Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Các anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân A lưới với Bác Hồ
Ngày cập nhật 11/11/2010
Bác Hồ và các Anh hùng LLVT miền Nam, người đội mũ bên phải là Hồ Kan Lịch (www.sggp.org.vn)

Trong hồi ức của một số cán bộ lão thành cách mạng ở A Lưới kể lại rằng: “Hồi đó có một số người ở đồng bằng tản cư lên sống cùng đồng bào; qua họ, đồng bào nghe đến tên Cụ Hồ, nhưng đồng bào chỉ biết đầy đủ về Bác cũng như thấu hiểu được những điều Bác dạy qua các cán bộ người Kinh lên hoạt động ở đây vào khoảng những năm 1945-1946. Cán bộ bảo: Cụ Hồ muốn nhân dân mình học lấy cái chữ để biết bình đẳng. Muốn bình đẳng còn phải đánh Pháp. Nếu đoàn kết đánh Pháp thì ai ai cũng đánh Pháp và khi đó đồng bào ta nhất định thắng lợi” .

Theo lời dạy đó, đồng bào các dân tộc ở A Lưới hăng hái đi học cái chữ của cán bộ người Kinh. Vào khoảng những năm 1947-1959 ở vùng A Lưới lại vang danh những thầy dạy chữ là người dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Ka Tu là Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ và Ku Tông Đoàn Văn Dương. Chính những vị thầy này đã là chiếc cầu nối cho đồng bào nơi đây đến với cách mạng với Đảng và Bác Hồ. Và cũng chính từ đấy, đồng bào các dân tộc ở A Lưới nghe theo lời vận động của Đảng, biến đau thương thành hành động cách mạng, tổ chức nhiều trận đánh lớn lập thành tích dâng tặng Bác. Từ đây xuất hiện những nhân vật kiệt xuất với những chiến công phi thường góp phần vào chiến công chung của nhân dân A Lưới. Đó là các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, họ đã hăng hái tham gia cách mạng theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, những chiến công vượt bậc của họ không có mục đích gì khác ngoài việc đánh thắng giặc Mỹ dâng công lên Đảng quang vinh.

Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự có 8 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Hồ Đức Vai, Kan Lịch, Bùi Hồ Dục, Hồ A Nun, Hồ Thị Đơm, Cu Tríp, A Vầu (Anh hùng liệt sĩ). CănTréec (Anh hùng liệt sĩ). Đây thực sự được gọi là quê hương của những anh hùng.

Năm 1965 anh hùng Vai được ra Bắc tham dự Đại hội liên hoan các anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ nhất. Cùng đi với anh hùng Vai có anh hùng Tạ Thị Kiều, Huỳnh Văn Đảnh, Trần Dưỡng và Lê Chí Nguyện. Trong lần đi này vinh dự lớn nhất và thiêng liêng nhất trong đời ông là được gặp Bác Hồ. Được Bác ân cần hỏi thăm sức khoẻ, hỏi thăm dân tộc mình, 3nơi mình sinh sống và ông vui mừng lắm. Giờ đây ông nhớ lại những lời của Bác rằng: “Cháu Vai là người dân tộc, tình hình nhân dân trong vùng cháu sống ra sao? Có gì khó khăn lắm không? Nam nữ có bình quyền chưa? Cháu Vai đã học đến đâu rồi”. Bác ân cần nhận xét: “Cháu học một thời gian rồi mà vẫn chưa thạo tiếng phổ thông. Cháu đừng ham học nhiều. Một ngày đặt ra phải 5 chữ thôi, nhưng phải nhớ thật chắc. Hai ngày cộng lại học 10 chữ. Học tràn lan thì không nhớ gì hết. Có công mài sắt có ngày nên kim, việc học cũng thế, biết cách học, có quyết tâm thì nhất định học được”. Chỉ có Bác Hồ, vị cha già của dân tộc mới có nhiều tâm huyết bảo ban cho mọi người, và anh hùng Vai đã được cái vinh dự đó thì không có gì bằng. Sau này cứ mỗi lần gặp ông, nghe ông kể chuyện, chúng tôi luôn bắt gặp câu nói “Cái đời mình chưa bao giờ có cảm giác sung sướng như vậy” và ông còn nhớ, nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ đối với ông rằng: “Hiện nay đồng bào ta còn thắt lưng buộc bụng để chống Mỹ cứu nước nên cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm. Thắng Mỹ rồi không những đồng bào ta có cơm ăn, áo mặc mà phải đủ ăn ngon mặc đẹp nữa”.

Trở về lại miền Nam ngày đêm tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước, Hồ Vai vẫn luôn mong một ngày nào đó Bác sẽ vào thăm miền Nam, ghé thăm thung lũng A Lưới đầy chiến tích thắng giặc. Thế nhưng niềm mơ ước đó chưa trọn vẹn thì Bác đã qua đời (2-9-1969), đồng bào các dân tộc ở A Lưới thương tiếc Bác, họ nguyện cùng nhau mang họ Bác Hồ và anh hùng Vai là người đầu tiên mang họ của Bác. Đây là một việc làm thiêng liêng nhằm thể hiện tình cảm đối với Người.

Giờ đây anh hùng Vai lại thấy quê hương A Lưới đang từng ngày thay da đổi thịt. Ông nói “Nghe theo Đảng, Bác Hồ đồng bào các dân tộc ở A Lưới đã biết làm nhà đất, nhà xây để ở chứ không còn cảnh tạm bợ nữa rồi, đường xá thì rộng rãi và có đường ô tô vào tận các thôn bản hẻo lánh, đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện, điện đã về khắp huyện. Cho nên đồng bào chúng tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Bác, quyết tâm đi theo Đảng, làm cách mạng đến cùng, cũng như đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Bác đã lựa chọn” Điều này đã làm cho ông cảm thấy vui. Và cùng với những hạnh phúc như anh hùng Vai, nữ anh hùng lực lượng vũ trang Kan Lịch ngày nay đang sống một cuộc đời giản dị và luôn nhớ về những kỷ niệm khó quên của một thời làm cách mạng. Bà nói: “Đảng, cách mạng và Bác Hồ đã thật sự đem ánh sáng văn hoá, cuộc sống ấm no cho dân làng bản”.

Kan Lịch đã được ra Bắc gặp Bác Hồ vào năm 1968, tại đây bà đã được gặp Bác 7 lần trong đó có 4 lần ăn cơm với Bác tại nhà Bác và tại Phủ Chủ Tịch. Được gặp Bác, Bác tiếp đón ân cần, hỏi han nhiều lắm “Cháu có khoẻ không? Ăn có ngon không?” Giờ đây nhắc lại chuyện xưa, người con gái Pa Cô kiên cường ngày đó nhớ lại: “Bác Hồ hỏi rất nhiều về dân tộc Pa Cô, Tà Ô của mình, hỏi cháu làm cách nào mà đánh giặc giỏi thế? Cứ thế mà phát huy”.

Tác giả Linh Mai đã viết về Kan Lịch rằng: “...Năm 1967, chị Kan Lịch vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. Trên đường ra Bắc dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua, khi đến Quảng Bình, chị bị sốt rét ác tính nặng. Tưởng chị đã chết, người ta đưa chị vào nhà xác bệnh viện. Nhưng rồi chị sống lại, làm mọi người xung quanh sững sờ, chị nói:
Chưa gặp được Bác Hồ thì làm sao chết được.
Đến Hà Nội thì trời đã khuya. Bác vẫn ngồi đợi đón đoàn. Bác mời đoàn ăn cơm thân mật.
Trò chuyện một lúc Bác đem ra một chiếc đài bán dẫn tặng riêng cho chị Kan Lịch. Để bù đắp những thiệt thòi về văn hoá, Bác cho chị ở lại Hà Nội đi học. Chị Kan Lịch cảm động, thưa lại với Bác: miền Nam đang còn chiến tranh, Bác cho cháu xin được trở về để tiếp tục chiến đấu...”

Sau này chiếc đài đó luôn đi theo Kan Lịch, mỗi lần mở đài bà lại nhớ đến Bác Hồ và sụt sùi khóc. Cả đời Kan Lịch luôn ghi nhớ mãi câu nói của Bác Hồ đã căn dặn chị rằng: “Kan Lịch là nữ anh hùng dân tộc đầu tiên. Bác rất tự hào. Nhưng được anh hùng đã khó giữ được anh hùng càng khó hơn, cháu hãy cố gắng”.

Bây giờ Kan Lịch ưng cái bụng lắm rồi. Nhờ có Bác mà quê hương A Lưới đã tươi đẹp hẳn lên, ngàn xanh phủ đầy. Người tình nguyện đến A Lưới công tác ngày càng nhiều. Đường Hồ Chí Minh đi qua huyện, cửa khẩu Hồng Vân - Cu Tai, Tà Vàng - A Đớt đang mở, tạo cho A Lưới một tương lai đầy hứa hẹn.
Riêng hai anh hùng Vai và Kan Lịch trực tiếp gặp được Bác Hồ, đó là một vinh dự cho A Lưới. Nhưng còn nhiều vị anh hùng ở vùng đất này mặc dầu chưa được gặp Bác song cũng được Bác dành cho những sự ưu ái đặc biệt bằng những lá thư thăm hỏi, những món quà động viên đầy ý nghĩa. Bác đã gửi cho anh hùng Hồ A Nun, anh hùng Cu Tríp những lá thư tay. Bác còn tặng cho anh hùng A Nun một chiếc đồng hồ, một chiếc đài và nhiều vật dụng quan trọng khác.

Như chúng ta đã biết, một gia đình có tới 3 anh hùng là điều hiếm có trong lịch sử nước ta. Anh hùng Vai là chú của anh hùng Kan Lịch và anh hùng Hồ A Nun. Vì lí tưởng cách mạng, vì Bác Hồ cả 3 chú cháu luôn đồng hành chiến đấu, bên cạnh họ luôn có những đồng đội anh hùng như anh hùng liệt sĩ A Vầu. Anh hùng A Vầu trước khi chết có nói với địch một câu rằng: “Con chim biết tìm cành để đậu. Con nai biết rừng dữ để xa. Con người theo lẽ phải để sống. Người Pa Cô chúng tôi tất cả là Việt Cộng và người chỉ huy chúng tôi là các em nhỏ chết vì thiếu cơm, thiếu muối do chính các ông triệt mọi đường sống gây ra; là những người yêu nước bị các ông mổ bụng moi gan”. Vì tấm lòng trung thành với bản làng rừng núi mà người dân nơi đây đã ví anh giống như cây Tyơ sừng sững giữa đại ngàn Trường Sơn. Vì thế mà trước khi ra Bắc gặp Bác Hồ, anh hùng Vai đã được các già làng dặn dò rằng: “Nếu được gặp Bác Hồ, con không biết nói nhiều thì cứ kể chuyện A Vầu và cây Tyơ cho Bác Hồ nghe là đủ. Vì đó là tấm lòng của người Pa Cô chúng ta đối với Bác Hồ”. Thế nhưng điều đó ông chưa thực hiện được, ông cảm thấy ân hận suốt đời và mong được một lần gặp lại Bác để chuộc lại lỗi lầm và kể cho Bác nghe về tấm lòng của đồng bào ông, như rễ cây Tyơ bám chặt vào dãy Trường Sơn, vùng đất thân yêu của dân tộc.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Đơm trong những năm kháng chiến chống Mỹ đã dốc sức người và sức của rất nhiều để phục vụ cho kháng chiến. Bà không có được may mắn ra Bắc gặp Bác Hồ như những vị anh hùng kia. Năm Bác mất, bà khóc rất nhiều và tự hứa với mình cố gắng lập nên nhiều chiến công dâng lên Bác. Sau khi hoà bình lập lại, bà không mong ước gì hơn ngoài việc được ra thăm lăng Bác. Năm 1996, sau khi được tuyên dương anh hùng, Nhà nước thu xếp cho bà được ra Bắc thăm nơi làm việc và nơi yên nghỉ của Người. Trước khi đi, bà bị một cơn bệnh nặng ập đến. Lo lắng cho sức khoẻ của bà, mọi người đề nghị đưa bà trở lại quê hương A Lưới, nhưng bà đã nói. “Nếu tôi chết hãy cho tôi chết ở cạnh Bác, tôi không thể trở về được” (2)

Trong ký ức của mình cho đến ngày nay, anh hùng Bùi Hồ Dục vẫn hay nhắc đến Bác mặc dầu chưa được gặp Bác lần nào. “Tháng 9 năm 1967 tôi đi dự đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam. Tôi tên lúc đó là Bùi Cu Dục, bà Nguyễn Thị Định phó tư lệnh lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam hỏi thăm rằng: “Đồng chí Dục biết anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Vai đã ra Hà Nội thăm Bác Hồ, quê ở Quận 3 Thừa Thiên Huế”. Tôi trả lời: “Báo cáo phó tư lệnh, tôi biết Hồ Vai là chú bên ngoại cùng quận 3 khác xã”. Phó Tư lệnh nói tiếp: “Thế thì đồng chí Dục đặt tên gọi Hồ Dục, giống Hồ Vai mang họ Hồ của Bác”(3)

Với tư cách là một người mang họ Bác Hồ, anh hùng Hồ Dục nguyện suốt đời cùng dòng họ cùng cộng đồng xây dựng và bảo vệ biên cương của Tổ Quốc. Còn nhớ lại quãng thời gian ngày 5.9.1969, sau khi nghe đài phát thanh đưa tin Hồ Chủ Tịch từ trần, ông đã động viên anh em phụ trách đoàn dân công biến đau thương thành sức mạnh hành động cách mạng, quyết tâm mang hàng tăng cân, tăng chuyến để kịp thời phục vụ cho chiến dịch, để thực hiện mong muốn của Bác Hồ từ lâu là đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, để Bắc Nam sớm sum họp một nhà.

Với sự chăm lo của Đảng, của Bác Hồ, đồng bào các dân tộc ở A Lưới đã thực sự được đổi đời, sống một cuộc sống tự do. Các anh hùng lực lượng vũ trang ở A Lưới hôm nay luôn luôn kể về những chiến công đáng tự hào của mình, những kỷ niệm của mình với Bác Hồ để con cháu sau này lớn lên lấy đó làm gương soi cho mình.

Theo bút ký của Trần Nguyễn Khánh Phong (tapchisonghuong.com.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.412.465
Truy câp hiện tại 37.360