Để bảo vệ tuyến đường biên giới Việt - Lào, nhiều năm qua, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Biên phòng, Trạm kiểm soát Biên phòng Hồng Thái, thuộc Đồn Biên phòng Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã nỗ lực vượt qua mọi thiếu thốn về cơ sở vật chất, khó khăn về cách trở địa hình. Đặc biệt, các anh đã giúp hàng chục hộ dân ở cụm bản Ireo, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống định canh, định cư khi chuyển về nơi ở mới gần tuyến đường biên giới Việt - Lào...
Sau nửa ngày đường băng qua nhiều quả đồi, khe suối với những dốc đứng ngang mặt người, cụm bản Ireo, thuộc huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) dần hiện ra trong ngàn mây. Bản nằm chót vót trên một quả đồi cao, cách biên giới Việt – Lào khoảng 1.500m tính theo đường chim bay. Dẫn đường cho chúng tôi, Trung úy Trần Công Lân, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Hồng Thái cho biết: “Nếu nhìn từ Trạm thì thấy cụm bản Ireo gần lắm. Thế mà phải đi vòng suốt mấy cây số mới qua được bản đấy! Nhiều lúc trời mưa, đường đồi núi trơn trượt, anh em muốn đến thăm bà con dân bản phải có thêm cây gậy chống cho khỏi ngã”.
Có đến tận nơi, chứng kiến cảnh sinh hoạt đời thường ở cụm bản Ireo mới thấy cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, lạc hậu và gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Mời chúng tôi vào thăm ngôi nhà sàn mới được Trạm kiểm soát Biên phòng Hồng Thái giúp đỡ xây dựng, già Su Mây (60 tuổi), Trưởng cụm bản Ireo hồ hởi nói bằng tiếng Kinh, với chất giọng bập bẹ: “Cụm bản Ireo gồm 2 bản A Róc và Ireo, có tất cả 27 hộ dân, 143 khẩu. Ngày trước, bản ở dưới một quả đồi ở bản A Róc (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông) sát với biên giới Việt - Lào. Cuối năm 2010, một trận mưa lớn làm đất đá sạt lở đè 6 người trong bản chết thảm, thế là già dắt cả bản lên ngọn đồi cao này dựng nhà sinh sống. Lúc về đây, may có mấy chú bộ đội biên phòng giúp đỡ cái ăn, cái mặc... không thì bản còn chết nhiều người hơn nữa!”.
Hiểu được sự khó khăn của dân bản Ireo khi vừa chuyển về nơi ở mới, các CBCS thuộc Trạm kiểm soát Biên phòng Hồng Thái đã tích cực giúp dân bản Ireo phát đồi, làm đất, hỗ trợ giống ngô, lúa cùng 15 con gà giống/hộ dân để làm kế mưu sinh. Các anh còn tự nguyện góp 300 ngày công xây dựng nhà cửa cho dân bản Ireo. Giữa tháng 3/2014, cụm bản Ireo như vui giữa ngày hội khi Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức bàn giao 13 ngôi nhà mới và một công trình nước tự chảy cho người dân ở bản, với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Thấy dân bản đã có nước sạch để sinh hoạt, có nhà sàn mới để ở và có cả tua-bin đặt giữa con suối lớn để phát điện đưa về bản mà Trưởng bản Su Mây cứ ngỡ như mơ. “Thật sự, già và dân bản cảm kích tấm lòng của Bộ đội biên phòng Việt Nam lắm! Nhờ có nước tự chảy này mà dân bản có nước sạch để sử dụng, còn có cái điện để thắp sáng. Qua công tác tuyên truyền của Bộ đội biên phòng, già đã biết việc bảo vệ tuyến đường biên giới Việt – Lào là quan trọng. Vì thế mà già đã vận động bà con dân bản cùng chung sức, đoàn kết để giữ gìn tuyến đường biên giới chung của 2 nước anh em vững chắc. Bà con nghe lời già lắm đó!”, già Su Mây tâm sự.
Ngoài việc giúp dân bản Ireo xóa đói, giảm nghèo, xóa nạn mù chữ... những người lính biên phòng ở các Trạm kiểm soát Biên phòng trực thuộc Đồn Biên phòng Nhâm không thể nào quên nhiệm vụ cao cả là tuần tra các tuyến đường biên giới, bảo vệ các cột mốc chủ quyền. Theo Thiếu tá Hoàng Bình Minh, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhâm, hiện đơn vị đang quản lý 9 cột mốc từ cột mốc 649 (thuộc địa bàn xã Hồng Bắc) đến cột mốc 657 (xã Hồng Thượng, huyện A Lưới). “Những ngày này, khi lực lượng Cảnh sát biển đang nỗ lực bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc tại vùng biển nóng Hoàng Sa do Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép thì anh em chiến sĩ Biên phòng chúng tôi cũng tự nhắc nhở, động viên nhau đoàn kết để cùng tuần tra, bảo vệ vững chắc từng cột mốc chủ quyền, từng tấc đất ở tuyến biên giới Việt – Lào, dài 33km nơi đây. Nhất là khi Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên-Huế và Đại đội Bảo vệ biên giới 531 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê kông (Lào) vừa tổ chức lễ ký kết các quy chế về quản lý, bảo vệ biên giới và giúp đỡ lẫn nhau trong công tác giữ gìn ANTT, phòng chống tội phạm trên tuyến biên giới này”, Thiếu tá Hoàng Bình Minh chia sẻ nỗi lòng.
Mặt trời dần khuất núi, chia tay bà con dân bản Ireo, chúng tôi trở lại Trạm kiểm soát Biên phòng Hồng Thái trong bảng lảng khói sương mờ ảo. Bữa cơm tối vội vàng với ánh sáng leo lét từ chiếc bóng đèn chạy bằng điện lấy từ bình ắc quy như nói lên sự vất vả, khó nhọc của những người đang làm công tác tại miền biên ải nơi đây! “Không điện còn chịu được chứ không có sóng điện thoại mới khổ chú à. Ở trạm biên phòng này, anh em đều phải đặt điện thoại di động trước hành lang phòng Trạm trưởng; vì chỉ duy nhất ở chỗ ấy mới có sóng điện thoại. Xa nhà công tác nên mỗi cuộc điện thoại từ miền xuôi là niềm động viên, khích lệ để giúp anh em yên tâm làm nhiệm vụ hơn!”, lời tâm sự của một chiến sĩ ở Trạm kiểm soát Biên phòng Hồng Thái như một lần nữa khẳng định quyết tâm đoàn kết, bảo vệ vững chắc tuyến đường biên giới Việt – Lào của những người lính mang quân hàm xanh.
Cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Hồng Thái tuyên truyền, vận động dân bản Ireo đoàn kết để bảo vệ vững chắc tuyến đường biên giới Việt – Lào