Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hoa văn trên sản phẩm dệt của tộc người Tà Ôi ở A Lưới
Ngày cập nhật 21/08/2013

Tà ôi là một trong 21 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ me ở Việt Nam. Tộc người Tà ôi còn có tên gọi khác là Tà uốt hay là Cần tua, danh xưng tộc người này xuất hiện khá sớm, vào thế kỷ XVIII trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn. Ở Việt Nam người Tà ôi chiếm số lượng ít, mà chủ yếu là họ cư trú sinh sống cư trú ở các huyện thuộc tỉnh Xê Kông-Lào. Hiện nay tuy là một trong ba tộc người của tỉnh Thừa Thiên Huế (Tà ôi-Pa cô, Ka tu và Bru-Vân Kiều) sống tựa vào sơn hệ Trường Sơn và chỉ chiếm số lượng khiêm tốn nhưng tộc người Tà ôi cũng là một bộ phận gắn kết lâu đời trong bức tranh dân cư ở Thừa Thiên Huế.

Dân số toàn huyện A Lưới hiện nay có khoảng 46.000 nghìn người, trong đó tộc người Tà ôi chiếm số lượng khoảng 13.000 nghìn người. Văn hóa của tộc người Tà ôi rất đa dạng và phong phú đã góp phần tạo nên những bản sắc văn hóa riêng có của miền vùng cao A Lưới.

Có thể nói, trong tất cả các ngành nghề truyền thống của các tộc người thiểu số ở A Lưới, thì nghề dệt Zèng của người Tà ôi phát triển nhất và có từ lâu đời. Bởi ngoài những đặc trưng về ngôn ngữ, văn hóa… trang phục, trang sức cũng là một đặc điểm quan trọng để phân biệt văn hóa của từng tộc người. Đó là sự phản ánh của con người trước những điều kiện tự nhiên, điều kiện văn hóa - xã hội nơi họ cư trú. Mỗi tấm vải dệt ra là thành quả kết tinh của quá trình lao động sáng tạo của cả cộng đồng qua một quá trình lịch sử phát triển. Tính tương đồng của các sản phẩm dệt dù chưa có đủ cứ liệu để chứng minh quá trình ảnh hưởng hay giao thoa tiếp biến trang phục giữa các tộc người, nhưng ở vài motip, vị trí của nó trên nền chất liệu, phần nào đã chứng minh cho bản sắc của từng dân tộc.

 
 
 Trước đây, người Tà ôi còn giữ được gần như nguyên vẹn các loại nguyên liệu, công cụ kỹ thuật và quy trình sản xuất truyền thống. Trong một góc nhìn về sự giàu có của các tộc người thiểu số ở A Lưới, thì người nào sở hữu được nhiều bộ trang phục bằng đồ dệt đắt tiền sẽ là người giàu có. Do vậy, các sản phẩm dệt đã ăn sâu vào tâm thức của người dân, nó như là một chuẩn mực cho một cô gái chưa chồng biết tạo ra sản phẩm này. Hơn nữa sản phẩm dệt như là một món của hồi môn cho những cô gái sau khi về nhà chồng.
Để tạo ra những tấm Zèng lớn sẽ mất nhiều thời gian trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp, do vậy, sự khéo léo, chăm chỉ, cần cù, nhẫn nại của các phụ nữ nơi đây đã tranh thủ những lúc rãnh rỗi sau công việc ở nương rẫy, bên bếp lửa hồng, trong những tháng mùa đông mưa giá, đặc biệt là sau những vụ mùa, các khung dệt được bày ra rộng khắp, thu hút nhiều lứa tuổi tham gia. [Trước đây, nguyên liệu để tạo nên những sản phẩm này thường là những cây bông (Cà pai lao, cà pai plưng) được đồng bào trồng trên rẫy trải qua nhiều công đoạn như thu hoạch, phơi, tách, bật bông, cán, vấn, xe, giăng, kéo thành sợi...Khi đã có sợi vải, người ta tiến hành nhuộm màu bằng những loại lá, vỏ, củ và rễ cây khai thác từ núi rừng, gam màu chủ yếu là đen, đỏ và trắng, sau đó phơi khô và cuộn lại thành búp].
Có thể nói, bộ khung dệt (Âl đul âr tao) của các tộc người ở đây có thể được đánh giá là cổ nhất so với các tộc người ở khu vực Đông Nam Á. Tuy có nhiều bộ phận nhưng rất đơn giản, gọn nhẹ, hầu hết là bằng tre, lồ ô và những thanh gỗ rất nhỏ, di chuyển rất dễ dàng. Với trình độ điêu luyện, trên nền vải, người phụ nữ đã khéo léo điểm những hạt cườm chì (Alung), hạt cườm, quả rừng (arác/arắc) để tạo nên những chủ đề trang trí hoa văn đẹp mắt, chứa đựng nhiều hình ảnh, biểu tượng phong phú, nhưng lại đầy ý nghĩa trong đời sống cộng đồng. Điều đó đã phản ánh về sự cảm nhận của những con người mộc mạc, bình dị đối với môi trường tự nhiên cũng như đời sống xã hội của mình.
 
 
Hoa văn trên sản phẩm dệt của người Tà ôi được chia theo 3 chủ đề: Chủ đề động, thực vật, thiên nhiên và đồ vật. Các hoa văn trang trí trên Dzèng của người Tà Ôi chủ yếu được tạo thành bởi những hạt cườm, được gắn/chèn (thực ra là lồng hạt cườm vào sợi, từng hạt một) vào trong quá trình dệt. Trước khi chèn, người dệt xâu cườm lại thành chuỗi bằng cách ngắt đứt những sợi vải, dùng tay vê lại và vuốt từng hạt vào, khi đã có được chuỗi cườm, người dệt lại nối vào chỗ ngắt ban đầu để tiến hành chèn theo các mẫu hoa văn có sẵn, hoặc làm theo quán tính - khi người dệt đã thành thạo những motip hoặc quen mắt, quen tay khi sắp xếp.
1. Chủ đề trang trí thực vật
Hệ thống trang trí thực vật trên đồ dệt của người Tà Ôi, phản ánh toàn vẹn chân dung cuộc sống của cộng đồng tộc người. Đấy là những gì mà nhiều thế hệ tộc người chứng kiến, cảm nhận từ thế giới tự nhiên nơi cư trú và tái tạo qua cảm quan nghệ thuật nguyên thuỷ mang tính sơ khai.
Hệ cây:
-   Ngkoang kating (cây cổ thụ kating): motip này được xem là biểu tượng của dốc Pârsee - dốc tình yêu bất tử, nơi ghi dấu cuộc tình bất tử của chàng trai trẻ mồ côi, nghèo khó với cô gái xinh đẹp, nhà giàu nhất làng. Motip này thường được tạo hình với đường gấp khúc màu đỏ hoặc bằng cườm.
- A ưm (cây bắp) hình cây bắp có 6 lá đều nhau ở hai bên, ngọn có hoa cờ và có quả ở nách lá.
- Abăng abung (măng cây giang): tuy được giải nghĩa là măng cây giang, nhưng thực chất hoa văn chuyển tải hình ảnh búp măng của cây giang, tre hoặc nứa, loại hoa văn này còn được gọi là si a lúc ling (đỉnh núi nhọn) hoặc xeling (chông nhọn). Hoa văn này được thể hiện dưới dạng các hình tam giác nhọn nối tiếp nhau chạy dài theo chiều dọc tấm Dèng.
         - Pi li pít: Hoa văn hình cây cam có quả và có một cành nhỏ.
- Pili a toang: Trong truyền thuyết của người Tà Ôi, pili a toang là loại cây thiêng, nên khi đôi trai gái yêu nhau thường hái quả để ăn rồi hẹn thề, hoa văn này thường được bố trí theo chiều dọc tấm Dèng.
        - Chi rôông: Loại cây có thân vừa, mỗi cành có 4 lá thon dài, hoa có 4 cánh, nhụy màu đỏ, a rờ choh được thể hiện trên nền Dèng với hình ảnh cây có hoa và trồng trong chậu.
Hệ lá
- Tù vạc (Lá cây đoác): Đây là loại cây có thân giống cây dừa, người Tà Ôi thường chặt bỏ ngọn, kéo cong xuống hứng lấy nước trong thân cây, bỏ vào đó một ít vỏ cây chuồn, ủ lên men và uống thay rượu. Hoa văn tù vạc có hình thân cây với bốn cánh xòe ra bốn hướng.
- Ta vai (một loài hoa vàng ở rừng): Là một loại dây hoa ở rừng, lá có màu xanh, hoa màu vàng, thân được xếp rất mềm mại.
- A rạc/ Âr rạc (loại lá dùng làm thuốc nhuộm sợi vải): Hoa văn này có hình cây với những lá to, màu vàng, chuôi lá eo thắt lại.
- I la pâr đing (lá cây đùng đình): Mang hình lá cây đùng đình (loại cây được người Huế cho rằng có tác dụng trừ ma quỷ, trái chín có màu đỏ và rất ngứa), loại cây mà ngày xưa tổ tiên người Tà Ôi thường dùng để mồi lửa, hoa văn này có dạng hai hình thoi giao nhau ở đỉnh theo đường thẳng đứng, hai bên có hai hình tam giác hướng đỉnh vào nhau.
 
 
2.  Chủ đề trang trí động vật
Chủ đề trang trí này mang những thuộc tính tương tự như chủ đề trang trí thực vật, đấy chính là những gì mà tộc người Tà Ôi cảm nhận trực quan từ môi trường sống, phản ánh và tái tạo thành những motip trang trí đặc trưng của cộng đồng tộc người.
         A đang: Hình hai con nhện có thân mình cân đối, có bốn chân chìa ra bốn phía, được xếp song song và giáp nhau.
Va vạc: Hình con bướm đang bay có đầy đủ đầu, đuôi và hai cánh cân đối xòe rộng.
A xiếêp: Hình hai con dơi đang bay, không có chân, hai cánh xòe rộng và tách biệt nhau.
A hi pa nêêhs (hình người nam/nữ đang múa/nhảy hội): Được gọi cùng một tên, nhưng cách thể hiện người nam và nữ trong motip này lại khác nhau. A pi âr truts (biểu tượng nam) được biểu thị bằng hình ảnh của người đàn ông vạm vỡ, khom lưng đang múa, hai bàn tay ép lại và các ngón tay xòe ra, trên khố có biểu tượng mênh cha chung(sao bắc đẩu) hàm nghĩa của sức mạnh đoàn kết cộng đồng và nguồn sinh lực dồi dào. A pi âr đing (biểu tượng nữ) biểu thị người phụ nữ mặc nai đôi (một loại váy của người phụ nữ đã có chồng) đang múa và không có các ngón tay xòe ra.
Achỉ: là hình hai con chim trĩ có cánh rộng, đuôi dài, nối đuôi nhau bay thẳng lên trời.
Chi rít a siu: Hoa văn hình xương cá, ở giữa có hai đường thẳng song song, các đường rẽ hai bên đối xứng nhau xuôi cùng chiều. Loại hoa văn này thường được dùng để trang trí phần dưới của tấm Dèng. Đôi khi người ta cũng giải thích đây là con rết.
Chi posh âr troi (hoa văn dấu chân gà): là hình bàn chân gà có nhiều móng, các ngón dài ngắn khác nhau, ở giữa có vòng tròn nhỏ.
Lunh apun (con nọc nọc/ nòng nọc): Hoa văn này được thể hiện kiểu âm bản trên Dèng, xung quanh là hạt cườm kết thành mảng, làm nổi lên hình những con abing xếp nối tiếp nhau.
Tương tự với chủ đề trang trí thực vật, sự hiện diện của nhiều hình tượng động vật trong chủ đề trang trí động vật đã ít nhiều phản ánh tính đa dạng của môi trường thiên nhiên nơi cư trú. Đấy có thể là những động vật nhỏ nhắn đáng yêu mang lại cái ăn cho cộng đồng tộc người trong loại hình kinh tế săn bắt; có thể là loại động vật nguy hiểm, hung dữ đe doạ đến tính mạng và sự bình an của cộng đồng v.v…, và cũng có thể là vật tổ (totem) của nhiều dòng họ. Sự hiện diện của chúng trên sản phẩm dệt Dèng, bên cạnh ý nghĩa tôn thờ thuộc phạm trù niềm tin, tín ngưỡng, đấy còn là cách giáo dục mang tính trực quan sinh động về thế giới quan của cộng đồng tộc người.
Trong chủ đề trang trí động vật, hình tượng con người duy nhất chỉ có một, mà đôi lúc, trong một số trường hợp sự phân biệt hình tượng nam / nữ vẫn còn rất mơ hồ. Trong cuộc sống cộng đồng, việc người đàn ông với trang phục truyền thống nhảy múa luôn là hình ảnh mở đầu cho những lễ hội: Ariêu A za (mừng lúa mới),  Ariêu Ping (Lễ quy tập mồ mã), Ariêu Eal Ideal (Lễ cưới hỏi), Ariêu Itâl Ado Kõh (lễ cúng đất làng) v.v…  Đấy là động thái mở đầu cho một chuỗi những sự kiện liên quan đến đời sống tâm linh nhằm chia sẻ niềm vui, điều hạnh phúc đến các thần, hoặc cầu cứu đến các thế lực thần linh. Người phụ nữ trong một số hình tượng được nhìn nhận như là người nắm giữ trụ cột kinh tế, hình ảnh của Bà Mẹ Lúa trong tâm thức của cộng đồng tộc người, nên trong một vài hoàn cảnh nhất định, có thể xem vai trò của họ không hề mờ nhạt.
3. Chủ đề trang trí đồ vật
Đây có thể xem là chủ đề trang trí chiếm số lượng lớn nhất trong tổng thể bố cục trang trí của tấm Dèng, nó biểu hiện sự đa diện của đời sống vật chất - tinh thần vốn rất sinh động của người Tà Ôi. Tồn tại và chiếm số lượng áp đảo trước những loại hình motip khác, những motip trang trí đồ vật phần nào cho thấy sự khẳng định của cá nhân - cộng đồng tộc người trước thiên nhiên hoang dã. Ví như motip trang trí hàng rào phản ánh sự phòng vệ của con người trước thú dữ, trước “nạn giặc mùa”  đến từ tộc người cận cư và cũng là ước muốn bảo vệ sự bình an cho cả cộng đồng làng - vel.
Đìing Rôông (nhà Rông có hàng rào): Tượng trưng cho ngôi nhà nhiều bếp, cửa mở, loại hoa văn này có thể dùng trang trí trên chiều dọc lẫn chiều ngang tấm Dèng.
Khi trang trí theo chiều dọc, rèng ròng thường được xếp thành dải và có hai hàng chông chỉa mũi nhọn vào như để bảo vệ, khi xếp theo hàng ngang, rèng ròng lại đứng đơn lẻ.
Chi rung tiêr ( biểu trưng nhà Rông): Có nhiều bếp, được bao bọc bởi hai hàng rào hình răng cưa, còng a ting thường được trang trí ở gần viền, nối dài theo suốt chiều dọc tấm Dèng.
Kreng rôông(hàng rào): Dạng hoa văn với nhiều hàng cườm đan chéo nhau hình chữ X xếp liền nhau, thường được trang trí ở viền Dèng được thể hiện như một hàng rào bảo vệ làng bản.Ân quang ting rũ ròng: (Pi ríp ploi) ngoài ý nghĩa tượng trưng cho nhà dài - loại hình kiến trúc nhà ở rất độc đáo của người Tà Ôi, hoa văn này còn được xem là một loại dây leo và được bố trí theo chiều dọc phía gần góc.
Kâr tah: Có hình cái thang leo lên nhà Roon, gồm hai dải cườm song song, ở giữa có các thanh ngang kề nhau ôm lấy các hình tứ giác, tượng trưng cho bàn chân người khi bước lên mái nhà chung.
Char bing: Có hình dạng hai chữ X chồng gần khít, hoa văn này hiển thị hình ảnh của cái giàn quay sợi vải.
Đung xia: Đung xia được biểu thị bằng hai loại hoa văn khác nhau, nhưng đều mang nghĩa là chân đế xe quay sợi. Một loại mang hình số 8, có hai lỗ vuông ở giữa để cắm dụng cụ ânnel. Một loại có hình con se quay sợi, có hai lỗ tam giác ở hai đầu.
Kâr lít:  Biểu thị cho hình dạng của một dụng cụ quay bông thành sợi, hoa văn này gồm có hai hình tam giác đối đỉnh nhau, hai bên có hai hình thoi.
Châr hang: Tượng trưng cho bếp lửa đang nướng thịt, biểu thị bằng hình chữ X có gạch ngang ở giữa (chữ X tượng trưng cho củi, thanh ngang tượng trưng cho con cá hay xâu thịt).
Kâr teeng: Loại trang sức phổ biến trong cộng đồng tộc người Tà Ôi, hoa văn này được vẽ bằng 4 hình thoi giao nhau ở bốn đỉnh.
Kâr đạac a rạc: Biểu thị cho công việc chèn hạt cườm, có hình dạng hai sợi dây bẻ gập vuông góc và xếp chéo nhau.
Pa puốc: Tượng trưng cho ngôi sao, hoa văn này có hình dạng hai hình vuông lồng nhau, có hai đường thẳng nối liền hai góc chéo nhau.
A rư a che: biểu thị hình đáy (đít) chum, có hình phễu ngược.
Pâr ning: Có hình điểm tâm ngắm bắn cung, nỏ.
Ka lâng ca muôr: Biểu thị đường kiến bò, có hình một hàng cườm đơn lẻ xếp thẳng hàng, hoa văn này thường được trang trí ở viền mép tấm Dèng.
Aming chachung: Biểu thị ngôi sao (có ý kiến cho rằng đây là sao Bắc đẩu), có ba loại, một loại có hình ngôi sao bốn cánh, ở giữa có chấm tròn; một có dạng bốn hình thoi xếp kề nhau thành hình vuông, và một có dạng bốn hình thoi xếp kề nhau trên một đường thẳng. Các loại hoa văn ngôi sao tượng trưng cho nguồn sáng và thường mang ý nghĩa chung là thiên thần, biểu thị mối quan hệ giữa hai thế giới người sống và người chết.
Chi rôông/Xa ling: Có hình dạng giống như abăng abung, hoa văn xe ling mang hình những cây chông nhọn, xếp cạnh nhau và chĩa mũi nhọn lên trời.
Arách khêêl: Có hình cái khiên che lúc đánh nhau, được biểu thị bằng ba đường thẳng song song và thẳng đứng, ở giữa có hình thoi, xung quang có các đường thẳng chéo.
Tiêr vêr: Hình vẽ của một dụng cụ dùng để cuốn sợi, có dạng hai hình chữ thập lồng vào nhau.
Máy bay: Vẽ hình máy bay lên thẳng và phản lực, hoa văn này phản ánh các loại vũ khí - khí tài mà người Tà Ôi nhìn thấy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tên lửa: Cũng như loại hoa văn máy bay, hoa văn vẽ hình hai tên lửa nối đuôi nhau đang bay.
Nol xarmê: Hình cột điện
Là nguyên liệu chính làm thành hoa văn trang trí trên mỗi một tấm Dzèng, hạt cườm chính là phương tiện chuyển tải, cách điệu, mô phỏng những loại hình động - thực vật có trong tự nhiên/môi trường sống, những vật dụng dùng trong đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt và chiến đấu v.v... Mỗi một tấm Dzèng với những hoa văn cườm được sắp xếp độc đáo hàm chứa bên trong nó trí thông minh, khả năng lao động miệt mài, kinh nghiệm được tích lũy bao đời của người phụ nữ Tà Ôi.
Với riêng chủ đề trang trí này, rất dễ để chúng ta nhìn thấy được sự bổ sung, chuyển giao và có khi điền thế giữa những motip truyền thống và hiện đại. Hình ảnh của cây cột điện, chiếc máy bay, tên lửa v.v… xuất hiện trên Dzèng không chỉ đơn thuần là sự thoái hoá, hoặc một hình thức biến thái không nên có trong cảm quan thẩm mỹ của cộng đồng tộc người như nhiều ý kiến từng nhận định (Bùi Duy Dũng, 2002; Phạm Thị Hoa, 2002), mà đấy là sự lột tả bản chất của dạng hình nghệ thuật nguyên thuỷ đáng được trân trọng và bảo tồn trong thời kỳ hội nhập.
 
Tài liệu tham khảo
1.     Ban chấp hành Ðảng bộ huyện A Lưới (1998), Lịch sử Ðảng bộ Huyện A Lưới, Huế. Nxb. Thuận Hóa.
2.     Lê Quý Ðôn (1964), Phủ biên tạp lục, Hà Nội. Nxb Khoa học Xã hội.
3.     Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam - Viện Dân tộc học (1984), Các dân tộc ít người ở Việt Nam [Các tỉnh phía Nam], Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
4. Hoàng Sơn (Chủ biên) (2007), Người Tà ôi ở Thừa Thiên Huế, Hà Nội. Nxb Văn hóa dân tộc.
Lê Loan
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.704.470
Truy câp hiện tại 639