Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Xây dựng nông thôn mới: Nhìn từ thôn Chi Lanh, xã A Đớt, huyện A Lưới
Ngày cập nhật 07/03/2014
Thôn Chi Lanh, xã A Đớt

      Mấy ngày trước, có dịp đến thôn Chi Lanh, xã A Đớt, huyện A Lưới, chúng tôi chứng kiến người dân trong thôn đang cùng nhau sửa một đoạn đường đi qua thôn bị hư. Đó là con đường do chương trình 135 đầu tư cho xã và nó được làm đi qua thôn cũng vài năm rồi. Sử dụng được một thời gian, đường hư hỏng. Người dân không muốn đường hư thêm nữa và họ đã bắt tay sửa đường.

      Đáng ghi nhận ở đây, đó là chi bộ thôn Chi Lanh, hội đồng già làng và người dân đã có một cuộc họp ở nhà roong của thôn để vận động nhau về việc sửa đường. Một nhận thức chung được đưa ra: việc xây dựng nông thôn mới đơn giản từ việc người dân cùng nhau giữ gìn con đường của thôn và những việc khác có bàn tay người dân chung sức chung lòng. Tiền không có, người dân vận động nhau bỏ thời gian đi làm bốc vác gỗ rừng trồng, sau khi gieo cấy vụ Đông Xuân xong, để kiếm tiền sửa đường. 

      Ông Viên Xuân Mạch, Bí thư chi bộ thôn Chi Lanh, xã A Đớt, huyện A Lưới, tâm sự: “Người dân trong thôn nhất trí rằng việc xây dựng nông thôn mới là việc của chính mình. Cái chi nhà nước xây rồi, cho rồi thì mình phải giữ gìn, có giữ gìn được thì việc xây dựng nông thôn mới mới có thực chất được. Nên bà con cùng nhau làm. Khi đề xuất việc này, xã ủng hộ bằng một ít vật liệu và chủ mua rừng cũng ủng hộ một ít kinh phí nữa. Sau khi sửa xong, chúng tôi sẽ có con đường không còn hư hỏng nữa”.

Người dân đang cùng nhau sửa lại đoạn đường bị hư hỏng 

       Mấy hôm trước đó, làng nhận bốc vác gỗ keo cho mấy chủ xe thu mua gỗ keo trên địa bàn xã. Số tiền bốc vác đó trở thành số tiền chung để giành cho việc sửa đường. Và kết quả là làng có tiền, có vật liệu và cùng nhau sửa đường như buổi chiều hôm nay. 

      Trước đây, người dân thôn Chi Lanh đã có nhiều việc làm cùng nhau để góp phần xây dựng thôn làng ngày một đẹp hơn, trong một mục tiêu lớn hơn là trở thành thôn nông thôn mới đầu tiên của xã A Đớt. Điển hình nhất của mục tiêu mà thôn đang hướng tới là sửa chữa nhà roong và xây mới tường bao quanh nhà roong và cả công trình phụ. 

       Để có tiền sửa mái nhà roong, người làng vận động nhau góp ngày công, góp kinh phí. Để có tiền xây dựng tường bao quanh nhà roong, làng vận động nhau góp công bằng cách cùng nhau bốc vác và bóc vỏ gỗ rừng trồng. Kết quả là cái tường bao mới đã được xây dựng. Dù nó không được đẹp nhưng có cái đẹp hơn tất cả được thể hiện, đó là tấm lòng của người dân khi hiểu được trách nhiệm của mình trong công việc chung. Trong đó, xây dựng, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang công trình công cộng là một phần của mục tiêu nông thôn mới mà thôn Chi Lanh đang hướng tới. 

      Khi được hỏi về sự chung lưng đấu cật ấy, ông Lê Hồng Sau, một người dân thôn Chi Lanh hồ hởi; “Làng còn nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu nông thôn mới, nhưng làng có quyết tâm. Bởi người làng đã biết việc mình cần làm để tham gia công việc chung. Nhiều khi không đợi lãnh đạo chi bộ, hội đồng làng vận động, người dân đã chủ động đề xuất rồi. Như công trình phụ cho nhà roong vậy. Người làng thấy phải có công trình phụ để khép kín các công trình ở nhà roong nên người làng đề xuất làm và cùng nhau làm.”

       Xây dựng nông thôn mới với nhiều địa phương miền núi có đông đồng bào thiểu số sinh sống, sự vận động của chi bộ và hội đồng già làng có ý nghĩa quan trọng, cũng như cách nghĩ và nhận thức của từng người với việc chung. Vì thế, những việc làm thành công ở Chi Lanh đã thể hiện một sự tiến bộ vượt bậc so với nhiều địa phương khác, thậm chí so với miền xuôi. Ông Trần Phước Hùng, phó phòng NN&PTNT huyện A Lưới, thành viên Ban chỉ đạo Xây dựng NTM của huyện bộc bạch: “Sự vận động của lãnh đạo cơ sở có ý nghĩa quan trọng như một sự quy tụ sức dân. Đó là điều mà chúng ta đang thấy ở thôn Chi Lanh, xã A Đớt. Từng công trình là từng biểu tượng của sự thành công khi có bàn tay của người dân. Vì thế, thực tế là nông thôn mới không ở đâu xa mà chính là từ từng việc làm như vậy. Thiết nghĩ, các địa phương khác cũng nhân rộng mô hình chung tay như ở thôn Chi Lanh này thì mục tiêu nông thôn mới không còn xa nữa”.

      Là một xã nghèo, còn nhiều khó khăn, nhưng A Đớt có những thôn “không nghèo” về nhiều mặt. Trong đó, Chi Lanh là một điển hình. Chi Lanh có những người dân có cái bụng giàu, Chi Lanh có những người lãnh đạo giàu khả năng vận động. Do vậy, nông thôn mới với người dân Chi Lanh nói riêng và A Đớt nói chung là không đợi Đảng, Nhà nước đầu tư, chỉ đạo mà tự mình xây dựng và góp ý, góp sức./.

trt.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.990.991
Truy câp hiện tại 1.863