, có không ít người con của đồng bào dân tộc Miền tây Thừa Thiên Huế đã anh dũng chiến đấu, trở thành những Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, góp công sức vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

Anh hùng Kăn Lịch và anh hùng Hồ Vai

Anh hùng Kăn Đơm

Mẹ Việt Nam anh hùng

A Lưới, với 2 con đường lịch sử: đó là Quốc lộ 14 (Đường Hồ Chí Minh) phía Bắc là tỉnh Quảng Trị, phía Nam là tỉnh Quảng Nam và Quốc lộ 49 được nối từ A Lưới đến Huế. Trung tâm Thị trấn nằm trong một thung lũng trải dài dọc theo đường Hồ Chí Minh, bốn bề là núi. Có thể nói A Lưới là một trong số ít huyện của tỉnh có được thung lũng đẹp, dài, rộng của vùng miền núi sơn cước, với diện tích tự nhiên 1.224,64 km2 cùng đủ các loại động, thực vật hoang dã cư trú dưới những tán rừng rậm nguyên sinh trên những ngọn núi trùng trùng, điệp điệp. Một trong những nét đặc biệt là người dân A Lưới rất mến khách, hiền hòa, với khí hậu quanh năm mát mẻ đất ở thung lũng A Lưới vô cùng màu mỡ, đất mịn, đen thẫm và rất phù hợp với các loại cây trồng, vật nuôi chính vì mảnh đất màu mỡ phì nhiêu mà thiên nhiên ban tặng này mà cuộc sống của người dân A Lưới hôm nay ngày thêm ấm no.

Đường Hồ Chí Minh, Hầm A Roàng

Rừng nguyên sinh

Quốc lộ 49 A Lưới - Huế

Sau giải phóng (1976), A Lưới tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện khai hoang, vỡ hóa, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, xây dựng công trình thủy lợi... Ông Lê Văn Trừ - Bí thư Huyện ủy nhớ lại: Ngày mới giải phóng, dân mình khổ lắm, từ một địa phương có điểm xuất phát rất thấp, trình độ dân trí còn quá hạn chế; đất đai, rừng núi trơ trọi bởi chất độc hóa học; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (làm lúa rẫy), buôn bán nhỏ lẻ và lao động phổ thông, mức thu nhập bình quân đầu người quá thấp, đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc; cơ sở hạ tầng điện, đường, trường trạm còn quá sơ khai và vô cùng khó khăn; phong tục tập quán lạc hậu, ốm đau, dịch bệnh, lụt bão triền miên… Thế nhưng, Đảng bộ và chính quyền huyện đã kêu gọi nhân dân quyết tâm phát huy truyền thống quê hương “Trung dũng, kiên cường” để vươn lên; đặc biệt là tập trung sức người, sức của nhằm khắc phục và hàn gắn vết thương chiến tranh… Giờ đây, đã 40 năm trôi qua sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, những người con A Lưới phấn khởi, vui mừng trước sự đổi thay từng ngày của quê hương. Và để làm nên sự đổi thay kỳ diệu ấy, không thể không kể đến những chiến công của đồng bào dân tộc trên dãy trường sơn và những người đã ngã xuống vì mảnh đất A Lưới hôm nay. Bước vào thời kỳ đổi mới, Huyện ủy lúc bấy giờ đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của huyện; vừa tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp trên, vừa phát huy nội lực của địa phương trên các lĩnh vực: Kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và các mặt công tác khác của Đảng bộ.

Hình ảnh minh họa

A Lưới giờ đây đã thuận lợi nhiều, giao thương nhộn nhịp hơn bao giờ hết, đời sống người dân nơi đây chuyển biến theo hướng đáng tự hào. Điều đó có được là do người dân A Lưới không chỉ một lòng theo Đảng mà còn biết phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước đã không quản ngại máu xương, ngã xuống vì độc lập tự do cho quê hương. Trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân huyện A Lưới đã và đang tiếp tục nêu cao truyền thống cách mạng, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Tất cả những thành quả ấy đã mang lại cho A Lưới danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” sự tôn vinh ghi nhận những cống hiến xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng, điều mà người dân A Lưới tự hào hơn là sau ngày giải phóng quê hương, nhân dân A Lưới luôn biết đoàn kết, cùng nhau vượt qua bao khó khăn, viết tiếp truyền thống, được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, và một điều nữa mà ở những vùng, miền khác không có được đó là người dân A Lưới luôn tự hào, đã tự nguyện lấy họ của Bác “Họ Hồ” làm họ của chính dân tộc mình...

Bình Minh trên mảnh đất anh hùng

40 năm qua đi A Lưới đã từng bước thay đổi đáng kể, tình hình KT-XH ngày càng phát triển rõ rệt; Đặc biệt trong giai đoạn 2010-2015, Đảng bộ và nhân dân A Lưới đã nỗ lực không ngừng phấn đấu đi lên bằng chính đôi bàn chân của mình…. A Lưới ngày nay đã khoác trên mình diện mạo mới, đô thị A Lưới với những ngôi nhà cao tầng, những con đường đã được bê tông hóa, những rừng cây bạt ngàn trải dài biểu hiện cho 1 cuộc sống no đủ. A Lưới tuy không rộng diện tích chiều dài chỉ có khoảng trên 100km, chạy dọc theo đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) phía Bắc giáp Quảng Trị, phía Nam giáp Quảng Nam được thông với các hầm đường bộ. Huyện có 21 xã, thị trấn, với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống (Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Kinh), trải qua bao khó khăn người dân nơi đây vẫn kiên trì bám trụ, miệt mài lao động trên vùng đất khó với ý chí quyết tâm vượt qua đói nghèo, xây dựng quê hương A Lưới ngày một giàu đẹp…

A Lưới hôm nay

A Lưới giờ đây, với nhịp độ tăng trưởng kinh tế luôn ổn định và phát triển, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 13,7%; thu ngân sách đạt trên 100 tỷ đồng; sản xuất lương thực đạt 17.335 tấn/năm, tăng 689 tấn so với cùng kỳ. Công tác xoá đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chăm lo gia đình chính sách được các cấp uỷ đảng và chính quyền quan tâm chỉ đạo; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,64% (1.565 hộ; 6.552 khẩu) xuống còn 11,28% (1.341 hộ; 5.488 khẩu); thu nhập bình quân đầu người đạt 18 – 20 triệu đồng, 100% người dân nghèo được xóa nhà tạm, điện, đường, trường, trạm khang trang... Không dừng ở đó, Đảng bộ và chính quyền A Lưới luôn tập trung lãnh đạo thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, về tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và xây dựng phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với thực hiện các nhiệm vụ đột phá, địa phương cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch, thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, chỉnh trang đô thị... Bên cạnh xây dựng, phát triển hệ thống các khu, cụm du lịch, huyện cũng đã chú trọng đầu tư thực hiện Chương trình nông thôn mới, quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống các xã nằm trong quy hoạch đô thị; xây dựng hàng trăm km đường giao thông nông thôn được cứng hóa, 100% các xã có đường ô tô đến tận trung tâm, các thôn, bản đều có đường giao thông đi lại thuận lợi. Đặc biệt hơn, A Lưới có đến hai Cửa khẩu tiếp giáp với nước bạn Lào ( A Đớt – Tà Vàng; Hồng Vân – Cu Tai), các tuyến đường 74, 71 nối liền với huyện Nam Đông, huyện Phong Điền và hơn nữa A Lưới có những 02 thủy điện quốc gia….góp phần cho phát triển kinh tế, giao lưu, trao đổi hàng hóa… Nhờ đó, đã góp phần làm cho bộ mặt đô thị miền núi phía tây của tỉnh có nhiều đổi thay.

Thủy điện A Lưới

Cửa khẩu A Lưới

Người dân làm kinh tế

Xây dựng nông thôn mới

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá, xã hội, xây dựng con người có bước phát triển mạnh mẽ và là yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững, Đến nay toàn huyện có 50 trường học các cấp và 03 trung tâm, với 1.238 cán bộ giáo viên. Trong đó, có 21 trường mầm non, 18 trường tiểu học, 03 trường Tiểu học -THCS, 05 trường THCS, 03 trường THPT và 03 trung tâm (Trung tâm bồi dưỡng chính trị, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề). có 20/21 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 21/21 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trong đó có 11 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 và có 21/21 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Có 13/50 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 23,4%...Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm thường xuyên, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, triển khai thực hiện Đề án Bảo hiểm y tế toàn dân. Các chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế đã được triển khai có hiệu quả. Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân được nâng cao về chất lượng; có 13/21 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt 83,8%; Tiếp tục duy trì 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ, dịch bệnh được khống chế và đẩy lùi, nhiều năm liền dịch không xảy ra; Quốc phòng - an ninh luôn được đảm bảo; Khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố, phát huy, tạo sự đồng thuận xã hội, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương A Lưới.

Trung tâm Y tế huyện A Lưới

Với những thành tựu trên các lĩnh vực, truyền thống lịch sử, văn hóa của mảnh đất và con người A Lưới cũng luôn được chính quyền địa phương quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị. Với người dân A Lưới phong trào văn hóa - văn nghệ, vẫn mang trong mình nét văn hóa bản sắc, nét độc đáo kết tinh bao đời đó là những lễ hội tâm linh, những nghề truyền thống, những món ăn ẩm thực độc đáo, những ngôi nhà sàn ( nhà Gươl, nhà  Moong) của người đồng bào dân tộc thiểu số nơi miền sơn cước.

Những lễ hội, nhà Gươl, nhà Moong

Về văn hóa tín ngưỡng và văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới, Ông Lê Anh Miêng - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: hiện nay huyện đang triển khai đề án gìn giữ, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc huyện A Lưới...Như: Lễ hội A Riêu, Aza, (gọi là “Ycha Ada”) hay còn gọi lễ đón mừng cơm mới, thường vào những ngày cuối năm (sau khi thu hoạch lúa rẫy về) và chuẩn bị đón năm mới. Đây là lễ hội văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Ca Tu…Với mục đích tạ ơn trời đất đã ban cho con cái, cầu cho mùa màng bội thu… lễ hội thể hiện gần như đầy đủ các loại hình văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số A Lưới (ấn tượng hơn người dân ở đây ăn Tết âm lịch trước đồng bào cả nước 1 tháng). Đây cũng là 1 trong những nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân tộc bản địa. Ngoài bản sắc văn hóa tâm linh người dân nơi đây còn duy trì nghề truyền thống dệt Dzèng, đan lát bao đời ….cùng các món ăn ẩm thực như: xôi hông (adeep ihoat), xôi thui ống, cơm ống/lam (adeep ihoor)…các loại bánh Akoat, Adeep man (Bánh Akoát còn gọi là bánh sừng do có hình dáng giống sừng trâu, được làm từ nếp dẻo không có nhân; bánh Adeep man là loại bánh nếp vừng). Các món ăn chế biến từ cá: cá gói lá rừng vùi tro, cá nướng, lạp cá, gỏi cá, cá nướng ống, mắm cá (pa đẹec buỏi), các loại côn trùng nhuyễn thể (ếch, nhái, con sùng (ha vưr), mối (cláp), con dế (Anút), kiến chua(Aling ca xâu), kiến thơm, (Alinh ca do), kiến đỏ (Kasâu), nhộng ong (Càroi Acon Ghi zớ)...), Các món chế biến từ thịt: thịt nướng tươi, nướng khô, nướng trực tiếp, nướng bằng ống tre, xào, lạp thịt, thịt heo muối chua cũng là một sự thú vị bất ngờ từ cách chế biến đơn giản, dùng lâu dài mà vẫn không mất mùi vị (Thịt thái nhỏ, cho vào hũ, ché hoặc ống tre, dùng tiêu rừng (amất), prí, muối gạo rang giã nhỏ, trộn đều lại với nhau, rồi ủ kín, gác trên giàn bếp, sau khoảng 7 - 10 ngày là dùng được), đối với thức uống có các loại rượu của người Tà ôi, Ka tu và Pa cô rất đa dạng như Ariêu Tà vạc, Ariêu Par đin, Bhua/a riêu thăn (rượu sắn), Avíeet (rượu mía), Adương (rượu mây), Ariêu Chĩa (rượu dứa) và cả Alắc, Axiêu...

Nghề đan lát

Dệt Zièng

Các món ăn thức uống ẩm thực

Tới thăm mảnh đất cách mạng A Lưới, bạn sẽ được ngắm nhìn những nhà sàn sừng sững, được thăm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những di tích lịch sử cách mạng và được nghe kể về những chiến công hiển hách của quân và dân A Lưới, thăm địa đạo nuôi dấu cách mạng trong hai cuộc kháng chiến…Bên cạnh những trang lịch sử hào hùng, những câu chuyện bất hủ, những di tích oanh liệt …A Lưới còn có được một tiềm năng và thế mạnh rất lớn về phát triển các loại hình du lịch như thác A Nôr, thác Pông Chất, hang động Quỳnh Crâm, suối nước nóng Só Trung, rừng nguyên sinh với đa dạng sinh học chạy dọc hai bên đường Hồ Chí Minh hùng vĩ… Điều đáng ghi nhận, mỗi một loại hình du lịch nơi đây đều có những thế mạnh và nét đặc trưng riêng của nó. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để minh chứng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nơi mảnh đất anh hùng lịch sử đầy hấp dẫn này.

Thác, suối

A Lưới xưa và nay, 40 năm qua đi, đây cũng là khoảng thời gian mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện A Lưới luôn phát huy truyền thống “Trung dũng, kiên cường”, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của tỉnh “Với những thành tựu to lớn trong 40 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, quân và dân huyện A Lưới đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang”, đây chính là phần thưởng xứng đáng, chứng minh cho những bước phát triển đáng trân trọng của A Lưới ngày nay” .

A Lưới…cuộc sống và con người nơi đây đã thay đổi nhiều nhưng trong mỗi một con người vẫn luôn có một lòng mến khách. Nghĩ về quá khứ để trân trọng cuộc sống hôm nay và dù còn nhiều gian khó song tin tưởng rằng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây, trong thời gian không xa, A Lưới sẽ trở thành một điểm sáng về phát triển KT- VH, XH phía tây của tỉnh Thừa Thiên Huế và là một điểm đến của mỗi ai khi đến với A Lưới mảnh đất anh hùng./.

Hồ Đàm Giang - BTG H.ủy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.479.495
Truy câp hiện tại 96.521