Tà vạt là một loại cây rừng với nhiều đặc điểm kỳ lạ, từ xưa đến nay vẫn ngạo nghễ vươn mình trên nền trời xanh thẳm của đại ngàn A Lưới. Nó có thân giống cây cọ, lá giống lá dừa, quả từng chùm như cau, mỗi chùm có thể nặng đến cả yến. Đặc biệt nhất là phần lõi cây tà vạt chứa tinh bột trắng như gạo, thơm như hoa cau...
Anh Hồ A Bíu, ở bản A Roàng 1, xã A Roàng kể về sự tích "rượu cây" truyền thống của người Pa Kô, đại ý: Từ thủa xa xưa, khi người Pa Kô còn sống lang thang trong rừng sâu, một lần có người đi lạc đường bị hết nước uống, phải nằm nghỉ dưới một gốc cây. Đang lúc khát cháy họng, anh ta thấy cây bỗng chảy ra một dòng nước mát lành, vội ghé miệng vào hứng không sót một giọt. Sau một giấc ngủ, người này cảm thấy vô cùng sảng khoái, khỏe mạnh nên đã mang theo một ít về. Thấy loại nước này thần kỳ, người Pa Kô theo nhau vào rừng tìm kiếm, rồi sau đó chế biến ra "rượu cây"...
Theo anh A Bíu, không phải cây tà vạt nào cũng cho ra rượu, đơn giản vì tỷ lệ cây có bột - thành phần chính để làm nên rượu tà vạt rất ít. Muốn biết một cây có bột hay không, phải chọn cây có từ 5-6 khoanh trên thân trở lên, đồng nghĩa với 5-6 tuổi, sau đó dùng chiếc rìu chặt mạnh vào thân. Khi rút lưỡi rìu ra khoảng 10 phút, nếu thấy có lớp bột mỏng trắng như bột gạo bén trên lưỡi rìu thì đó là cây tà vạt có bột, còn không thì có nghĩa là cây đó không được "trời cho ăn".
Tìm thấy cây rồi, người Pa Kô bắt đầu làm giàn bắc lên đọt cây, dùng dao rạch một lỗ ở thân cây, sau đó đặt ống lồ ô dẫn xuống can. Nếu cây tà vạt đã có trái thì người ta cắt ở cuống buồng rồi hứng nước. Mỗi cây tà vạt có thể lấy rượu liên tục trong nhiều tháng, cho từ 90-100 lít "rượu cây".
Nói về giá trị của rượu tà vạt, ông Quỳnh Tàng, một bậc cao niên ở bản A Roàng 1 giải thích, nó hoàn toàn không có chất pha chế nên uống không gây đau đầu, đặc biệt là "uống mãi không biết say". Theo ông Quỳnh Tàng, không phải ai cũng có thể làm được một ghè rượu tà vạt dậy hương vị theo đúng "tiêu chuẩn" của người Pa Kô.
"Muốn nước cây tà vạt trở thành rượu thì phải vào rừng tìm cho được vỏ cây chuồn về giã nhỏ, trộn vào nước cây tà vạt để lên men. Muốn có nó, người Pa Kô phải mang theo cơm nắm đi nhiều ngày vào rừng sâu tìm kiếm. Trước khi đi phải cúng Giàng, mới gặp được cây chuồn..." - Ông Quỳnh Tàng quả quyết rồi tiết lộ thêm rằng, từ nhiều đời nay, rượu tà vạt đã được người Pa Kô sử dụng trong các ngày lễ, tết, ma chay, cưới hỏi, làm nhà và thết đãi khách quý. Ngày còn bé, cứ mỗi dịp người Pa Kô ở A Lưới tổ chức lễ hội, ông lại cùng đám thanh niên trong bản lên rừng chuẩn bị cho được vài ghè rượu tà vạt thật ngon đãi khách. Cha mẹ ông nói, phải làm như vậy để biểu thị lòng hiếu thảo của con cái đối với ông bà, tổ tiên và tỏ lòng hiếu khách.
Cũng theo ông Quỳnh Tàng, với kinh nghiệm của người Pa Kô, thanh niên uống rượu tà vạt sẽ có sức khỏe để bắt thú, bắn chim, được nhiều cô gái yêu; còn đàn bà, con gái và người già sẽ khỏe mạnh, minh mẫn. Trước kia, để làm rượu tà vạt, người Pa Kô thường chọn những cây gần rẫy. Cứ sáng sáng lên rẫy đã thấy rượu chảy đầy ghè, chỉ việc lấy uống.
Khoảng chục năm trở lại đây, trong các cánh rừng ở A Lưới, cây tà vạt ít dần, muốn tìm, phải vào tận trong rừng sâu. Để có rượu tà vạt uống, nhiều người đã lặn lội tìm hạt cây trong rừng về ươm giống, trồng trong vườn nhà. Cứ theo những gì anh Hồ A Bíu và ông Quỳnh Tàng cho biết, thì hằng năm, người Pa Kô ở xã A Roàng thu hoạch hàng nghìn lít rượu tà vạt.
Hiện, có nhiều hộ đã trồng cây này, không chỉ để uống trong gia đình, mà còn dành bán cho khách du lịch. "Làm "rượu cây" vừa để uống, vừa bán được tiền nên nhà nào cũng muốn có ít cây tà vạt trong rẫy, trong vườn. Đó cũng là việc làm đáng quý, bởi nó gìn giữ được phong tục truyền thống của người Pa Kô và góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc..." - Ông Quỳnh Tàng tâm sự.