Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người "thổi hồn" vào đất
Ngày cập nhật 22/04/2014
Lão nông Mai Đô

A Lưới hôm nay đất đai nuôi sống con người, thật khác với những ngày đầu, người miền xuôi lên đây khai phá. Câu chuyện mảnh đất hoang sơ nay "khoác lên màu áo mới" gắn liền với cuộc đời lão nông Mai Đô và các anh BĐBP cắm chốt ở vùng biên giới.

Những ngày gian khó 

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vùng đất A Lưới vẫn còn dày đặc hố bom, đất đai khô cằn, đặc biệt tàn tích vùng sân bay A So còn nguyên đó chất độc màu da cam, đi-ô-xin với bao nỗi đau. Xã Hương Phong có chiều dài đường biên giới khoảng 6km, địa hình rừng núi phức tạp, là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, cách trung tâm huyện A Lưới 12km, có 2 thôn, với 147 hộ/148 khẩu, tổng diện tích tự nhiên là 8.115ha, rừng tự nhiên chiếm trên 80%, còn lại là đất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Dân cư sống chủ yếu tập trung hai bên đường Hồ Chí Minh. 

Do được hẹn trước, lão nông Mai Đô mặc bộ quần áo tinh tươm, đứng đợi chúng tôi trước cổng ngôi nhà cách đường 20m. Cùng ngồi trong ngôi nhà gỗ khang trang, đầy đủ tiện nghi, lão nông Mai Đô nước da bánh mật, khuôn mặt chất phác vừa uống chén trà, vừa nhớ lại những ngày còn khốn khó. Ngày 10-7-1975 là ngày ông đặt chân tới mảnh đất A Lưới hoang vu với hai bàn tay trắng. Ngót 40 năm, lão nông Mai Đô bám trụ nơi này, bao nỗi buồn đã lặn vào trong, giờ ngồi ngẫm lại thì đã quá nửa đời người.

Ông Đô cùng rừng cao su mới trồng

Năm 1975, Mai Đô còn là chàng thanh niên 27 tuổi, sức dài vai rộng, cùng nhân dân của 7 xã thuộc huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy) rời xa quê hương lặn lội lên vùng rừng núi hẻo lánh, xây dựng vùng kinh tế mới với bao khó khăn, gian khó. "Nhớ lại những ngày sắn còn chấm muối thật khó ai có thể cầm lòng và đủ can đảm để ở lại vùng đất này. Nhà ở thì tranh tre nứa lá, rời quê hương lập nghiệp với hai bàn tay trắng, bữa ăn hằng ngày chủ yếu là củ sắn, củ mài, chứ lấy đâu ra cơm trắng, cá kho như bây giờ. Nhiều hộ dân do không chịu được gian khổ đã rời bỏ nơi đây để vào Nam hoặc trở về quê cũ. Việc bám trụ đất này để tồn tại thời bấy giờ là một lựa chọn đầy chông gai" - Ông lão bùi ngùi nhớ lại. Gia đình ông phải chuyển nhà tới 4 lần, năm 1994 mới cất được căn nhà gỗ. Giai đoạn đầu 1975-1979, dân di cư lên đây có 332 hộ/1.823 khẩu, cuối năm 1977 chỉ còn lại 105 hộ, đến năm 1982, còn lại 44 hộ/216 khẩu. Số hộ dân ở lại thực sự là "gan hùm cóc tía" mới dám bám trụ nơi đất này. 

Đời sống của người dân thời kỳ đầu chủ yếu tự cung tự cấp, làm không đủ ăn, đã thế còn phải thường xuyên chống chọi với thiên nhiên. Trồng lúa thì lợn rừng phá, đường giao thông không có, đi lại rất khó khăn, nhà nọ cách nhà kia mấy quả đồi. Cuộc sống bôn ba của lão nông Mai Đô để kiếm kế sinh nhai cũng ba chìm bảy nổi. Năm 1977, nản lòng khi các hộ dân về xuôi hoặc vào Nam lập nghiệp quá nhiều, lão nông Mai Đô dời xứ vào Đồng Nai làm công nhân cao su, học tập cách làm ăn, chăn nuôi gia cầm, đào ao thả cá. Năm 1994, bão lũ cuốn trôi toàn bộ số cá gia đình ươm, mất trắng 10 triệu đồng. Rồi việc chăn nuôi gà cũng không khá hơn, do không có điểm tiêu thụ, gia đình ông lão Mai Đô bỏ vốn nuôi tới 100 con gà, đành tự nuôi... tự ăn. 

Thức giấc vùng đất ngủ vùi 

Với sức trẻ, không ngại khó và quyết tâm thay đổi quê hương lần thứ 2 - A Lưới. Ở Hương Phong lúc này chưa có điện lưới, lão nông Mai Đô cùng với bà con, tự mua mô tơ nước làm thủy điện, tự mày mò với phương châm "Lên đây nhờ rừng, tự lực tự cường là chính". Ông là người đi đầu trong áp dụng mô hình phát triển kinh tế rừng. Dồn vốn đầu tư vào nuôi bò, trồng keo, nuôi cá và hiện tại, cây cao su là mũi nhọn kinh tế. Năm 2001, Đồn BPCK A Đớt hỗ trợ 1 con bò và 500.000 đồng để đầu tư ao hồ, thả cá. Những khó khăn luôn luôn tồn tại, nhưng không vì thế mà ông chịu lùi bước. Ông suy nghĩ: "Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, nhưng ở đây có đồng cỏ chăn nuôi, ao hồ sẵn, lại được đơn vị BĐBP đầu tư về con giống, giúp đỡ về kỹ thuật chăm sóc phòng bệnh, chữa bệnh, chắc chắn sẽ làm được". Một năm sau, bê con ra đời trong sự mong mỏi, vui mừng của gia đình và bà con. Giống bò rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây và phát triển, sinh sản tốt. Ao cá hằng năm cho thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng, niềm vui càng nâng lên gấp bội. 

Theo Nghị quyết của Huyện ủy, lão nông Mai Đô cùng đồng bào chuyển qua trồng rừng và trồng cao su. Bắt đầu từ năm 2010, với 2ha cao su thí điểm, với mục tiêu phấn đấu mức thu về là 45 triệu đồng/ha, như mở ra tương lai mới cho cả vùng. Năm 2013, lão nông đã gần 70 tuổi, xác định nuôi lớn, nhưng bão cuốn trôi mất 3 tạ cá. Nhưng không vì sự mất mát lớn đó mà lão chùn bước: "Với diện tích mặt nước hồ 10.000m2/ha, lão đang vươn lên mức 15.000 con, phục vụ thị trường mùa vụ tới".  

Trao đổi với Thiếu tá Trường Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hương Phong, được biết, lão nông Mai Đô không chỉ là một tấm gương về làm kinh tế giỏi, mà còn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông đã kinh qua nhiều nhiệm kỳ gắn liền với chính quyền địa phương, cụ thể: 3 năm làm thống kê kế hoạch xã, 6 năm trưởng công an xã, hiện ông đang giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Những năm 1986, nạn người dân vượt biên, khai thác vàng lậu, trầm, rùa... tràn lan, lão nông Mai Đô đã kề vai, sát cánh với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng ngăn chặn, truy quét, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững khu vực biên giới. 

Để tạo dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay, lão nông Mai Đô luôn biết ơn BĐBP. Ông chia sẻ: "Bộ đội sẵn sàng giúp đỡ gia đình tôi và bà con khi vào vụ lúa thì cấy, hái, cung cấp giống, phân bón, bỏ ngày công giúp đỡ, be bờ ao hồ lúc nước lũ dâng". 

"Cầm cục đất phải biết sinh ra vàng" 

Đấy là những điều lão nông Mai Đô luôn tâm niệm và muốn truyền đạt cho thế hệ trẻ của xã Hương Phong, của A Đớt. Thế hệ ông đã tạo dựng những tiền đề cơ bản nhất, đòi hỏi thế hệ tiếp nối cần phải biết phát huy cái vốn liếng đi lên từ xương máu ấy, "cầm cục đất biết sinh ra vàng". 

Chẳng mấy chốc mà bước sang tuổi 70, nhưng người đàn ông ấy đôi bàn tay vẫn còn rắn chắc, đôi chân không biết mỏi, cái đầu không ngừng học hỏi, sáng tạo. Trong tay ông giờ đã có 10.306m2 đất ở và đất nông nghiệp, 6ha diện tích rừng. Đứng trong cánh rừng cao su mới trồng, giọng ông sang sảng: "Vài năm tới, cô về đây mà xem, cả quả đồi phía xa kia là 4-5ha sẽ được phủ xanh bởi các loại cây chàm, keo, ao hồ tôi sẽ sửa sang lại, giờ nuôi cá để lấy vốn trồng cao su, lấy ngắn nuôi dài. Các hộ xung quanh đây sẽ làm theo, mô hình sẽ được nhân rộng, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bà con". 

Anh hùng thời bình chẳng ở đâu xa, là những con người bằng lòng nhiệt huyết và quyết tâm không ngại gian khổ, dời quê hương, lên vùng biên xây dựng quê hương thứ hai. Quê hương A Lưới còn nhiều lắm những con người cần cù chịu khó như lão nông Mai Đô, tất cả là những hạt nhân then chốt, cùng với lực lượng BĐBP tạo nên tấm phên dậu vùng biên vững chắc, không gió mưa gì quật ngã, không bước chân quân thù nào đạp đổ. Quân dân một lòng không chỉ giữ vững an ninh vùng biên, mà còn thúc đẩy, nhanh chóng hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới ngay tại vùng đất biên cương, để đồng bào nơi đây yên tâm lao động sản xuất và an cư lạc nghiệp.

http://bienphong.com.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.989.337
Truy câp hiện tại 1.114