Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Những “cột mốc sống” giữa đại ngàn Trường Sơn
Ngày cập nhật 03/03/2014

Đại tá Lê Văn Nguyên, Phó Chính uỷ Bộ đội Biên phòng tỉnh quả quyết: Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng trong việc vận động đồng bào chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Họ là những "cột mốc sống" trong các phong trào toàn dân tham gia xây dựng và bảo vệ an ninh biên giới của Tổ quốc…

      Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh có khoảng 11.830 hộ, với gần 57.500 khẩu, sinh sống ở 12 xã biên giới và 33 xã vùng miền núi các địa phương Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc và Hương Trà, gồm các dân tộc: Pa cô, Cơ tu, Tà ôi, Vân kiều, Pa hy và một bộ phận nhỏ các dân tộc khác, chiếm hơn 5,2% dân số toàn tỉnh. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của người có uy tín (NCUT) trong đồng bào các DTTS đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã tập trung triển khai công tác phát huy vai trò NCUT đối với từng lĩnh vực, địa bàn phụ trách nên đã mang lại những hiệu quả rất thiết thực.

Những NCUT trong đồng bào DTTS đã có dịp gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm trong

quá trình phát huy vai trò của mình với cộng đồng

          Đến xã biên giới A Đớt mới thật sự thấy rõ điều này. Từ phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới”, nhiều già làng, trưởng bản là NCUT trong đồng bào DTTS ở đây phát huy vai trò của mình, giáo dục, vận động con cháu và nhân dân tích cực tham gia thực hiện. NCUT nhiều lần tham gia cùng các tổ chức ở địa phương đấu tranh, ngăn chặn tình trạng di dịch cư tự do, đẩy lùi các tệ nạn xã hội và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

       Già làng Đặng Sơn Thi, ở thôn A Tin, xã A Đớt là một điển hình như thế. Già đã tự nguyện giúp đỡ Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt trong việc vận động quần chúng, vận động con cháu trong gia đình, dòng họ và người dân trong thôn, bản tham gia bảo vệ biên giới, cột mốc do đồn phụ trách. Qua câu chuyện với Thượng tá Đồng Xuân Quỳnh, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt, được biết Già Thi thường xuyên cùng với cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng vận động bà con, nhân dân trong thôn tham gia phát quang đường tuần tra biên giới, gìn giữ và vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân thôn A Tin với dân bản Ka Lô (Lào). Trong mỗi lần đi phát quang, Già lại trực tiếp giải thích cho mọi người về đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước về định canh, định cư, vai trò quan trọng của công tác bảo vệ, tôn tạo, tăng dày hệ thống mốc quốc giới; đồng thời, tuyên truyền để bà con biết kịp thời báo cho chính quyền ngăn chặn khi có hành vi nhập cư trái phép.

       Già làng Đặng Sơn Thi bảo: “Ngày trước, thực hiện chủ trương tăng dày, tôn tạo mốc biên giới, bản thân Già đã được cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt trực tiếp tuyên truyền để rồi Già mang những chủ trương đó về với bà con. Mỗi khi đến từng gia đình tuyên truyền về bảo vệ đường biên, cột mốc, Già thường ví von: Bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn, bản cũng giống như bảo vệ bờ rào ở mỗi gia đình mình vậy!. Với cách truyền đạt đơn giản, dễ hiểu ấy, bà con trong bản hiểu vấn đề rất nhanh và từ đó nhiệt tình tham gia cùng Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt mọi nhiệm vụ”. Từ sự tận tình của Già làng Đặng Sơn Thi, có thể nói ở biên giới A Đớt mỗi người dân đều trở thành một chiến sĩ biên phòng.

      Giống như bao “cột mốc sống” ở biên giới A Lưới, dù bước sang tuổi gần 60, nhưng ông Hồ Xuân Ngữ (dân tộc Tà ôi), ở thôn I Reo, xã Hồng Thái (A Lưới) vẫn chưa ngày nào ngừng công việc tuyên truyền, vận động đồng bào đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, gìn giữ khối đại đoàn kết toàn dân và tích cực tham gia phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới. Là NCUT trong cộng đồng thôn I Reo, sau nhiều năm gắn bó với mảnh đất biên cương Hồng Thái, dù ở cương vị nào ông cũng xông xáo, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào thay đổi tập tục canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để góp phần nâng cao đời sống cho bà con. Ông Ngữ bảo: “Sau khi có chủ trương về xây dựng nông thôn mới, xác định được đây là chương trình kết hợp giữa nhà nước và nhân dân, phục vụ chính cho người dân địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, tôi đã cùng chính quyền địa phương thông qua mối quan hệ dòng tộc, người thân tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu rõ mình là chủ thể trong việc thực hiện chương trình này. Từ đó, trong công tác giải phóng mặt bằng để thi công các công trình, người dân đều đồng tình tự nguyện hiến đất, hiến cây, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương…”.

      Thực tế cho thấy, việc phát huy được vai trò của NCUT trong đồng bào DTTS đã tạo nên cánh tay đắc lực giúp ổn định tình hình an ninh nông thôn và tích cực phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn biên giới. A Lưới hôm nay tuy còn hộ nghèo nhưng người dân đã ý thức, loại bỏ hủ tục lạc hậu, không du canh, du cư, bám đất bám rừng và hăng hái tham gia vào phong trào giữ gìn chủ quyền an ninh biên giới, góp phần tích cực xây dựng vùng đất biên cương ngày càng phát triển bền vững. Những điều đó có công rất lớn của các “cột mốc sống” giữa đại ngàn Trường Sơn này.

Baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.991.060
Truy câp hiện tại 1.891