Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Học làm du lịch - Bài 2: Liên kết để phát triển
Ngày cập nhật 15/04/2015
Khánh thành cụm pano du lịch A Lưới

(TTH) - A Lưới giàu tiềm năng du lịch là điều có thể khẳng định. Du khách đến A Lưới ngoài tham quan những cánh rừng nguyên sinh, còn có cơ hội tìm hiểu phong tục tập quán và nếp sinh hoạt độc đáo của đồng bào các dân tộc. Sự hấp dẫn tăng lên gấp bội khi du khách tham quan các điểm di tích lịch sử cách mạng, như đồi A Bia còn được người Mỹ gọi bằng cái tên rất “hót” Hamburger hill (tức đồi thịt băm), địa đạo A Đon, di tích Chỉ huy sở binh trạm 42…; đắm mình vào dòng suối khoáng nóng A Roàng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thác Pông Chất, A Nôr; tham quan kỹ xảo dệt thổ cẩm mà không có ở bất kỳ nơi nào trên thế giới với kỹ thuật lồng hạt cườm đồng thời vào lúc dệt vải khiến bao du khách và nhà nghiên cứu nghệ thuật phải kinh ngạc. Bên cạnh đó là các lễ hội văn hóa truyền thống, các món ăn mang đậm bản sắc tộc người vùng cao.

Xác định du lịch - dịch vụ là ngành quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương, huyện A Lưới tranh thủ các nguồn lực từ các chương trình và dự án. Đáng kể là dự án phát triển du lịch Mêkông triển khai từ 2009 đến 2013 đầu tư 3 tỷ đồng vào cơ sở hạ tầng du lịch cho nhà nghỉ cộng đồng Aka - Achi (A Roàng) và A Hưa (Hồng Bắc) và được thiết kế vững chắc để cộng đồng địa phương vận hành bền vững; đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị trị giá 2,1 tỷ đồng cho Trung tâm Thông tin du lịch huyện. Năm 2012, A Lưới xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng huyện. Sang năm 2014, tiếp tục tiếp đầu tư 1 tỷ đồng cho nhà trưng bày di tích lịch sử đồi A Bia. Gần đây, huyện kêu gọi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Toàn Vinh Hoa đầu tư dự án khu du lịch thác Anôr. UBND huyện cũng đã ban hành quy chế phối hợp tổ chức hoạt động các du lịch ở khu vực biên giới; đồng thời, đầu tư lắp đặt 22 bảng chỉ dẫn du lịch bằng 2 thứ tiếng phổ thông và tiếng Anh, chỉ đạo các địa phương trên địa bàn lắp đặt được 115 bảng tên làng bằng 3 thứ tiếng phổ thông, bản địa và tiếng Anh.

Năm 2014, đã có 3.000 du khách, trong đó có 750 khách quốc tế đến với A Lưới. Lượng khách du lịch đến ngày tăng là một dấu hiệu vui ở vùng đất miền sơn cước này. Du lịch A Lưới cũng đã tạo được ấn tượng và hấp dẫn du khách ngay cả một số chuyện nhỏ. Mới đây, đại diện một hãng lữ hành tại Đà Nẵng cho biết, anh và khách hàng của anh rất ấn tượng về bữa điểm tâm bằng tô súp sắn ở làng du lịch cộng đồng A ka - Achi. Sắn thì đâu cũng có nhưng sắn cắt nhỏ nấu súp với cá khe, gạo nếp thì mới thấy có ở đây. Cũng có người không hợp khẩu vị, nhưng tôi từng chứng kiến cả một đoàn khách du lịch ăn ngon lành thứ súp có hương vị rất lạ kia, vừa có mùi cá quyện với mùi sắn tạo nên vị giác lạ đầy thích thú. Lại nữa, sắn cắt nhỏ nấu với gạo nếp, thứ muối chấm là loại cây rừng giã nhuyễn vừa cay vừa thơm thơm, nó ngon lạ ngon lùng.

Tại hội thảo đối thoại về hợp tác phát triển du lịch dọc đường mòn Hồ Chí Minh được tổ chức tại Đông Giang, tôi nghe nhiều ý kiến bàn về sự hấp dẫn, nét khác biệt và yêu cầu liên kết như một tất yếu của du lịch A Lưới. Hấp dẫn là điều có thể nhận thấy, đáng nói ở đây là sự khác biệt lại đặt vấn đề đáng suy nghĩ khi đặt du lịch A Lưới trong mối quan hệ liên kết mang tính tổng thể với các địa phương ở Quảng Nam, như Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang. Một vòng du lịch qua các địa phương, nhiều người giật mình khi phổ biến tại các điểm đến là sự lặp lại những mô hình na ná, kiểu như tham quan dệt thổ cẩm, đốt lửa trại để cùng nhảy điệu tung tung za zá, thăm các dấu tích lịch sử chiến tranh xưa… Bởi thế, một buổi trèo lên đỉnh A Bia, tắm nước suối nóng hay ăn bữa điểm tâm bằng tô súp sắn là nét riêng biệt của A Lưới, rất cần được giữ gìn và phát triển, gắn liền với phát huy và bảo tồn những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc, tạo nên sự hấp dẫn của du lịch A Lưới.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, du lịch A Lưới đang tập trung chỉ đạo các giải pháp cải thiện môi trường du lịch, chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch; thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch; đa dạng hóa các loại hình du lịch. Để đạt những mục tiêu đó, A Lưới đang cần sự liên kết mang tính toàn diện với các địa phương trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Liên kết trong hình thành kế hoạch, trao đổi thông tin, bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực; đặc biệt là việc trong xây dựng cơ chế hoạt động, tạo nên một sự kiện du lịch chung gắn với hình thành những điểm đến vừa có nét chung của vùng sơn cược, vừa có sự khác lạ để du khách có được sự trải nghiệm thú vị. 

Mới đây trong một lần chuyện trò, ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch đã kể với tôi rằng, có lần, một khách tham quan trả công dịch vụ 1.000 đô la. Bà con mình ở A Lưới nhất định không chịu nhận, đòi phải là 1 triệu đồng (?) mới lấy khiến cho khách cũng đâm ra khó xử. Chuyện thật mà cứ như đùa khiến ông nhớ mãi. Theo ông Minh, du lịch ở A Lưới đã có nhiều chuyển mình, nhưng còn nhiều chuyện phải học, ngay cả những vấn đề căn bản kia, nếu muốn phát triển đi lên trong thời gian tới. Vấn đề là phải nhanh chóng nâng cao y thức, khả năng nghiệp vụ và những kỹ năng bổ trợ về giao tiếp, tính toán… cho người dân và những người trực tiếp làm du lịch. Nói tóm lại là phải học làm du lịch. Nó bắt đầu bằng những lớp tập huấn, bằng sự hợp tác để cùng làm, cùng rút kinh nghiệm giữa những chuyên gia du lịch với người bản địa thông những mô hình như du lịch cộng đồng ở Aka - Achi hay ở Hưa đến những chuyến đi ra bên ngoài tham quan học tập theo kiểu “đi một ngày đàng học một sàng khôn” dành cho Pi Lục Nhắc và những người trực tiếp làm du lịch ở A Lưới.

Theo http://baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.488.977
Truy câp hiện tại 104.446