Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chàng trai Pakô giữ hồn vốn cổ
Ngày cập nhật 16/12/2010
Anh Hồ Văn Nghiếu

 Trong một lần đi điền dã sưu tầm hiện vật dân tộc Tà ôi - Pacô, chúng tôi rất bất ngờ một việc. Đó là lần đầu tiên mình tận mục sở thị một chàng trai Pacô ngày đêm miệt mài sưu tầm hiện vật Pacô để giữ gìn vốn cổ của dân tộc mình. Điều mà từ trước tới nay, trên địa bàn rộng lớn mà người Pacô sinh sống từ A Lưới (Thừa Thiên Huế) đến tận Đắckrông (Quảng Trị) chưa  có ai làm được. Đó là anh Lê Văn Nghiếu, dân tộc Pacô, sinh năm 1979, quê ở xã Đông Sơn, nay định cư ở xã Bắc Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện tại anh đang là Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Trung, phụ trách mảng kinh tế và nông lâm nghiệp.

 Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, đó là căn nhà gỗ đơn sơ, nhỏ gọn gồm 2 tầng theo kiểu gần giống ngôi nhà sàn truyền thống. Bên dưới là phòng tiếp khách, thực ra là một khoảng trống khá rộng để mọi người ngồi giữa nền. Xung quanh nhà là những tác phẩm nghệ thuật về gỗ lũa rất đẹp, gia chủ đã tìm và đưa nó về từ những cánh rừng, ven các suối, lặn dưới hồ, vớt dưới sông trong những lần đi rừng hoặc nghỉ lễ, tết.

          Anh kể: “Lúc đầu mình chỉ chọn một vài cái để chơi thôi nhưng sau khi bạn bè đến chơi thấy gỗ lũa đẹp nên bày cách cho mình gọt, dũa, tạo hình, tạo dáng từ những thớ gỗ tưởng như vô hình kia trở thành những tác phẩm nghệ thuật đẹp mê hồn. Và thế rồi mình lao vào chơi gỗ lũa nghệ thuật, hiện tại mình có trên 20 tác phẩm nghệ thuật như thế, tất cả đều diễn tả cuộc sống của động vật rừng hoang dã và quý hiếm như thế hổ ngồi, voi gầm, gấu trèo cây, rắn múa, khỉ hái quả, nhím đẻ con…và hiện mình còn rất nhiều thớ gỗ, rễ cây mà mình đang chờ thời gian rảnh rỗi sẽ tạo tác mới”.
Một số hiện vật trưng bày tại nhà anh Nghiếu
          Phía tầng trên của nhà anh là một bảo tàng thu nhỏ bởi có đến hàng trặm hiện vật của dân tộc Pacô đủ các chất liệu như: đồng, tre, gỗ, vải, sành sứ. Đây là kết quả của những ngày tháng anh Nghiếu lăn lộn với công việc và đi nhiều.
          Anh lại kể: “Mỗi lần đi cơ sở mình thấy bà con trong thôn, trong xã có nhiều vật dụng sinh hoạt xinh xắn, mình thấy đẹp và mê lắm, thế rồi xin hoặc mua về. Vì mình là người Pacô nên dễ dàng tiếp cận người dân trong việc giao tiếp hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn mà mình đã có đến 200 hiện vật các loại đủ kích cỡ, chất kiệu”.
          Vừa kể chuyện, anh Nghiếu đưa tôi lên gác để xem. Đập vào mắt tôi là cả một hệ thống hiện vật được treo trên vách, trên trần nhà rất gọn gàng ngăn nắp. Nào là những thứ được xếp đặt theo chủ đề như dụng cụ đánh bắt cá, dụng cụ săn bắt thú, trang phục, phương tiện che đội, dụng cụ canh tác nương rẫy, dụng cụ phục vụ lễ hội…và anh Nghiếu còn khoe anh còn có rất nhiều hiện vật đang được cất giữ tại nhà bố mẹ đẻ cũng như ở nhà bố mẹ vợ và nhà người thân khác.
          Khi hỏi vì sao anh lại đam mê những hiện vật này thì anh trả lời rất có duyên: “Mình đam mê đã 3 năm nay, vì mình xuất thân từ một gia đình có truyền thống văn hóa Pacô. Bố mình là ông Hồ Thanh Đồng từng giữ chức Phó Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới nhiều năm liền cho đến ngày nghỉ hưu nhưng hiện tại ông lại giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện A Lưới. Bố mình và vợ mình là những người trực tiếp động viên mình rất lớn, giải quyết việc riêng ở nhà để mình có rảnh thời gian đi sưu tầm hoặc công tác.
          Mình nhớ là ngay từ khi còn học phổ thông mình đã có ý thức về việc làm này. Nhưng lúc đó chưa suy nghĩ sâu xa, sau này đi học Đại học Nông lâm ở Huế, khoa Lâm nghiệp giai đoạn 1999 - 2003 thì mình thấy yêu núi rừng và đồng bào hơn. Vì qua những bài học và qua thực tế mình thấy cách  sinh kế của bà con chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên rừng và canh tác nương rẫy nên bộ công cụ lao động hoặc vật dụng sinh hoạt của họ cố tạo làm sao cho phù hợp với môi trường, địa hình, địa vật và hoàn cảnh là quý rồi. Mình thấy người Pacô thật sáng tạo và cũng chính từ sự sáng tạo đó khiến mình phải sưu tầm, gìn giữ, bảo tồn vốn cổ để sau này có điều kiện thì mình sẽ nghiên cứu tốt hơn, dễ dàng hơn”.
          Được biết sau khi ra trường, anh Nghiếu về công tác ở Hạt kiểm lâm A Lưới trong thời gian từ năm 2003 đến tháng 10.2004 theo diện hợp đồng nhưng anh vẫn dành dụm đồng lương ít ỏi để đi và mua hiện vật. Anh rong ruổi khắp bản làng Pacô để sưu tầm và mang về hiện vật chất đầy nhà, anh còn dành nhiều thời gian để trò chuyện với đồng bào mình để nắm bắt những tâm tư nguyện vọng của họ. Để rồi sau này khi được bổ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Trung từ tháng 10.2004 theo diện bố trí 12 cán bộ có trình độ Đại học các ngành Nông lâm, Kinh tế, Địa chính và Luật về làm Phó Chủ tịch 12 xã biên giới của huyện. Và thế là anh lại bắt đầu một công việc mới, làm công bộc của dân, trong 12 Phó Chủ tịch các xã được bố trí năm đó anh Nghiếu là người vượt trội hơn cả trong công tác cũng như trong bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
          Tuy công việc Phó Chủ tịch xã mất nhiều thời gian nhưng anh luôn phối kết hợp sao cho phù hợp thời gian nhất, hiệu quả nhất và vẫn tiếp tục sưu tầm. Anh kể: “Có những lần anh sang đến tận huyện Tù Muồi, tỉnh Salavan của nước bạn Lào để sưu tầm mỗi khi có dịp lễ, tết, đường xa và khó đi nhưng anh cảm thấy thích và vui hơn khi có nhiều hiện vật đem về”.
          Việc làm của anh Nghiếu khiến chúng tôi cảm phục, vì ngay bản thân chúng tôi đã từng sưu tầm những hiện vật trên 10 năm, nay thấy phòng trưng bày nhỏ của anh làm tôi càng yêu mến bản sắc văn hóa dân tộc hơn. Chúng tôi là người Kinh sưu tầm văn hóa Tà ôi - Pacô đã quen hiện vật mà còn thấy quý và muốn có nhiều hơn chừng nào thì chúng tôi lại quý mến anh Nghiếu chừng đó, vì anh chính là người Pacô, là người giữ gìn vốn cổ cho dân tộc mình và phát triển hơn nữa. Trong khi hiện vật của bộ sưu tập của chúng tôi lại đưa về đồng bằng thì ở anh Nghiếu lại giữ lại ngay chính trong lòng đồng bào, nơi mà nó được sản sinh ra.
          Hằng tháng ở nhà anh Nghiếu có rất nhiều khách đến chơi, đến xem và nghiên cứu, họ chính là những người bạn thân, bạn học của anh, và cũng là những người cùng ngành văn hóa với bố anh. Lãnh đạo Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới luôn luôn động viên anh, khuyên anh nên duy trì phát huy vì đây là mô hình tốt cần nhân rộng những điển hình.
          Chia tay anh Nghiếu, chúng tôi được anh giới thiệu thêm nhiều ý tưởng và dự định trong thời gian tới là quy hoạch thành một vườn hoa lan, đỗ quyên và gỗ lũa để mọi người đến đàm đạo dịp cuối tuần hoặc khi rảnh rỗi, sẽ bổ sung hiện vật với số lượng lớn để góp phần vào việc giới thiệu trưng bày sau này nếu cần.
          Và chúng tôi thấy trước mắt huyện A Lưới đang xây dựng Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số, biết đâu khi trở lại thì anh Nghiếu sẽ có nhiều đóng góp cho trung tâm này. Cảm ơn anh Nghiếu rất nhiều, vì anh mà chúng tôi càng thêm yêu mến văn hóa dân tộc Tà ôi - Pacô hơn.
Tập tin đính kèm:
Trần Nguyễn Khánh Phong
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.403.303
Truy câp hiện tại 29.240