Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiếu số
Ngày cập nhật 17/09/2010

Bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiếu số là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của chiến lược: “Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”- Một xu hướng phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước. 

             Trước hết, xu hướng ấy xuất phát từ quy luật kế thừa và giao lưu văn hóa của mọi nền văn hóa của các quốc gia. Các Mác và F Ăng ghen đã từng cảnh báo: “Dại dột là những ai không thấy hết được những giá trị văn hóa thời cổ đại Hy Lạp đối với CNXH vừa mới chiến thắng trong việc xây dựng lại đời sống văn hóa của loại người”. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mac- Lê nin, chúng ta càng trân trọng, bảo tồn, phát huy, gìn giữ những giá trị văn hóa mà các bậc tiền bối đã dày công tạo dựng, vun đắp.

Xuất phát từ những giá trị vô giá của văn hóa như đã nói ở trên, nền văn hóa của đồng bào các dân tộc ở A Lưới cũng được sản sinh trong quá trình lịch sử của mình trên cả hai bình diện: Vật thể và phi vật thể. Trước hết, A Lưới là căn cứ địa cách mạng của cả tỉnh, cả nước trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ- Là chiếc nội cách mạng, trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc đã sản sinh ra nhiều di tích, chứng tích lịch sử đáng được nhà nước công nhận như điểm du lịch sinh thái A Nôr, các sân bay A So, Tà Bạt, A Lưới, các địa đạo, các chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ... Bên cạnh đó, mảng văn hóa phi vật thể là tổng hợp và kết tinh nhuần nhuyễn những tinh hoa văn hóa dân tộc, là trí tuệ của tập thể nhân dân đã dày công sản sinh vun đắp mà người ta gọi bằng một thuật ngữ là Fonklore (trí tuệ của nhân dân) mà với giới hạn của bài viết này chúng tôi muốn đề cập.

Đồng bào các dân tộc ở A Lưới có một nền văn hóa lâu đời, độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Nếu như người Ba na, Gia rai, văn hóa cư trú với kiến trúc nóc nhà Rông cao vút thi người Pa cô, Ta oih, Ca tu có kiến trúc thấp hơn, dài hơn. Có thể khẳng định rằng nhà Gươl, nhà Rông là điểm sáng văn hóa, sức mạnh văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc ít người ở A Lưới nói riêng. Một kiến trúc quan trọng của toàn làng (bản) đáng lưu ý là nhà mồ- nơi tập trung nhiều công trình chạm trỗ, khắc vẽ, có cột hình người được chạm, khắc đẽo, gọt công phu, tinh tế, những lễ hội mang tính tổng hợp, kết hợp hài hòa giữa đời sống tâm linh và đời thường mang tính sinh hoạt văn hóa cộng đồng như mừng nhà Rông, lễ hội A riêu- ping (dời mồ), lễ hội đâm trâu, ăn cơm lam, uống rượu cần, lễ cúng làm mùa, lễ hội A Da, lễ hội cồng chiêng và kèm theo là những âm vang của những chiếc khèn, A bel, Ta lư... được cất lên từ đằng sau những làn khói cơm chiều ôm ấp núi rừng hùng vỹ đã tạo nên một nét rất riêng đi vào văn hóa văn nghệ dân gian của đồng bào các dân tộc.

“Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là món ăn tinh thần của dân tộc ta từ bao đời nay”. Những câu hò, điệu ví, A lý, ca dao tục ngữ... đã đựơc sản sinh trong quá trình lao động, sinh hoạt đời thường, thông qua quá trình chế ngự thiên nhiên, đấu tranh và xây dựng đã tạo nên một nét rất riêng đi vào văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc.

Với một kho tàng tục ngữ, ca dao, câu đố, điệu múa, lời ca...ở đây đã phản ánh khá sinh động, đầy đủ, sâu sắc hiện thực cuộc sông biểu hiện trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trước hết là phong tục cổ hủ tục cưới xin. Do tục thách cưới nặng nề mà nhiều chàng trai làng mồ côi, nghèo khổ đã bị sống cô độc suốt đời. Những câu ca buồn xé nát tim gan mà chỉ có rừng xanh mới hiểu thấu.

Anh mỏi mòn chờ đợi

Em gặp nơi giàu sang,

Bên này sông anh đợi

Đã già rồi em ơi.

Trong dân ca thể hiện rất phong phú, đa dạng về đề tài lẫn chủ đề. Các nghệ nhân dân gian đã dùng lối nói ngụ ngôn để mĩa mai những người lười biếng trong lao động. Thông thường người ta mượn những sự vật như chim muôn, cây cỏ.

Buổi tối thực khuya như chim A vang.

Buổi sáng mọi người ra rẩy nó vẫn còn nằm.

Được giải phóng khỏi ách nộ lệ của thực dân phong kiến, ca dao, dân ca, được chuyển thể thành những bài hát ngắn (ca dao = bài hát ngắn) để ngợi ca quê hương đất nước, gửi gắm lòng mình đến với cách mạng, với Bác Hồ kính yếu qua các bài hát mang đậm tính chiến đấu và lòng lạc quan cách mạng sâu sắc quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn, để rồi:

Chim Acrot nhớ thương bay về quê mẹ

Cho con hươu, con nai tìm lại cỏ non

Cho nước sông Thrêng mãi mãi xanh trong.

Nước non ngàn dặm đã qui về một mối, cách chim cô đơn nay đã bay về tổ ấm, cái hình hài máu mủ của những người mẹ Việt Nam nay đã trở về trong vòng tay ấm áp sau mấy mươi năm xa cách mỏi mòn chờ đợi. Chỉ còn lại một ước mơ cao cả mà mỗi người Pa cô ( phía núi ) đã hằng mơ ước.

Mở đường 12 cho xe ngược xuôi qua lại,

Mở rộng sân bay để đón Cụ Hồ.

Một sự kiện lịch sử có một không hai là cách đây hơn 1/3 thế kỷ, đồng bào các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế nói chung và đồng bào các dân tộc A Lưới nói riêng đã tự nguyện mang họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một hiện tượng độc đáo có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa sâu sắc ngay cả trong quá khứ và lịch sử đương đại; nhất là việc thực hiện chủ trương, chính sách tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc của Đảng mà Nghị quyết 07- NQ/TU, ngày 23 tháng 11 năm 2001 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác chính sách đối với các đồng bào dân tộc ở Thừa Thiên Huế. Trong đó chỉ rõ “Phát huy bản sắc văn hóa  truyền thống tốt đẹp của các dân tộc... tổ chức tốt lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số nhân ngày mang họ Hồ”.

Trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể vẫn còn nhiều điều phải nói, phải khai thác nữa. Có thể nói, mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng và rất riêng. Song với sự khắc họa những nét tiêu biểu như trên đã nói lên yêu cầu tất yếu của thực tiễn cần phải bảo tồn và phát huy, phát triển các giá trị văn hóa của các dân tộc. Đánh mất bản sắc văn hóa ấy cũng có nghĩa là bỏ đi một dân tộc trong cộng đồng quốc gia. Nghị quyết 07 -NQ/TU của Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về công tác và chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế một lần nữa nêu rõ: “Bảo tồn, khai thác và phát huy truyền thống văn hoá giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc trên cơ sở tôn trọng tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán của từng dân tộc... tích cực mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc thông qua các hình thức hội diễn, tổ chức lễ hội, triễn lãm ngày văn hóa, thể thao... nhằm làm đậm đà và tiên tiến hơn nền văn hóa của đại gia đình các dân tộc”.

Sự phát triển của văn hóa không chỉ thể hiện ở sự kế thừa và phát huy di sản mà phải đồng thời mở rộng giao lưu, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác. Giao lưu văn hóa là một quy luật phát triển nội tại của mọi nền văn hóa. Bởi vì giao lưu văn hóa là một quá trình tổng hợp, tích hợp những cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Nó vừa nâng cao được giá trị văn hóa truyền thống, vừa khắc phục được sự hẩng hụt của nền văn hóa cổ. Sự thích nghi đa dạng trong việc gĩư gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã trở thành quy luật chung của xã hội đương đại và cũng chính tính quy luật ấy trong dòng chảy của văn hóa đã có lúc, có nơi “ngưng đọng”, cũng có khi vô tình đã bị “cuống phăng” đi những giá trị văn hóa tốt đẹp. Bởi vậy trong quá trình giao lưu hội nhập, chúng ta cần phải thận trọng tiếp thu có chọn lọc để hòa nhập mà không bị hòa tan như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã nhấn mạnh.

Những giá trị về văn hoá của đồng bào các dân tộc ở A Lưới đang có tiềm ẩn. Nó là viên ngọc qúy nhưng chưa được mài sáng, gọt dũa, trưng bày. Muốn bảo tồn, phát triển văn hóa của đồng bào các dân tộc trong điều kiện của nền kinh tế thị trường và trước những âm mưu phá hoại của kẻ thù như hiện nay, nên chăng cần chú trọng mấy vấn đề cơ bản sau đấy:

Một là, phát triển kinh tế- xã hội phải đi đôi với phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Xét đến cùng thì kinh tế giữ vai trò quyết định. Kinh tế tạo ra nền tảng vật chất cho sự tồn tại và phát triển của một nền văn hóa. Kinh tế chi phối và quyết định văn hóa, nhưng văn hóa là yếu tố nội sinh “Vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đầy của sự phát triển kinh tế- xã hội”. Đảng ta cho rằng động lực của sự phát triển xã hội không nằm trọn trong kinh tế và cũng không nằm trọn trong văn hóa mà nằm trong mối tương quan biện chứng giữa văn hóa và kinh tế. Cho nên, trong hoạt động kinh tế và hoạt động văn hóa phải thực hiện đồng thời hai loại chính sách cơ bản: Chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế.

Cần bảo vệ tính nguyên bản vì đó là một tiêu chí cơ bản nhất của sự bảo tồn. Tất nhiên không có nghĩa bảo tồn mang tính “đóng khung”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Cái gì cũ mà xấu thì phải xóa, cái gì cũ tuy không xấu nhưng phiền phức phải sửa đổi lại cho hợp lý, cái mới mà hay thì nên làm”.Có như thế mới giải quyết một cách hợp lý mâu thuẩn nảy sinh giữa kinh tế với văn hóa.

Hai là, tiếp tục sưu tầm, thống kê, sắp sếp các loại văn hóa phi vật thể đang còn tiềm ẩn và có chiều hướng mai một thông qua các gia làng, trưởng bản, nhất là trên giác độ văn chương bình dân truyền khẩu. Có thể ghi chép, ghi âm, ghi hình, in ấn các luật tục thành sách, các hình ảnh về tượng nhà mồ, hình nhân, đường nét hoa văn trong các nhà Rông... điều quan trọng là hoàn chỉnh bộ chữ viết bằng tiếng dân tộc mà trước đây đã xuất bản bằng 3 thứ tiếng kinh, Pa cô, Ta oih; đồng thời đưa vào kho tàng văn hóa dân gian của các dân tộc anh em trong cộng đồng quốc gia.

Ba là, phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ để không ngừng nâng cao trình độ dân trí, trình độ học vấn, trình độ thẩm mỹ cho người dân. Đây là một khâu cực kỳ quan trọng khi nói đến việc bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số mà chủ thể của nó không ai khác là con người nhận thức. Bởi vì không nhận thức đúng thì hành động sẽ không đúng. Lênin đã từng cảnh báo: “Người mù chữ đứng ngoài chính trị”. Vì vậy phải bằng mọi hình thức, biện pháp để nâng cao dân trí cho nhân dân, nhất là đẩy mạnh thực hiện chương trình phổ cập giáo dục phổ thông. Nếu không thì ngày nay chúng ta có thể suy diễn người mù chữ cũng đứng ngoài việc bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa.

Bốn là, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa hiện có và đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa mới ở cơ sở. Ngăn chặn và đẩy lùi các loại hình văn hóa nhập lậu, đồi trụy ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc. Trong lễ hội truyền thống, hội diễn văn hóa văn nghệ cần lưu giữ những trang phục cổ mang đậm bản sắc văn hóa. Phát triển các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể, văn hóa ẩm thực vốn có trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác.

Bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa là một quy luật vận động vốn có của mọi nền văn hóa. Cả 3 sẽ hợp thành một chỉnh thể thống nhất trong sự vận động và phát triển của nền văn hóa dân tộc. Dưới ánh sáng của Nghị quyết TW 5 (khóa VIII), vấn đề bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa của các dân tộc đều nhằm hướng đến một mục tiêu là xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta đang sống những đầu năm của thế kỷ XXI- Thế kỷ của xu hướng hội nhập, xu hướng khẳng định bản sắc riêng và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các nền văn hóa. Bảo tồn, phát triển văn hóa của các dân tộc A Lưới cũng là góp phần quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 07 -NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc.

Ngô Thời Mười – Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.712.055
Truy câp hiện tại 5.167