Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đi chợ vùng cao A Lưới
Ngày cập nhật 30/01/2014

(TTH) - Có dịp lên công tác A Lưới, tôi không bao giờ bỏ sót chuyện đi chợ. Đi chợ không chỉ là để mua hàng hóa, mà còn để khám phá nét văn hóa của vùng bản địa nơi đây. 

Chợ A Lưới thường đông vào buổi sáng sớm, khi mà cư dân các xã tranh thủ đi chợ mua, bán hàng hóa trước khi đi làm nương rẫy. Hòa chung dòng người tấp nập, tôi thường bắt gặp những ánh mắt của những phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số như đang còn ngái ngủ với những gùi đầy chuối, măng, dứa, rau rừng, sắn, khoai… có lẽ họ phải thức dậy từ rất sớm để đi một quãng đường khá xa về chợ tranh thủ bán hàng. Mẹ Kăn Thiết (ở xã Hồng Bắc), dù đã bước sang tuổi 82, vẫn miệt mài đi chợ bán hàng khi thì mớ rau, khi thì nải chuối… Mẹ nói rằng, không đi chợ thì nhớ lắm vì nó đã gắn bó với mẹ cả hàng chục năm nay rồi. Hay mẹ Kạ Khiếp, xã A Đớt dù ngoài 70 tuổi vẫn siêng năng gùi lá chè tươi về chợ bán.
 
Chợ A Lưới
 
Tuy là chợ vùng cao, song ở đây không thiếu thứ gì từ áo quần may sẵn, điện thoại di động, hàng tạp hóa… cho đến thịt, cá, rau củ quả. Chợ phong phú hàng hóa bởi có nhiều dân tộc anh em, như Kinh, Cơ Tu, Pa Hy, Vân Kiều, Tà Ôi cùng sinh sống trên mảnh đất này đến mua và bán. Điều đáng trân trọng ở đây là mọi người đều sống chan hòa, vui vẻ. Chị Thân, 45 tuổi ở Huế lên lập nghiệp A Lưới đã hơn 25 năm nay, nói rằng: “Trước đây tôi bán hàng tạp hóa ở Bốt Đỏ, nay chuyển về chợ A Lưới. Mấy chục năm bán hàng ở đây tôi thấy bà con dân tộc vùng cao A Lưới hiền lành, chất phác lắm. Họ mang các sản vật tự làm ra đến đây bán, không nói thách gì cả, bán được hàng xong là họ mua lại thức ăn hoặc khi thì cái khăn, cái cốc… rồi trở về nhà. Tôi nhận thấy giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số khác sống rất gần gũi, thân thiện”.
 
Không chỉ có mình tôi thích đi chợ vùng cao mà nhiều người từ các địa phương khác khi lên A Lưới cũng rất thích đi chợ. Một đặc sản mà trong mỗi chúng tôi khi đi chợ luôn mua mang về nhà chính là măng tre, măng rừng, rau rừng hoặc cá suối. Những thứ này ở các chợ đồng bằng không thể có được. Điều thú vị của những đặc sản này là không chỉ ngon, đặc sắc mà còn rất an toàn cho sức khỏe, bởi bà con đồng bào dân tộc thiểu số đều thiệt bụng, trồng được gì trong vườn hoặc lên rừng kiếm được mang ra chợ bán. Anh Thái - người Huế lên làm công nhân tại điện lực A Lưới nói rằng: “Suốt 7 năm công tác nơi đây, tuần nào về Huế em cũng mua khi thì ít con cá, khi thì vài kg măng tươi, hoặc mớ rau rừng để về nhà ăn. Chợ phong phú hàng hóa từ dưới Huế lên có, ở A Lưới có. Nhiều người dưới Huế lên đây hoặc du khách luôn thích những sản phẩm của núi rừng vì sự đặc sắc, cũng như thương hiệu sạch, an toàn của vùng cao nên chợ A Lưới rất đông khách”.
 
Chợ A Lưới trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều cộng đồng dân cư, của nhiều dân tộc cũng như của nhiều vùng, miền trong tỉnh. Đến đây, không chỉ duy nhất là chuyện mua hàng hóa, mà còn để khám phá nét văn hóa phong phú, tập quán sinh sống, sinh hoạt đặc sắc của đồng bào dân dân tộc nơi đây như việc trao đổi hàng hóa; ăn mặc, cách mua sắm... Một điều quan trọng không thể không kể đến sự đóng góp tích cực của chợ A Lưới, đó là, đã góp phần thay đổi tập quán tự cung tự cấp trước đây mà thay vào đó bà con đồng bào dân tộc giờ đã làm quen với phương thức buôn bán, giao lưu trao đổi hàng hóa, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài. 
Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.702.087
Truy câp hiện tại 22.543