Tổ ấm hạnh phúc ở Pa Ring
Đến thôn Pa Ring, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới không ai không biết gia đình ông bà Nguyễn Hoài Nam. Gia đình ông Nam có 4 người con đều trưởng thành, được thôn, bản bình chọn là gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền. Ông Nam tâm sự: :Là một người chồng, người cha trong gia đình, mình luôn quan tâm, trăn trở để xây dựng vun đắp mối quan hệ gia đình thực sự tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Đồng thời tích cực giáo dục, động viên con cái chăm học chăm làm, lễ phép, biết quan tâm và giúp đỡ mọi người.
Trưởng thành từ Ngành Văn hóa Thông tin huyện, ông Nam là lớp người có hiểu biết về văn hóa và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và các làn điệu dân ca: Năm 2009, ông mạnh dạn xin các thầy, cô Trường đại học Nông Lâm Huế hỗ trợ kinh phí mở lớp tập huấn, truyền nghề cho lớp trẻ. 11 em tham gia lớp học sử dụng một số nhạc cụ và làn điệu dân ca của dân tộc do ông trực tiếp giảng dạy. Nhân các ngày tết, ngày lễ ngoài những hoạt động vui chơi, giải trí của tuổi trẻ ông tổ chức mời các cụ già trong thôn, bản họp mặt bên chén rượu đoác, rượu cần để tâm sự, chuyện trò, dùng lý lẽ bằng những lời ca ngọt ngào, trữ tình nhằm khôi phục, ôn lại truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Ở địa phương, ông Nam có tài tập hợp, đoàn kết giúp đỡ những trường hợp khó khăn, hoạn nạn. Nhiều lúc có người đi bệnh viện nhưng không có đồng nào, ông bỏ tiền túi ra giúp họ kịp thời. Bản thân ông còn là một tuyên truyền viên dân số, kế hoạch hóa gia đình tích cực, đã vận động, giải thích cho bà con thấy được nguyên nhân nghèo đói, ốm đau, không đầu tư nổi cho con cái học hành là do sinh con nhiều. Với những đóng góp trong xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, năm 2013 ông được Thường vụ Huyện ủy tặng giấy khen về thành tích xuất sắc 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Gương sáng ở A Dài
Gia đình ông Phạm Xuân Sử, dân tộc Cơ Tu ở thôn A Dài, xã Thượng Long, huyện Nam Đông được biết đến là tấm gương điển hình trong sinh hoạt và sản xuất ở địa phương. Sinh ra và lớn lên ở vùng đồi núi, cuộc sống gia đình ông trước đây chỉ nhờ vào cây sắn, cây ngô và các sản vật từ rừng núi. Kinh tế gia đình rất khó khăn, cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy ông và người vợ tần tảo sớm hôm lo cái ăn, cái mặc. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình ông tập trung trồng rừng, chăn nuôi. Với những kinh nghiệm của bản thân, sự cần mẫn tìm hiểu và áp dụng mô hình làm kinh tế hộ gia đình, ông đã phát triển kinh tế gia đình theo hướng lồng ghép trồng trọt các loại cây trồng với nuôi thả lợn, gà, cá nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Có điều kiện về kinh tế, ông đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn.
Là một Bí thư chi bộ, Phó Trưởng trạm Y tế xã, bản thân ông Phạm Xuân Sử và gia đình đã tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông biết rằng đa số người dân trong thôn là người dân tộc Cơ Tu, việc vận động bà con từ bỏ những tập tục lạc hậu, những thói quen không còn phù hợp với cuộc sống mới là điều rất khó khăn, nhưng ông không nản chí. Ông nói: “Chỉ cần mình làm việc có tâm, phân tích những cái tốt, cái xấu cho bà con hiểu họ sẽ thực hiện theo”. Nghĩ là làm, gia đình ông ngoài chí thú với vườn cây, ao cá còn tham gia các phong trào, hoạt động xã hội khác ở địa phương. Từ vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch đến việc giúp đỡ bà con gặp khó khăn ông đều tham gia và có những đóng góp tích cực. Ông luôn tâm niệm rằng, bản thân mình cần cố gắng và làm nhiều hơn nữa cho bà con thôn bản mình để bà con có cuộc sống ngày càng tốt hơn, bớt đi cái đói về kinh tế, cái nghèo về văn hóa.